Xã hội

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 9/2016

01/09/2016, 10:25
image

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ 9/2016 như tăng lương tổi thiểu, trợ cấp học sinh nghèo...

tăng lương

Từ 1/9 lương hưu của cán bộ, công chức sẽ tăng thêm 8%

Tăng 8% lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức

Theo Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ xã, phường, thị trấn bắt đầu hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng trong thời gian từ ngày 1/1/2015 đến trước ngày 1/5/2016 sẽ được tăng thêm 8%.

Như vậy, mức lương hưu, trợ cấp hàng tháng mới của các đối tượng này sẽ bằng mức lương hưu, trợ cấp hiện hưởng nhân với 1,08.

Đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1/1/1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1/1/2016 hoặc bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 - 31/12/2016, nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh thêm 8% mà vẫn thấp hơn 1,15 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,15 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 - 30/4/2016.

Nếu thấp hơn 1,21 triệu đồng thì được điều chỉnh bằng 1,21 triệu đồng/tháng, áp dụng cho khoảng thời gian từ ngày 1/5/2016 trở đi.

Thông tư 23/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1/9/2016.

Hỗ trợ 15kg gạo/tháng cho học sinh đặc biệt khó khăn

Nghị định 116 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn quy định:

Hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương cơ sở/tháng/học sinh, tiền nhà bằng 10% mức lương cơ sở/tháng/học sinh nếu phải tự túc chỗ ở và 15kg gạo/tháng/học sinh (các mức hỗ trợ không quá 9 tháng/năm/học sinh).

Trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí tối thiểu bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh.

Nghị định này sẽ có hiệu lực từ 1/9/2016.

>>> Xem thêm video:

Thẻ tạm trú cho nhân viên lãnh sự nước ngoài có thời hạn đến 5 năm

Thông tư 04/2016/TT-BNG của Bộ Ngoại giao quy định thẻ tạm trú cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức liên Chính phủ và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc đi cùng có ký hiệu NG3, có thời hạn tối đa là 5 năm và ngắn hơn thời hạn của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.

Cũng theo Thông tư này, người nước ngoài đã được cấp thị thực ký hiệu NG1, NG2, NG4, sau khi nhập cảnh Việt Nam nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú thì phải thông qua cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam để gửi hồ sơ thông báo/đề nghị gia hạn tạm trú tới Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ TP. HCM.

Thời hạn tạm trú được gia hạn và thời hạn thị thực mới được cấp phải phù hợp với mục đích nhập cảnh, đề nghị của cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh và có thời hạn tối đa 12 tháng, ngắn hơn thời hạn hộ chiếu của người nước ngoài ít nhất 30 ngày.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2016.

Quảng cáo hóa chất y tế không có Giấy xác nhận bị phạt đến 20 triệu

Nghị định 115/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng không có Giấy xác nhận quảng cáo do Bộ Y tế cấp sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; trường hợp quảng cáo không đúng theo Giấy xác nhận quảng cáo, phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.

Một nội dung mới đáng chú ý khác là quy định về mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sản xuất, gia công và kinh doanh phân bón. Cụ thể, mức phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi xếp phân bón lẫn với các loại hàng hóa khác hoặc không xếp phân bón lên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền nhà, mặt đất tại địa điểm kinh doanh.

Đặc biệt, sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vượt mức yếu tố hạn chế theo quy định đối với phân bón hữu cơ, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón khoáng hữu cơ, phân bón hữu cơ vi sinh, phân bón hữu cơ sinh học, phân bón sinh học… sẽ bị phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng.

Nghị định 115/2016/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 15/09/2016.

Công chức quản lý thị trường không được sách nhiễu, đòi tiền

2016_1_4_10_20_20_635874996201195_qltt_12_2015-

 Công chức quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi tiền người vi phạm (Ảnh minh hoạ)

Theo Pháp lệnh Quản lý thị trường số 11/2016/UBTVQH13, công chức quản lý thị trường không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thái độ, cử chỉ, phát ngôn không đúng quy định đối với tổ chức, cá nhân trong khi thi hành công vụ.

Cũng theo Pháp lệnh này, công chức quản lý thị trường đã được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và không trong thời gian bị kỷ luật sẽ được cấp thẻ kiểm tra thị trường; thẻ có thời hạn sử dụng 05 năm kể từ ngày được cấp. Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ mà chưa có quyết định xử lý; tham mưu, ban hành quyết định trái pháp luật; đang trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo; bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam…, công chức sẽ bị tạm đình chỉ sử dụng thẻ kiểm tra thị trường.

Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 01/09/20/16.

Thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày

Ngày 28/07/2016, Kiểm toán Nhà nước đã ra Quyết định 03/2016/QĐ-KTNN ban hành Quy định giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán.

Theo đó, thời hiệu khiếu nại kiểm toán là 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kiểm toán; trường hợp đơn vị được kiểm toán không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì lý do khách quan thì thời gian có lý do khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 65 ngày, kể từ ngày thụ lý. Đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Bên cạnh đó, quyết định cũng cho phép đơn vị được kiểm toán có quyền rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng hình thức đơn có chữ ký của người đại diện hợp pháp của đơn vị được kiểm toán khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải được gửi đến Kiểm toán Nhà nước…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/09/2016.

Bổ sung đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 bổ sung đối tượng chịu thuế mới, đó là: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

Quy định hiện hành thì đối tượng chịu thuế chỉ gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/9/2016 và bãi bỏ Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2005.

Tăng cường xử lý sau kiểm tra đấu thầu

Thông tư 10 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết việc giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu nêu rõ:

Đơn vị được kiểm tra có sai sót hoặc vi phạm trong hoạt động đấu thầu, cần có thời gian để khắc phục thì đơn vị chủ trì kiểm tra có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện kết luận kiểm tra. Người đứng đầu đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện kết luận và báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện.

Tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.

Thông tư này có hiệu lực từ tháng 9/9.

Xếp lương giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư

Nghị định 117/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ngày 21/7/2016, trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung về xếp lương đối với giảng viên cao cấp được bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Cụ thể, nếu chưa xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì giảng viên đó được xếp lên 1 bậc trên liền kề từ ngày được bổ nhiệm chức danh giáo sư, thời gian xét nâng bậc lương lần sau kể từ ngày giữ bậc lương cũ.

Trường hợp đã xếp bậc cuối cùng của chức danh giảng viên cao cấp thì được cộng thêm 3 năm để tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm chức danh giáo sư.

Cũng theo Nghị định này, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và sĩ quan công an nhân dân đã giữ cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ hiện đảm nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, đủ tiêu chuẩn về chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe thì được xét nâng lương.

Thời hạn xét nâng lương của cấp bậc quân hàm/cấp bậc hàm đối với cấp tướng, cấp tá và đại úy là 4 năm; đối với thượng úy là 3 năm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/9/2016.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.