“Đầu ra” gấp đôi “đầu vào”
Ngày cuối cùng của tháng 6, Vietcombank đã chốt quý II và 6 tháng đầu năm 2021 bằng một hợp đồng tín dụng khủng lên tới 27.100 tỷ đồng cho EVN để tài trợ cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1. Khoản tín dụng chiếm 70% tổng vốn đầu tư cho dự án sẽ được giải ngân trong 4 năm.
Vietcombank là một trong số các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm cao
Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, EVN hiện là khách hàng lớn nhất của ngân hàng này. Khi giải ngân, hợp đồng tín dụng trên sẽ đẩy tổng mức cho vay của Vietcombank tăng mạnh. Trong khi đó, Vietcombank đang là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống.
“Đến nay, sau 6 tháng, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Vietcombank đã đạt gần 9%, tiếp tục dẫn đầu toàn hệ thống về tăng trưởng tín dụng năm 2021”, ông Phạm Quang Dũng thông tin.
Tổng Giám đốc Vietcombank cũng cho biết, trong mấy năm gần đây, Vietcombank được NHNN giao là tổ chức tín dụng có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cao hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2020, Vietcombank được giao tăng trưởng tín dụng 14%, giúp Vietcombank trở thành ngân hàng có quy mô tăng trưởng tín dụng lớn nhất hệ thống. Tiếp theo đà tăng trưởng này, năm 2021, Vietcombank được giao mức tăng trưởng tín dụng 10,5%, cao so với ba ngân hàng quốc doanh còn lại 6,5%-7,5% và nhiều ngân hàng thương mại như VIB, ACB, Sacombank là 8,5%-9,5%.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2021 là 5,47%, cao hơn gấp đôi cùng kỳ 2020 là 2,45%. Cho vay tăng mạnh nhưng tốc độ huy động vốn của các ngân hàng không tương xứng như vậy.
Theo đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 6 mới tăng 3,13%, thấp hơn 6 tháng năm 2020 (là 4,35%). Đơn cử như tại Vietinbank, lãnh đạo ngân hàng cho biết đến hết 6 tháng đầu năm nay, huy động vốn của ngân hàng chỉ đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,4%; Thấp hơn so với tốc độ cho vay là 1,06 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 4,8%.
Theo phân tích của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, lợi nhuận của các ngân hàng trong những tháng đầu năm vẫn có một phần đến từ hoạt động cho vay. Đây cũng là chính là yếu tố giúp các ngân hàng duy trì lợi nhuận cao trong năm 2021, bởi nhờ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động được nới rộng ra.
Đơn cử như tại ACB, tính toán của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy, chênh lệch này sẽ vượt 4,06% trong năm 2021 chủ yếu do tác động của 4 đợt điều chỉnh tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hồi năm 2020 đã bắt đầu tác động đến chi phí vốn.
Năm 2021 sẽ là năm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động tại ACB đạt đỉnh. Hay tại BIDV, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động năm nay sẽ tăng 0,25% lên 2,69% nhờ lãi suất huy động giảm xuống. Điều này sẽ giúp BIDV tăng 56,4% về lợi nhuận trước thuế lên gần 11.300 tỷ đồng. Lợi nhuận vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao.
Lo ngại thanh lọc khách hàng, nâng lãi suất
Hiện nay tín dụng với nền kinh tế đã tăng hơn 5%, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng của cả năm 2020 là 2,26%. Với đà này, tăng trưởng tín dụng cả năm không khó để đạt tốc độ 12%; Thậm chí hơn nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt.
Tại buổi thông tin về hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, ông Tú cũng cho biết, với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện nay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của toàn ngành 12% có thể sẽ nâng lên cao hơn. Do đó, NHNN cũng đang xem xét nới “room” tín dụng cho một số ngân hàng đáp ứng được điều kiện. Đến nay, nhiều ngân hàng đã vượt mức tăng trưởng tín dụng chung của ngành và tiệm cận “room” được giao cho cả năm như: Vietcombank, MSB sắp cạn, Vietinbank cũng đã quá bán… Do đó đã có khoảng 10 ngân hàng đang xin NHNN sớm cho nới “room” tín dụng.
Theo cập nhật của Báo Giao thông, đến cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận nới room tín dụng cho một số ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III; Đồng thời tiên phong giảm lãi suất cho vay: Vietcombank được nới room tín dụng từ 10,5% lên 14%; VPBank từ 8,5% được lên 12,1% trong năm nay; MB có mức tăng trưởng tín dụng cũ là 10,5% thì nay được lên 15%.
Theo phân tích của TS Nguyễn Trí Hiếu, với trạng thái thanh khoản hiện nay và tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, NHNN có thể sớm xem xét “nới room” tín dụng cho các ngân hàng có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, đáp ứng các tiêu chí về an toàn vốn, chất lượng tín dụng tốt, nợ xấu ở mức thấp… Bởi nếu không, nhiều ngân hàng sắp cạn room tín dụng sẽ siết hoạt động cho vay, thanh lọc khách hàng, nâng tiêu chí xét duyệt hồ sơ giải ngân, tăng lãi suất vay vốn.
Trên thực tế, từ tháng 4 đã có nhiều ngân hàng đã dè sẻn tín dụng và phải nghe ngóng về việc có được nới room hay không. Thêm nữa, cuối năm khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, cộng với chu kỳ vốn cuối năm cũng thường cao hơn sẽ dẫn tới khan vốn nếu không được nới thêm chỉ tiêu tín dụng.
Trước lo ngại lãi suất cho vay bị đẩy lên sau khi lãi suất huy động rục rịch tăng trong tháng 6, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí, làm sao điều hành lãi suất, chính sách tín dụng hợp lý.“Sáu tháng đầu năm lãi suất tại các ngân hàng thương mại đã giảm, một vài ngân hàng có vài khoản huy động có lãi suất tăng hơn nhưng với 4 ngân hàng thương mại nhà nước và một số ngân hàng thương mại cổ phần khác thì vẫn duy trì ổn định lãi suất huy động”, ông Tú nói.
Về việc có bỏ trần tín dụng thay vì cấp phát tỷ lệ tăng trưởng hàng năm cho các ngân hàng như hiện nay, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, vấn đề này không phải đến nay mới đặt ra. “Việc giữ hay bỏ quy định trần tín dụng chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia vài năm gần đây. Quan trọng là chúng ta có mục tiêu phù hợp với từng hoàn cảnh, bối cảnh. Tính dụng tăng ồ ạt, tăng cao thì nợ xấu tăng mạnh ngay”, ông Tú nói. Do đó, việc duy trì trần tín dụng theo quan điểm của NHNN là vừa đảm bảo đủ lượng vốn cho nền kinh tế tăng trưởng, vừa kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng và đảm bảo chất lượng tín dụng đã được NHNN sử dụng mấy năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận