Trung tá Hồ Thanh Hiền, Đội trưởng Đội trưởng Đội Tuần tra dẫn đoàn (Phòng CSGT, Công an TP. Đà Nẵng) cho biết, sau gần 4 ngày nỗ lực xác minh, truy tìm danh tính đối tượng điều khiển xe mô tô bốc đầu chạy 1 bánh trên đường phố Đà Nẵng, ngày 24/2, lực lượng CSGT Đà Nẵng đã xác định được Hồ Trung Dũng (sinh năm 2003, trú xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là đối tượng điều khiển xe mô tô BKS 43K1-477.38 chạy tốc độ cao, bốc đầu xe cùng nhóm bạn trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).
Hình ảnh "quái xế" bốc đầu xe trên đường đèo Hải Vân.
Trước đó, vào lúc 15h ngày 20/2, Phòng CSGT Đà Nẵng cũng phát hiện xử phạt một nhóm khoảng hơn 20 xe mô tô di chuyển tốc độ cao, chở quá số người quy định, chạy xe dàn hàng ngang trên các tuyến đường nội thị Đà Nẵng gây mất ATGT.
Cũng trong thời điểm này, lực lượng CSGT Trạm CSGT cửa ô Hòa Hiệp (Phòng CSGT Đà Nẵng) cũng xử lý một loạt trường hợp "quái xế" tuổi teen tụ tập, nẹt pô, bốc đầu xe chạy 1 bánh gây mất ATGT trên đèo Hải Vân. Đáng nói, hình ảnh các đối tượng nẹt pô, lạng lách trên cung đường đèo nguy hiểm Hải Vân được nhiều người quay lại đăng tải lên mạng xã hội với sự chứng kiến, reo hò, cổ vũ của rất nhiều người hiếu kỳ.
Không chỉ diễn ra ở thành phố, tình trạng "quái xế" đang tuổi vị thành niên tụ tập, phóng nhanh, lạng lách, bốc đầu xe cũng diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như, vào ngày 16/2, tại địa bàn huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), giữa đêm khuya, một nhóm thanh niên khoảng 22 người tụ tập, sử dụng xe độ chế nẹt pô, lạng lách, đánh võng, đi một bánh (bốc đầu xe). Đáng nói, để tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng chức năng, nhiều trường hợp che BKS bằng cách sử dụng khẩu trang, hình dán sticker. Sự việc gây mất TTATGT, TTXH, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Thượng tá Hồ Văn Thư, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay: Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Ngãi xảy ra nhiều vụ thanh thiếu niên tụ tập đua xe trái phép, đánh võng, lạng lách gây mất TTATGT. Có trường hợp, đối tượng tỏ ra coi thường pháp luật, liều lĩnh chống đối các lực lượng thực thi pháp luật, sẵn sàn chống trả khi bị ngăn cản, gây nguy hiểm cho các chiến sĩ thực thi công vụ, rối loạn trật tự công cộng.
Gần đây trên địa bàn Đà Nẵng nổi lên một số thanh thiếu niên sử dụng mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng trên đường phố.
Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an Đà Nẵng, gần đây trên địa bàn Đà Nẵng nổi lên một số thanh thiếu niên sử dụng mô tô, xe máy lạng lách, đánh võng trên đường phố. Trước tình hình trên, phòng CSGT phối hợp Đội CSGT-TT các quận, huyện đã tăng cường TTKS phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm, không để trở thành vấn nạn như ở một số địa phương.
"Một trong những nguyên nhân của "vấn nạn" trên là do ảnh hưởng của mạng xã hội, một số thanh thiếu niên xem và làm theo. Không những vậy, các đối tượng còn rủ rê, hẹn gặp trên mang xã hội rồi tụ tập nhau đi thành nhóm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ATGT trên đường phố" Đại tá Truyền thông tin.
Đại tá Truyền cho biết: Thời gian đến, phòng CSGT cùng các quận, huyện sẽ tiếp tục phối hợp Công an phường, xã rà soát, lên danh sách số thanh thiếu niên có tiền sử bị xử lý cho làm cam kết, cam đoan không để tái phạm. Trong quá trình xử lý thì sẽ xử lý cả người giao xe cho người chưa đủ tuổi và điều kiện (chưa có GPLX) sử dụng. Đồng thời, Phòng CSGT sẽ phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo để phòng ngừa chung.
Một "quái xế" sử dụng xe độ chế lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe ở huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Có đủ chế tài xử lý hành vi vi phạm
Luật sư Nguyễn Công Tín, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng nhìn nhận: Đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép có nguy cơ mang lại những hiểm nguy vô cùng lớn cho người tham gia giao thông, cho xã hội và cho chính đối tượng tham gia. Pháp luật hiện hành đã có những chế tài cả về hành chính lẫn hình sự để xử lý nghiêm các hành vi tổ chức đua xe, đua xe, cổ vũ đua xe trái phép.
Cụ thể, về chế tài hành chính, người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép có thể bị xử phạt đến 15.000.000 đồng, đua xe ô tô trái phép có thể bị xử phạt đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng GPLX từ 3 tháng đến 5 tháng và tịch thu phương tiện. Hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép có thể bị xử phạt đến 2 triệu đồng (Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Về chế tài hình sự, đối với hành vi tổ chức đua xe trái phép, người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm theo quy định tại Điều 265 Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cũng theo Luật sư Tín, trường hợp gây hậu quả chết người, gây thương tích, gây thiệt hại về tài sản, tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 2 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc, tổ chức cá cược… có thể khép vào khung tăng nặng của hình phạt, với mức hình phạt cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Đối với hành vi đua xe trái phép, trường hợp đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ đến mức phải xử lý hình sự như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên, làm chết người, tham gia cá cược … thì có thể bị xử lý về tội đua xe trái phép theo quy định tại Điều 266 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận