Chị Phạm Thị Thim làm nhiệm vụ trên tàu “5 sao” |
Mong ngày nào cũng là 8/3
Phạm Thi Thim (SN 1992) mới nhận công tác trên tàu “5 sao” TP Hồ Chí Minh - Hà Nội được 6 tháng. Tết vừa rồi, Thim đón Giao thừa trên tàu. “Lần đầu đón Giao thừa trên tàu, em nhớ nhà rơi nước mắt. Nhưng rồi nỗi buồn qua nhanh lắm, vì các bạn đồng nghiệp, các hành khách luôn ở bên mình. Nhìn qua cửa sổ trên tàu, lại thấy thêm tự hào vì là một người trẻ nhưng mình được lãnh đạo tin tưởng phân công làm nhiệm vụ ở trên tàu “5 sao” trong thời khắc thiêng liêng ấy”.
Nói về việc sắp được đón 8/3 trên tàu, Thim nở nụ cười tinh nghịch: “Vì tàu có đông nhân viên nam hơn nữ nên chắc chắn bọn em sẽ được nhận nhiều quan tâm, chúc mừng hơn”.
Còn Vũ Thị Ngọc Giàu (SN 1990), người đã làm việc ở đường sắt 6 năm, thì đã nhiều lần đón các ngày kỷ niệm trên tàu, nên không có cảm giác hồi hộp, mà chỉ thấy vui. Ngọc Giàu đến với ngành Đường sắt như một cái nghiệp và coi đoàn tàu gần gũi như ngôi nhà của mình. Giàu thêm gắn bó với đường sắt bởi chồng cô cũng là nhân viên trong ngành.
“Nhà bố mẹ đẻ em ở gần đường sắt. Từ nhỏ, em đã quen với tiếng bánh tàu xiết vào đường ray, tiếng còi tàu hú vang mỗi khi đến đoạn giao cắt, hình ảnh những con tàu lao vun vút xuyên màn đêm... Rồi như là duyên nghiệp, em thi đậu vào ngành Đường sắt và càng gắn bó, chia sẻ với những khó khăn của ngành, em thấy yêu quý nghề này hơn. Những năm gần đây, ngành Đường sắt đã có những thay đổi để phục vụ hành khách tốt hơn. Cung cách phục vụ hiện nay của nhân viên ngành Đường sắt, nhất là trên tàu “5 sao” không thua kém gì ngành Hàng không”, Ngọc Giàu tự hào chia sẻ.
Nhưng để có được niềm tự hào đó, theo Ngọc Giàu, bản thân cô và các đồng nghiệp đều phải cố gắng rất nhiều. Để góp phần làm đẹp hình ảnh ngành Đường sắt, các nữ nhân viên phục vụ trên tàu “5 sao” phải đẹp từ trang phục đến cung cách phục vụ hành khách. “Không chỉ là quần áo đẹp, mà còn luôn phải tươi cười, niềm nở, làm tốt công việc của mình. Ngày lễ, ngày Tết, hay ngày 8/3, chúng em vẫn nhận ca, vẫn làm việc như bình thường. Bù lại, chúng em được nhận hoa trên tàu, nhận được lời chúc của các nam hành khách. Có lần, hành khách còn tặng nữ nhân viên quà 8/3”, Ngọc Giàu vui vẻ kể.
Dịp lễ 8/3 năm nay, các nữ nhân viên trên tàu “5 sao” vẫn trên hành trình đưa hành khách ra Hà Nội. Anh Tạ Văn Hiền, Trưởng tàu “5 sao” SE4 cho hay, sẽ tổ chức một buổi tiệc đặc biệt để chúc mừng các chị em tại Thủ đô. “Chúng tôi muốn tạo một không khí làm việc thật gắn bó, thân tình, để các chị em thấy rằng dù xa người thân trong những ngày lễ nhưng cũng được sự quan tâm, chia sẽ của đồng nghiệp, cơ quan”, anh Hiền nói.
Giấu đi những nỗi niềm riêng
Nhìn các nữ nhân viên đoàn tàu “5 sao” xinh đẹp, tươi cười, vui vẻ nói về ngày 8/3, ít ai biết, không ít người trong số họ cũng chịu thiệt thòi trong đời sống riêng tư vì đặc thù nghề nghiệp. Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhân viên phục vụ thuộc Đoàn tiếp viên đường sắt Phương Nam trên chuyến tàu “5 sao” hành trình ra Hà Nội có gương mặt khả ái, nụ cười tươi. Thế nhưng, những lúc hết ca, Ngọc vẫn có những lúc ngồi tư lự, ánh mắt buồn xa xăm. Đồng nghiệp của Ngọc cho biết, Ngọc vẫn “một mình” và đã chia tay người yêu cũng chỉ vì phải lựa chọn giữa công việc với tình yêu.
Gợi chuyện với cô gái gốc Quảng Bình này, Ngọc kể, từ khi còn học lớp 5 đã theo mẹ đi buôn trên những chuyến tàu chợ ra vào ga Đồng Lê. Hình ảnh các nhân viên ngành Đường sắt đi lại như con thoi giữa những chuyến tàu, thân thiện với hành khách, Ngọc đã yêu mến công việc này và quyết tâm thi vào ngành Đường sắt. Hơn 6 năm trong nghề, chưa năm nào Ngọc được về nhà ăn Tết cùng gia đình. Những ngày lễ như 8/3, 14/2 cũng rong ruổi trên tàu. “Những người yêu mến, muốn gắn bó bên em đều nản. Có người còn đặt “điều kiện” muốn tính chuyện lâu dài thì phải chuyển nghề. Nhưng em không thể rời bỏ công việc mà em đã chọn. Do đặc thù công việc, em đành đợi người nào hiểu và chia sẻ với mình”, Ngọc tâm sự.
27 năm trong nghề, thuộc thế hệ 6X, chị Trần Thị Ngọc Thanh đã gắn bó với nghiệp tiếp viên đường sắt suốt cả thời thanh xuân và là người phụ nữ hiếm hoi khi vẫn rong ruổi Nam - Bắc trên những chuyến tàu. Có lẽ tình yêu nghề đã khiến chị hi sinh cả chuyện tình cảm, gia đình để gắn bó với cái nghề “làm dâu trăm họ” này. “Nếu được lựa chọn lại, tôi cũng chọn nghề đường sắt”, chị Thanh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận