Ngày 16/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 460 về việc triển khai Kết luận số 445 ngày 13/5 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng (KCHT) đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giai đoạn 2021- 2030 khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước 71.400 tỷ đồng, chiếm 48% (ngân sách địa phương 56.980 tỷ đồng, chiếm 38%; ngân sách Trung ương 14.420 tỷ đồng, chiếm 10%) và vốn đầu tư ngoài ngân sách 78.600 tỷ đồng, chiếm 52%.
Phối cảnh công trình cầu vượt sông Hương, TP Huế chuẩn bị khởi công vào ngày 22/12/2022
Kế hoạch số 460 cũng nêu rõ mục tiêu, những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong việc tập trung xây dựng, phát triển hệ thống KCHT kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp phục vụ phát triển ngành công nghiệp, cũng như phát triển hạ tầng văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ.
Trong đó, về phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại KCHT giao thông, nhất là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính động lực, lan tỏa và tạo không gian phát triển mới, góp phần phát triển KT-XH bền vững.
Phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm: Mở rộng hầm Phước Tượng - Phú Gia, QL49A và 49B; cao tốc Cam Lộ - La Sơn; mở rộng nhà ga hành khách Cảng HKQT Phú Bài, nâng công suất cảng HKQT Phú Bài lên 9 triệu khách/năm.
Tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa các đô thị, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển KT-XH như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An - Thuận An, đường Thuỷ Vân - Phú Đa, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc; đường phía Tây phá Tam Giang - Cầu Hai (đoạn Phú Mỹ - Phú Đa), đê chắn sóng cảng Chân Mây - giai đoạn 2, hạ tầng khu đô thị mới Thuận An, hạ tầng kỹ thuật khung đi qua khu đô thị mới Mỹ Thượng...
Công trình Nhà ga hành khách T2 - Cảng HKQT Phú Bài (phía trước) đang chạy nước rút hoàn thành
Đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường nội thị TP Huế như: đường Hà Nội, đường đi bộ Hai Bà Trưng, đường Bà Triệu, đường Nguyễn Gia Thiều, đường Lâm Hoằng nối dài; chỉnh trang, mở rộng nút giao Trần Phú - Đặng Huy Trứ - Đoàn Hữu Trưng; các tuyến giao thông nội thị thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị trấn Thuận An, thị trấn Sịa và trục chính giao thông các huyện Phong Điền, Quảng Điền. Triển khai dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)...
Về phát triển hạ tầng đô thị, tập trung hoàn thành các quy hoạch, đề án quan trọng, phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh theo định hướng tại Quyết định số 241 ngày 24/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Công trình cầu vượt cửa biển Thuận An thuộc dự án Tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế đang thi công
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại hạ tầng cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn… phục vụ tốt dân sinh và chức năng đô thị hiện đại, thông minh.
Dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương chuẩn bị khởi công có tổng mức đầu tư hơn 2.281 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.855 tỷ đồng
Kế hoạch của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nêu rõ về việc thu hút đầu tư, xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Hình thành các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kết nối cảng biển nước sâu Chân Mây và ga hàng hóa Cảng HKQT Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, KCN Phú Bài và các khu vực liên quan.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Kế hoạch số 460 của UBND tỉnh nhằm cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu tại Kết luận 445 của Tỉnh ủy gắn với tập trung ưu tiên phân bổ, bố trí đảm bảo nguồn lực để xây dựng hệ thống KCHT đồng bộ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, từng bước đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương. Tập trung huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống KCHT đồng bộ gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm QPAN...
Bên cạnh đó, từng bước hoàn thiện các thiết chế hạ tầng để xây dựng đô thị Chân Mây - Lăng Cô, phấn đấu đạt đô thị loại III.
Ưu tiên hoàn thành các trục giao thông chính quan trọng như mở rộng hệ thống đường trung tâm đô thị Chân Mây, đường phía Đông đầm Lập An; dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây (giai đoạn 2), đê chắn cát Chân Mây, đường trục chính kết nối Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương với QL1, đường nối KCN - Khu đô thị Chân Mây, đường trục chính KCN kỹ thuật cao và Khu đô thị Chân Mây, đường trục chính trung tâm khu du lịch Lăng Cô, đường trục chính trong KCN La Sơn và KCN Phú Đa…
Chú trọng xúc tiến đầu tư các dự án về hạ tầng cảng, hạ tầng KCN, khu phi thuế quan; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN kỹ thuật cao Chân Mây (vị trí 1, 2, 3, 4); hạ tầng khu đô thị Chân Mây; dự án Bến du lịch và khu hậu bến cảng phục vụ khách du lịch; dự án đầu tư Bến du lịch và khu hậu bến cảng phục vụ khách du lịch; đầu tư bến cảng số 4, 5, 6, 7, 8 cảng Chân Mây…
Khai thác, sử dụng có hiệu quả các dự án cảng biển như Bến cảng số 1, 2, 3 cảng Chân Mây...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận