Tình trạng người đi bộ tùy tiện băng sang đường không đúng nơi quy định, vi phạm luật giao thông diễn ra rất nhức nhối, đây cũng chính là nguyên nhân trong tốp đầu gây TNGT. Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện TNGT liên quan đến người đi bộ chiếm khoảng 15 - 20% tổng số vụ và làm hàng trăm người chết mỗi năm.
Để bảo đảm ATGT, những năm gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như: Xây dựng cầu vượt, hầm, làn đường dành riêng, hay đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ. Chỉ tính riêng trên trục đường vành đai 3 (tuyến đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến) có đến 17 hầm đi bộ để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân; nút giao Ngã Tư Sở cũng được đầu tư xây dựng hầm bộ hành hiện đại với kinh phí lên đến gần 3 triệu USD.
Cùng với đó, hàng chục cây cầu vượt cũng đã được xây dựng và lắp đặt tại những khu vực có lưu lượng dân cư đông, người tham gia giao thông lớn như: Trước cửa Học viện Ngân hàng, Đại học Quốc gia, ngã ba Văn Điển, Bệnh viện Bạch Mai, đường Trần Khát Chân…
Tuy nhiên, tình trạng người đi bộ qua đường tùy tiện vẫn luôn là vấn đề làm đau đầu các đơn vị quản lý. Ý thức, sự chủ quan của một bộ phận người đi bộ trong nhiều trường hợp đã dẫn đến những vụ tai nạn đáng tiếc.
Ghi nhận của PV, chỉ khoảng 5 phút quan sát tại cầu vượt Ngã Tư Sở (Hà Nội) có đến hàng chục người đi bộ trèo qua dải phân cách để qua đường không đúng nơi quy định, dù tại đây có chỉ dẫn hầm chui dành cho người đi bộ. Những tuyến đường chính (Giải Phóng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Trãi...) đã được lắp đặt rào phân cách cao 1,2m vẫn không ngăn được những người dân cố tình sang đường bằng cách chui, leo qua rào.
Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, cứ 100 - 200m lại có vạch sơn được kẻ ưu tiên cho người đi bộ, nhưng quan sát cả buổi chỉ thấy 1-2 trường hợp đi đúng quy định. Trong khi đó, tại các cầu vượt, hầm chui dành cho người bộ hành lại vắng hoe.
TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên giao thông cho rằng, cần có giải pháp xử phạt mạnh tay để tăng tính răn đe, ngăn ngừa người đi bộ vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có thể tính đến các hình thức xử phạt bổ sung như yêu cầu người vi phạm lao động công ích để tăng tính răn đe. Có như vậy, các quy định pháp luật mới được tuân thủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận