Thời sự

Những bài báo hơn 30 năm vẫn nguyên giá trị

21/06/2020, 13:05

Sau hơn 30 năm, những bài báo ấy vẫn còn nguyên giá trị, với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh cho sự thật.

img
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bà con nông dân

Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” tập hợp những bài báo do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết dưới bút danh N.V.L đăng trên báo Nhân dân giai đoạn 1987-1990 thực sự trở thành một luồng sinh khí mới thổi bùng lên cuộc đấu tranh chống tiêu cực, biểu dương nhân tố mới. Sau hơn 30 năm, những bài báo ấy vẫn còn nguyên giá trị, với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh cho sự thật.

“Tiếp lửa” đấu tranh chống tiêu cực

Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Giao thông tại nhà riêng, nhà báo Đức Lượng, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nhân dân chia sẻ, trong suốt chiều dài lịch sử, báo chí Cách mạng luôn đóng một vai trò cực kỳ to lớn. “Các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta, bắt đầu và điển hình nhất là Bác Hồ, Bác viết rất nhiều bài báo, lấy báo chí là công cụ để tuyên truyền vận động cách mạng. Tiếp đến, các vị lãnh đạo như Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng..., thời kỳ hoạt động cách mạng công khai hay bí mật đều sử dụng báo chí là đòn bẩy, tuyên truyền vận động cách mạng.

Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đứng trên báo Nhân dân 3 năm 4 tháng 4 ngày kể từ ngày 25/5/1987. Không chỉ góp phần thành công cho công cuộc Đổi mới của đất nước, chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân dân cũng mở ra một thời kỳ mới cho báo chí Cách mạng Việt Nam với những cây bút dám nhìn thẳng vào sự thật, đấu tranh cho sự thật, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội.


“Và chuyên mục “Những việc cần làm ngay” tập hợp những bài báo do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết dưới bút danh N.V.L đăng trên báo Nhân dân giai đoạn 1987-1990 là một trong những bài báo đấu tranh chống tiêu cực có ảnh hưởng mạnh mẽ, tạo nên “cú hích” trong toàn xã hội”, ông Lượng nhớ lại.

Theo ông Lượng, Đại hội VI của Đảng diễn ra vào tháng 12/1986. Từ khi chuẩn bị Đại hội VI, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào nói thẳng, nói thật. Ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình để sửa chữa, trừng phạt nếu cần.

Nhưng nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Các báo từ Bắc chí Nam đã đưa ra nhiều vụ việc sai phạm rất lớn do quần chúng phát hiện. Nhưng sau đó phần nhiều là một sự im lặng đáng sợ. Mong rằng từ nay phải đổi mới, chấm dứt tình trạng này”.

img
Thư của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi kèm bài báo đầu tiên

Và từ đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết bài. Bài báo đầu tiên rất ngắn, chỉ có hơn 300 từ, tác giả N.V.L đã trực tiếp chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng tăng giá, đồng thời đưa ra một số biện pháp để khắc phục. Ngay sau đó là các bài báo khác, đều rất ngắn gọn, không cầu kỳ câu chữ, nhưng gây chấn động dư luận xã hội về sự thẳng thắn, không né tránh, điều không thường thấy ở báo chí giai đoạn đó.

“Lúc bấy giờ bài viết như một luồng gió mới thổi vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Nhân dân nhân đang khát khao có cái gì đó đổi mới, khát khao hừng hực khí thế thì những bài báo ngắn gọn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã được đông đảo cán bộ, quần chúng và nhân dân hưởng ứng tinh thần N.V.L., tức là “nói và làm”, ông Lượng kể lại.

Ông Lượng cho rằng, sự hấp dẫn, cuốn hút từ các bài báo không chỉ vì cái hay của văn chương, cái mới lạ về bút pháp mà trước hết bởi các sự kiện, các vấn đề được đề cập đúng trọng tâm, bức xúc nhất trong đời sống xã hội.

Ông Lượng vẫn nhớ, ngay sau các bài đăng trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của N.V.L, mỗi ngày tòa soạn báo Nhân dân nhận được hàng trăm thư của bạn đọc hưởng ứng. Nhiều bộ ngành, tỉnh, thành phố đã ra chỉ thị hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Cuộc đấu tranh chống tiêu cực được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng đã mau chóng thành một phong trào rộng lớn trên báo chí và các phương tiện thông tin trong cả nước. Nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương, các đài phát thanh và truyền hình, đã tích cực hưởng ứng “Những việc cần làm ngay” trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, biểu dương những cái mới, cái tốt đang nảy nở và phát triển.

Tính thời sự còn đến hôm nay

img
Hai trong số các bài báo của chuyên mục "Những việc cần làm ngay"

Theo ông Lượng, sức hấp dẫn của chuyên mục “Những việc cần làm ngay” là đề cập đúng và trúng những vấn đề xã hội đang quan tâm, bức xúc, như chuyện “im lặng đáng sợ” khi thư từ tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm; Các cơ quan, thủ trưởng vẫn sắm xe hơi đời mới đi lại trong khi các xe hơi cũ dùng còn tốt hoặc có thể mua xe Liên Xô cho rẻ; Trong khi cuộc sống nhà giáo quá chật vật, điều kiện trường lớp còn thiếu thốn, thì nhiều cơ quan sẵn sàng tung ra bạc triệu xây trụ sở, hội trường, liên hoan hội họp linh đình...

“Đây là những vấn đề vẫn thời sự đến tận hôm nay”, ông Lượng nói và cho biết, ở giai đoạn hiện nay, đòi hỏi báo chí phải tiếp tục đổi mới, với những tầm vóc, quy mô lớn hơn. Điển hình, việc chống tham nhũng hiện nay cực kỳ quan trọng bởi vì thời kỳ này tham nhũng, tiêu cực đang len lỏi vào nhiều góc cạnh của đời sống, hình thành những nhóm lợi ích, không đơn thuần chỉ là kinh tế.

“Ngày trước chỉ dừng lại ở cục bộ ở địa phương, mất đoàn kết do phong cách sống, do cách cư xử với nhau chứ không phải vì “chia chác” như hiện nay. Ngày nay trong nhóm lợi ích đã vượt lên trên cục bộ địa phương, vượt trên mất đoàn kết bình thường. Đứng trước hoàn cảnh lịch sử đó, báo chí cần phải phản ánh, mở đầu trong cuộc chống tham nhũng đó”, nhà báo Đức Lượng chia sẻ.

Tổng Bí thư đích thân đến tòa soạn gửi bài

Nhà báo Bùi Quang Tuấn, nguyên PV Báo Nhân Dân (từ 1978-2011) từng chia sẻ với PV Báo Giao thông, tối 24/5/1987 là phiên trực Ban Biên tập của nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, thời điểm đó công tác tại Ban Nông nghiệp), khoảng 17h30, khi mọi người đã về, Tòa soạn chỉ còn ông và Ban Thư ký trực hôm đó, đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi đi xe ô tô Lada màu sữa gửi Ban Biên tập.

Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên nhà báo Hữu Thọ mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu Ban Biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề “Những việc cần làm ngay”, ký tên N.V.L.

Nhà báo Hữu Thọ nghĩ chắc chắn là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi bài, vì trong Bộ Chính trị lúc đó chỉ có ông là không đi xe Volga theo tiêu chuẩn, chỉ đi xe Lada (tiêu chuẩn của Thứ trưởng hoặc Phó ban của Đảng). Nghĩ là việc rất hệ trọng, cho nên dù được ủy quyền nhưng nhà báo Hữu Thọ vẫn hội ý nhanh với một Phó tổng biên tập khác ở trong cơ quan và họ quyết định đăng ngay trong số báo ra ngày hôm sau (25/5/1987), trên trang nhất, đóng khung và cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Bài báo thể hiện quan điểm của tác giả là chống tiêu cực, nhấn mạnh cần chống lại tư tưởng cục bộ, không vì lợi ích quốc gia, nếu giải quyết được việc này sẽ chống được thực tế đầu tư dàn trải.

Hai ngày sau, ngày 26/5/1987, bài báo thứ hai của tác giả N.V.L. nói về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời điểm đó, nhiều đơn thư tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm nên tác giả N.V.L. đã dùng khái niệm “im lặng đáng sợ” để chỉ nói về sự vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân của một số cán bộ, đảng viên.

Ngày 21/6/1987, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tác giả N.V.L lại có bài viết về những vấn đề đang đặt ra với báo chí trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, khẳng định vai trò quan trọng của nhà báo và báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

Văn Huế

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.