Làng nổi Nguyệt Đức có gần 100 phương tiện thủy được dân làng dùng làm nơi sinh sống, nằm trên sông Cầu đoạn giáp thôn Nguyệt Đức (xã Vân Hà, Bắc Giang) và phường Vạn An (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) |
Ngày 12/2, Chi cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) phía Bắc (thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam) cho biết, tại phường Vạn An (TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), đơn vị này tổ chức họp với Ban ATGT, Sở GTVT các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và chính quyền các xã ven sông Cầu để tìm giải pháp giải quyết "điểm nóng" mất trật tự ATGT, vệ sinh môi trường tại làng nổi Nguyệt Đức trên sông Cầu. Làng nổi này nằm trên đoạn khoảng 4 km sông Cầu (Km 48- Km 52), giáp ranh xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang và phường Vạn An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Nhà nổi, phương tiện của làng nổi neo đậu lấn chiếm luồng khiến tàu vận tải dọc tuyến gặp khó khăn khi lưu thông, cũng như thường xuyên xảy ra va chạm |
Theo phản ánh của thuyền viên, khu vực này thường xuyên mất trật tự ATGT đường thủy, do phương tiện của làng nổi neo đậu hàng 3-4 cả hai phía bờ sông, trong khi lòng sông hẹp, cong cua và có 3 bến đò ngang hoạt động. Tàu chở hàng dọc tuyến thường xuyên va quyệt với phương tiện của làng nổi nên thường xảy ra tình trạng người dân và người điều khiển phương tiện dọc tuyến mâu thuẫn, thậm chí dùng gạch đá ném nhau.
Người dân sinh sống bằng nghề vận tải, khai thác cát và hầu hết là các gia đình nghèo, không có điện lưới, nước sạch (ảnh, thanh tra đường thủy phát tài liệu tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ cho người dân làng nổi) |
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng thôn Nguyệt Đức (xã Vân Hà, Bắc Giang) cho biết, "làng nổi" Nguyệt Đức vốn là làng chài, người dân đã sinh sống trên thuyền từ hàng trăm năm nay. Đến nay, làng có 182 hộ dân, với hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề vận tải thủy và có khoảng gần 100 phương tiện thủy được người dân dùng làm nơi sinh sống. Ban đầu làng nổi chỉ có hộ khẩu bên phía Bắc Giang, dần dần khi nhân khẩu tăng lên, người dân neo đậu phương tiện và tạm trú cả bên bờ phía tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, hầu hết các gia đình đều nghèo và do đặc thù sông nước nên cũng không được cấp điện lưới, nước sạch. Đa phần phương tiện của "làng nổi" Nguyệt Đức làm bằng xi măng lưới thép đã cũ, tàu sắt khai thác cát... không có đăng ký, đăng kiểm, đậu đỗ tùy tiện, gây cản trở giao thông. Người dân nơi đây cho rằng, phương tiện dọc tuyến chạy nhanh, tạo sóng, gây nguy hiểm, một số trường hợp phương tiện của làng từng bị chìm vì gặp sóng mạnh.
Tàu hút cát "không số" của người dân làng nổi neo cùng nhà nổi, khiến luồng tàu nơi đây bị thu hẹp |
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc cho biết, hội nghị đã thống nhất một số biện pháp để giải quyết "điểm nóng" trên, trong đó đề nghị Cục ĐTNĐ Việt Nam cho triển khai cắm báo hiệu đường thủy hướng dẫn phương tiện đậu đỗ không quá 2 hàng, biển đi chậm để hạn chế phương tiện dọc tuyến tạo sóng; đề nghị chính quyền tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh ban hành quy định quản lý đối với các "nhà nổi", phương tiện thủy dùng làm nhà ở để đảm bảo an toàn; chính quyền cơ sở tổ chức mô hình Tổ tự quản theo mô hình Văn hóa giao thông Vì bình yên sông nước tại "làng nổi" Nguyệt Đức; tuyên truyền, vận động người dân không neo đậu phương tiện lấn chiếm luồng, không đổ rác thải ra sông.
Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc tổ chức họp với ngành chức năng và người dân làng nổi Nguyệt Đức để tìm giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại làng nổi. |
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó trưởng Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cho biết: "Chi cục và chính quyền địa phương sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp trên và tổ chức ký cam kết, vận động người dân "làng nổi" tự giác chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ. Sau đó, những trường hợp cố tình neo đậu phương tiện gây cản trở luồng chạy tàu sẽ bị lực lượng thanh tra đường thủy xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật".
Bên cạnh các giải pháp bảo đảm ATGT đường thủy, Chi cục Đường thủy đề nghị chính quyền cơ sở tuyên truyền, quản lý tốt để người dân không xả rác ra sông Cầu |
Đại diện Chi cục ĐTNĐ phía Bắc cũng đề nghị chính quyền phường, xã và ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh thường xuyên nắm bắt tình hình thực tế cuộc sống của người dân làng nổi Nguyệt Đức và tham mưu cho cấp có thẩm quyền của địa phương có giải pháp tạo điều kiện để người dân nơi đây có cuộc sống ổn định, tốt hơn, góp phần để "điểm nóng" về trật tự ATGT trên không tiếp tục có diễn biến phức tạp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận