Xã hội

Những chuyện ghi từ tâm lũ: “Sống 60 năm chưa từng chứng kiến”

Chia sẻ của nhiều người dân tại các tỉnh thành phía Bắc, cả đời họ chưa từng trải qua trận lũ nào lớn như những ngày vừa qua.

Việc phải chèo thuyền ra nhận đồ ăn thức uống tiếp tế, hay phải sống trên tầng 3 trong ngôi nhà của mình là điều họ chưa từng chứng kiến.

Nhà ngập quá nửa tầng 2

Sáng 12/9, có mặt tại đê tả sông Cầu, đoạn qua xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, PV ghi nhận hàng chục đoàn thiện nguyện vận chuyển mì tôm, nước lọc, sữa tươi, bánh mỳ, gạo về hỗ trợ cho người dân xã Vân Hà và Tiên Sơn.

Những chuyện ghi từ tâm lũ: “Sống 60 năm chưa từng chứng kiến”- Ảnh 1.

Người dân vùng lũ tại các xã Tiên Sơn, Thổ Hà, Việt Yên, Bắc Giang nhận hàng cứu trợ từ mạnh thường quân.

Là một trong những hộ được nhận hàng cứu trợ, ông Nguyễn Văn Tán, xã Tiên Sơn cho biết, nước sông tràn vào khiến gia đình ông bị ngập hơn 6m, lũ đã lên cao quá nửa tầng 2. Hiện cả gia đình đang cùng tập trung sinh hoạt tại tầng 3, các hộ khác chỉ có nhà 1 và 2 tầng thì đã phải di chuyển đi nơi khác.

"Lũ lên quá nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay, hầu hết vật dụng trong nhà đều bị cuốn trôi và hư hỏng hoàn toàn. May có các đoàn cứu trợ, không chúng tôi cũng chưa biết ăn uống, sinh hoạt thế nào", ông Tán cho hay.

"Tôi năm nay gần 60 tuổi nhưng giờ mới thấy trận lụt lớn như thế này xảy ra. Nước ngập tứ phía khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn vì mất điện, mất nước, giao thông cô lập hoàn toàn", ông Thường, một người dân xã Vân Hà nói.

Có mặt, tiếp nhận hàng hóa cứu trợ từ mạnh thường quân, các cán bộ xã Vân Hà cho biết, xã gồm các thôn Thổ Hà, Vân Hà và Nguyệt Đức với hơn 4.500 hộ dân, hơn chục nghìn nhân khẩu đang chìm sâu khoảng 6m trong nước lũ.

Sau khi tiếp nhận hàng hóa, UBND xã sẽ tổ chức vận chuyển, cùng các tình nguyện viên đưa đến từng hộ dân. Theo tính toán, nếu trời không mưa, lũ từ đầu nguồn được khống chế thì khoảng 15 ngày nữa, lũ trên sông Cầu, đoạn qua địa bàn mới rút hết.

Nước bủa vây tứ phía

Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang còn hàng chục điểm dân cư với hàng chục nghìn hộ dân sinh sống ngoài đê, ven sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam đang chìm sâu trong nước lũ. Nhiều nơi bị chia cắt, cô lập hoàn toàn như các xã Hòa Sơn, Đồng Tân, Hợp Thịnh, Mai Đình... huyện Hiệp Hòa; Vân Hà, Tiên Sơn, Quang Châu, thị xã Việt Yên; Trí Yên, Đồng Việt, huyện Yên Dũng...

Những chuyện ghi từ tâm lũ: “Sống 60 năm chưa từng chứng kiến”- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng dùng thuyền tiếp tế cho người dân vùng lũ tại huyện Sơn Động, Bắc Giang.

Bên cạnh việc chống lụt, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và người dân địa phương vẫn tiếp tục gia cố các tuyến đê, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Tại Yên Bái, ngày 12/9, lực lượng công an đã tổ chức tiếp nhận đồ tiếp tế của các mạnh thường quân ủng hộ.

Từng chiếc túi bóng được chuẩn bị từ ngọn nến, nước ngọt, mỳ tôm, sữa... được đưa lên từng chiếc thuyền để dọc theo con đường Thanh Niên, Đoàn Thị Điểm vào từng nóc nhà để tiếp tế.

Những con đường trước cơn lũ dữ được trải thảm nhựa bê tông nay đã trở thành biển nước. Để di chuyển vào cứu trợ tới từng hộ, cách duy nhất là dùng thuyền.

Những chuyện ghi từ tâm lũ: “Sống 60 năm chưa từng chứng kiến”- Ảnh 3.

Nhiều người dân ở thành phố Yên Bái phải căng dây, buộc sào nhận đồ tiếp tế.

Thiếu tá Nguyễn Hồng Quang, cựu cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh Yên Bái chia sẻ: "Tôi đã nghỉ hưu từ năm 2023, nay do nước ngập sâu, 3 ngày qua tôi đã tình nguyện chèo thuyền chuyển hàng tiếp tế cho nhân dân trong vùng lũ. Quả thực, cả đời tôi chưa từng chứng kiến cơn lũ nào lớn như lần này. Có nhà dân cao đến 3 tầng mà ngập đến tầng 2, họ không thể xuống được. Đưa đồ cứu trợ phải dùng dây dài, đưa lên lên mái nhà".

Trong 2 ngày 10 và 11/9, gần như toàn bộ TP Tuyên Quang và một số địa phương trong tỉnh chìm trong biển nước. Người dân phải leo lên mái, lên tầng chờ thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đưa đến ứng cứu.

Bắt đầu từ sáng ngày 10/9, cả TP Tuyên Quang và các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương bị ngập lụt. Đường sá, nhà cửa, hoa màu… chìm trong nước. Tuyến đường Bình Thuận kết nối từ cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vào trung tâm TP Tuyên Quang ách tắc cục bộ. Mực nước ngập sâu bình quân khoảng 2m được ghi nhận vào chiều 11/9.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tuyên Quang huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ toàn tỉnh tiếp tế, cung ứng lương thực, tổ chức di dời người và tài sản đến nơi an toàn; phát dọn cây ven đường do bão quật đổ...

Tại Phú Thọ, sáng 12/9, PV có mặt tại điểm ngập lụt tại xã Hiền Lương (huyện Hạ Hòa) và ghi nhận nhiều nhà dân vẫn còn ngập rất sâu. Tại đây, nước dâng cao khoảng 3m khiến khu vực bị cô lập, người dân phải chèo thuyền để nhận đồ cứu trợ.

Ông Nguyễn Ngọc Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa cho biết: "Hầu hết các khu trên địa bàn xã Hiền Lương bị ngập. Nước lũ tràn qua đê vào các khu vực dân cư đã được 4 hôm nay. Dự kiến khoảng 1 tuần khu vực trên mới rút hết nước".

Bà Vũ Thị Ước (SN 1958, trú tại xã Hiền Lương) chia sẻ: "Chúng tôi phải chèo thuyền đi lấy thức ăn cứu trợ, do không biết bơi nên đôi khi thuyền tròng trành cũng rất sợ. Thế nhưng không đi thì chúng tôi không biết sống ra sao".

Nỗ lực thông đường

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 3, ông Lê Văn Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cao Bằng cho biết, quốc lộ 34 là tuyến đường huyết mạch, nối TP Cao Bằng với các huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Bảo Lạc và các tỉnh Bắc Kạn, Hà Giang.

Tuy nhiên, đến nay tuyến đường này vẫn còn 76 điểm chia cắt do sạt lở đất, sụt lún nền đường. Trong đó, Sở GTVT mới khắc phục bước 1, bảo đảm thông đường tại 36 vị trí để cơ quan chức năng tiếp cận hiện trường vụ sạt lở, cuốn trôi xe khách làm 22 người tử vong tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình.

"Đến nay lại tiếp tục có 4 vị trí sạt lở, tắc đường mới; các điểm vừa được thông xe lại tiếp tục xảy ra sạt lở, gây khó khăn cho lưu thông. Chúng tôi đang tập trung thống kê đầy đủ, lập phương án và dự toán để đề cấp thẩm quyền cho phép cải tạo, nâng cấp, mở rộng nền, mặt đường và hành lang trên toàn bộ tuyến đường này", ông Định thông tin.

Cũng là địa phương ghi nhận hàng trăm điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn đã chủ động hót dọn, bảo đảm ATGT. Hiện Sở và Cục Đường bộ Việt Nam đang khảo sát, lập phương án giải quyết dứt điểm, giúp người dân lưu thông thuận lợi. Đến nay, giao thông kết nối giữa Lạng Sơn và các tỉnh lân cận vẫn bảo đảm.

Tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão khi nhiều nơi bị ngập lụt, chia cắt. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, chủ động các biện pháp ứng phó nên ngay khi nước rút, các lực lượng chức năng đã vào cuộc ngay để khắc phục hậu quả, bảo đảm kết nối và ATGT.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.