Nhói lòng hình ảnh bé gái 2 tuổi bỏng nặng vì ngã vào nồi bỗng rượu |
Hiện bé gái Nguyễn Hà Anh (ở khu 2, phường Yên Hải, Quảng Yên, Quảng Ninh) đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia với tỷ lệ bỏng 40% cơ thể, mức độ bỏng 3, 4. Theo người nhà bệnh nhi, chiều tối 9/4, khi con đang chơi đùa cùng với bạn ở nhà bà ngoại thì không may ngã vào nồi bỗng rượu nóng vừa nấu xong gây bỏng nặng.
Dù được bà ngoại sơ cứu và chuyển lên Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên ngay sau đó, nhưng do cháu bé bị bỏng nặng nên tiếp tục được chuyển vào BV Sản - Nhi Quảng Ninh. Và đến sáng 10/4, bệnh nhi lại tiếp tục được chuyển lên Viện Bỏng quốc gia cấp cứu.
Sáng 20/4, bố của bệnh nhi Hà Anh chia sẻ: "Hiện cháu vẫn đang nằm điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu của Viện Bỏng Quốc gia. So với thời gian đầu nhập viện tình trạng sức khỏe cháu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các bác sỹ cho tháo ống thở máy và cho cháu tập thở dần dần nhưng vẫn có kèm theo máy thở hỗ trợ. Khi nào cháu đủ điều kiện sức khỏe để cấy ghép da. Theo phác đồ điều trị của các bác sĩ, những phần da bị tổn thương sâu như cách tay, ngực và mặt của con gái tôi sẽ lấy phần da tốt bên chân phải và trái ghép vào. Gia đình rất đau lòng chỉ vì sơ xuất một chút thôi khiến con ra nông nỗi này".
Theo các nhà chuyên môn, bỏng là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6. Ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, khám phá nhưng chưa hiểu hết về sự nguy hiểm. Không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý, tai nạn bỏng ở trẻ em có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Bác sĩ Nguyễn Thống, chuyên khoa Bỏng cho hay, trong trường hợp trẻ bị bỏng, trước hết người lớn phải bình tĩnh, nhanh chóng cách ly trẻ khỏi nguồn gây bỏng. Sau đó, cần tưới rửa vùng bỏng bằng vòi nước sạch, phủ vùng bỏng bằng gạc sạch rồi nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế bằng phương tiện tốt nhất, không cần thiết phải bôi thuốc vào vết bỏng. Còn nếu quần áo dính vào vết thương thì tuyệt đối không được cố làm mọi cách để lôi ra. Trong nhiều trường hợp, việc dùng đá lạnh để chườm sẽ làm giảm thân nhiệt của trẻ. Tùy tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để phụ huynh quyết định đưa các bé đến khám. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử lý thích hợp. Nếu bố mẹ chăm sóc bé tại nhà thì mỗi ngày cần thay băng, rửa vết thương với NaCl và bôi kem chữa bỏng. Vết thương cần được đắp gạc để giữ độ ẩm cho da. Sau 2 tuần, đa số vết bỏng độ 2 sẽ lành và ít để lại sẹo.
Ông Thống cũng lưu ý, để ngăn ngừa và phòng chống tai nạn gây bỏng ở trẻ em, người lớn lưu ý theo dõi và kiểm soát chặt chẽ hành vi của trẻ nhỏ, nhất là trẻ đang tập bò và chập chững đi. Ngoài ra, cần để các vật dụng nóng, các chất dễ cháy, các chất dễ phát sinh lửa, đồ điện ở nơi an toàn, ngoài tầm với của trẻ nhỏ; kiểm tra độ nóng của nước trong các bồn tắm cho trẻ nhỏ, không để trẻ tự vặn vòi nước nóng. Riêng đối với trẻ em đã nhận thức được, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở trẻ về cách phòng tránh tai nạn bỏng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận