Đại diện Nhóm VK và lãnh đạo xã Đông Thạnh cắt băng khánh thành cầu VK268
Người dân thỏa niềm mong ước
Một ngày cuối tháng 1, chúng tôi có dịp đồng hành cùng Nhóm VK - Xây cầu nông thôn dự lễ khánh thành hai cầu nông thôn gồm cầu Ba Chấn (cầu VK 267, ấp Phước Hưng, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) và cầu Ngọn Ông Cốm (cầu VK268, ấp Thạnh Thới, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành).
Khó có thể tả được niềm vui của người dân nơi đây khi mong ước có một cây cầu bê tông thay thế cho những cây cầu ván ọp ẹp bao lâu nay đã trở thành sự thật.
Theo người dân sinh sống tại khu vực ấp Thạnh Thới cho biết, đường đê ven kênh Ông Cốm nối liền xã Đông Thạnh và QL1 và bị chia cắt bởi cầu Ngọn Ông Cốm.
Trước đây, người dân dùng thân dừa bắc tạm, về sau được thay thế bằng cầu ván, nhưng năm tháng qua đi đã bị xuống cấp, hư hỏng, mục nát. Mỗi khi người dân qua lại hay vận chuyển hàng hóa đều thót tim vì lo sợ cầu sập xuống sông.
Sắp xếp những buồng chuối chín vàng vào giỏ chuẩn bị chở ra chợ Cái Răng (TP Cần Thơ) giao cho bạn hàng, ông Lê Văn Trực (ngụ ấp Thạnh Thới) vui vẻ nói: “Lần nào chở hàng đi qua cầu, cầu rung lên bần bật, sợ lắm, nhưng phải ráng đi. Nhưng giờ đây, niềm mong mỏi cũng đã toại nguyện, chúng tôi rất mừng”.
Chung niềm vui với người dân tại buổi lễ khánh thành, ông Lê Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh cho biết, năm 2015, xã được công nhận là xã nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những tuyến đường liên ấp, liên xã, những chiếc cầu hoàn chỉnh thì trên địa bàn vẫn còn một số cầu đã xuống cấp. Bằng tấm lòng thiện nguyện, Nhóm VK đã cùng địa phương chung tay xây dựng cầu Ngọn Ông Cốm. Cầu có chiều dài 24m, ngang 2,5m với tổng kinh phí 180 triệu đồng, trong đó, địa phương góp 50%.
“Chúng tôi rất mừng khi được Nhóm VK tài trợ, cùng địa phương xây dựng cầu VK268, phục vụ đi lại cho khoảng 70 hộ dân và trên 100 học sinh đi học”, ông Bảo nói.
Cùng các cháu đi trên cầu Ba Chấn còn thơm mùi bê tông mới, ông Lê Văn Điền (73 tuổi, ngụ ấp Phước Hưng) phấn chấn: “Cầu trước tệ lắm, xuống cấp nghiêng hẳn một bên. Giờ có cây cầu mới, con cháu đi học an toàn, bà con đi lại thuận tiện hơn rất nhiều”.
17 năm làm 270 cây cầu
Người dân, học sinh xã Đông Thạnh vui mừng khi đi trên cây cầu mới
Tất bật với việc khánh thành cầu mới, nên sau khi buổi lễ kết thúc, chúng tôi mới có dịp tiếp cận và trò chuyện cùng với ông Nguyễn Văn Công (84 tuổi, ngụ TP HCM), Trưởng Nhóm VK và cũng là một trong những thành viên sáng lập nhóm.
Ông Công kể, ông vốn là kỹ sư cầu đường, sống ở Pháp. Đến khoảng năm 2004, ông quyết định về lại quê hương.
“Tôi đã làm rất nhiều công việc từ thiện, nhưng mãi sau này mới thấy những chiếc cầu là vô cùng quan trọng với người dân vùng sông nước, trong khi không mấy ai để ý. Do đó, tôi sáng lập ra Nhóm VK, VK nghĩa là Việt kiều, mọi người cùng nhau góp sức xây cầu bê tông ở vùng sâu, vùng xa cho người dân”, ông Công bộc bạch.
Theo lời ông Công, thời điểm sáng lập Nhóm VK có 10 người là những Việt kiều sinh sống ở Canada, Mỹ, Pháp, Úc và Nhật Bản…, họ chủ yếu là những kỹ sư cầu đường học tập và làm việc tại nước ngoài. Sau thời gian công tác, họ trở về Việt Nam sinh sống.
Mục tiêu ban đầu của Nhóm VK là xây 10 cây cầu trong 3 năm. Nhưng nhờ sự chung tay của anh em bạn bè, ngần ấy thời gian số cầu đã vượt gấp đôi số lượng mong đợi.
Điều ấy đã giúp thêm động lực để nhóm hoạt động mạnh mẽ hơn. Và đến nay, từ chỗ chỉ có 10 người, nhóm đã nâng số thành viên lên khoảng 250, trong đó chủ yếu là Việt kiều và người thân tại Việt Nam. Người lớn tuổi nhất trên 80, còn người trẻ nhất cũng khoảng 20 tuổi.
Trong những năm đầu, các cây cầu VK xây dựng có chiều rộng 1,5m - 1,7m, đến nay được nâng lên với chiều rộng 2m - 2,5m, tải trọng 1,5 tấn - 2 tấn đủ cho hai làn xe máy tránh nhau. Hơn 17 năm qua, nhóm VK đã xây dựng 270 chiếc cầu tại nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc,
“Cầu ở ấp Thạnh Thới là cây cầu thứ 268. Tuần sau sẽ có hai chiếc cầu nữa được hoàn thành. 270 cây cầu trong năm nay ước tính trên 40 tỷ đồng, số tiền này được vận động từ các Việt kiều và các mạnh thường quân. Đầu tư vào xây cầu nông thôn rất có lợi, giao thông thuận tiện, đời sống người dân được nâng lên. Sắp tới chúng tôi sẽ tiến ra miền Bắc”, ông Công hồ hởi nói.
Một thành viên của nhóm VK là ông Lê Phan Khôi (51 tuổi, ngụ TP HCM), cho biết, thành viên nhóm vốn là các kỹ sư, nên đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp cọc nhồi vào việc thi công cầu.
Bằng phương pháp này, mỗi ngày, bất chấp nắng hay mưa, đội thi công (cũng là thành viên nhóm VK) có thể hoàn thành rất nhanh, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại nên tiết kiệm đến 1/3 chi phí. Tuy nhiên, tuổi thọ cầu vẫn đảm bảo đến 50 năm.
“Qua khảo sát hiện còn khoảng 3.500 chiếc cầu cần được xây dựng, hiện tại có khoảng 500 thư ngỏ của địa phương đề nghị nhóm hỗ trợ xây cầu. Chúng tôi sẽ cố gắng để đáp ứng nguyện vọng của tất cả mọi người, cốt làm sao người dân có cầu để đi, cuộc sống đỡ vất vả hơn”, ông Khôi chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận