Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Khóa XIII - Ảnh: Lã Anh |
Ngày 6/1/1946, thành công vang dội của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên gắn với sự ra đời của Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của dân tộc.
Trải qua 70 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, mỗi thời kỳ Quốc hội đều có những dấu ấn riêng, giống như những dấu son nghị trường tỏa sáng với thời gian.
Bản lĩnh Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên
Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tình hình đất nước muôn vàn khó khăn với thù trong, giặc ngoài, ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo phải sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội đầu tiên ở nước ta. Khi đó, bằng tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết tâm thực hiện tổ chức bầu cử sớm để khẳng định nước Việt Nam là một Nhà nước độc lập, tự chủ, là Nhà nước pháp quyền.
Và ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã được tổ chức thành công, Quốc hội khoá I của Việt Nam cũng ra đời từ đây. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta. Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá I được tổ chức vào ngày 2/3/1946 với tổng số ĐBQH là 403, trong đó bao gồm cả các thành phần của Việt minh, Việt cách, Việt quốc.
"Chúng ta cũng vẫn cứ quen với quan niệm họp Quốc hội là phải có mặt đủ 500 ĐBQH, vì thế mới có chuyện nhân dân không hài lòng khi nhìn hội trường vắng. Ở các nước, khi thảo luận các vấn đề, đặc biệt là vấn đề chuyên sâu thì không nhất thiết tất cả ĐBQH phải có mặt. Khi đó ngồi ở hội trường chỉ là những ĐB thực sự quan tâm và am hiểu về các vấn đề được thảo luận, có khi chỉ 100 người thảo luận chứ không phải 500 người cùng ngồi đó. Tuy nhiên, khi biểu quyết yêu cầu tất cả các ĐBQH phải có mặt để thể hiện chính kiến của mình." Ông Vũ Mão |
Hồi đó, do thành phần đối lập nhiều nên cách làm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất khéo léo. Phe đối lập không muốn tham gia bầu cử nhưng chúng ta vẫn tiến hành và khéo léo kéo họ vào thành phần của Quốc hội, thậm chí để họ chiếm tỷ lệ cao trong Quốc hội. Nhưng chính điều đó lại tạo nên sự kết nối, mở rộng vòng tay đoàn kết dân tộc.
Có thể nói, thành phần của Quốc hội khi ấy rất phong phú, đa dạng, phản ảnh đầy đủ tầng lớp xã hội, phù hợp với hoàn cảnh đất nước. Thậm chí thời điểm đó có những đại biểu rất trẻ như Nguyễn Đình Thi, khi là ĐBQH mới có 21 tuổi. Cho đến nay, có thể nói chúng ta vẫn kế thừa được tinh thần của Quốc hội khóa đầu nên thành phần, cơ cấu của Quốc hội cũng rất đa dạng, phong phú, đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Trước đây, do ít các phương tiện thông tin đại chúng nên hoạt động trong các phiên họp Quốc hội không được thông tin ra bên ngoài, nhưng quan trọng hơn là thời điểm đó, các phiên họp diễn ra trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng nên vấn đề công khai hay không công khai không phải là vấn đề lớn. Việc quan trọng hơn cả khi đó là làm sao xây dựng được chính quyền, bầu ra Chính phủ chính thức để điều hành đất nước.
Lần đầu tiên có tranh cử ở Quốc hội
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, dưới thời của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Quốc hội Việt Nam bắt đầu có rất nhiều đổi mới, trong đó đổi mới quan trọng nhất là việc lần đầu tiên có tranh cử ở Quốc hội. Việc tranh cử chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ở Quốc hội khoá VIII được coi là dấu son trong hoạt động nghị trường của lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Tại kỳ họp giữa năm 1988, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới thay thế đồng chí Phạm Hùng vừa từ trần. Theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Hội đồng Nhà nước giới thiệu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để Quốc hội bầu trên cơ sở là kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị BCH T.Ư Đảng. Theo đó, đồng chí Đỗ Mười khi ấy được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Nhưng sau đó, có rất nhiều đoàn ĐBQH đề nghị giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt.
Đây là một tình huống bất ngờ, vì từ trước đến nay, khi Đảng đã giới thiệu nhân sự thì các ĐBQH thảo luận ở Đoàn, dù có ý kiến khác nhau nhưng cuối cùng là nhất trí với sự giới thiệu.
Cuộc họp Hội đồng Nhà nước để thảo luận vấn đề này rất sôi nổi, đa số các thành viên đều nhất trí để hai ứng cử viên, coi đây là sự đổi mới tư duy, thể hiện tính dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội.
Sự việc sau đó được báo cáo lên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, và Tổng Bí thư đã đồng ý triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn bạc về vấn đề này. Bộ Chính trị cũng nhất trí với đề nghị của Hội đồng Nhà nước, để hai ứng cử viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Kết quả sau đó, đồng chí Đỗ Mười là người trúng cử với tỷ lệ 63% số phiếu, đồng chí Võ Văn Kiệt được 37% số phiếu. Khi ấy cả người trúng cử và người không trúng cử đều vui, các ĐBQH cũng thoải mái, phấn chấn. Đây là phiên tranh luận hấp dẫn mở đầu cho thời kỳ Quốc hội đổi mới.
Ông Vũ Mão |
“Mạo hiểm” đề nghị truyền hình trực tiếp phiên chất vấn
Sau 8 năm Quốc hội hoạt động, những người có trách nhiệm đã nhận thức, nghiên cứu, phân tích, tìm tòi cách thức đổi mới, sau đó mới dám đề xuất cho truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn ở Quốc hội, góp phần làm thay đổi về “chất” trong hoạt động của Quốc hội, thể hiện tính dân chủ cao khi người dân lần đầu tiên được trực tiếp theo dõi hoạt động chất vấn. Việc này đã tạo tiếng vang rất lớn.
Khi đó, trong bài phát biểu đầu tiên tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đề cập tư tưởng xuyên suốt: “Đất nước đổi mới, Đảng đổi mới thì Quốc hội cũng phải đổi mới”. Tổng Bí thư cũng nói: “Chúng ta kiên quyết không để Quốc hội trở thành cây cảnh. Chúng ta phải đồng tâm hiệp lực, từng bước cải tiến, đổi mới Quốc hội”. Vào thời điểm ấy chúng tôi cũng đã gặp không ít khó khăn để thuyết phục mọi người cho thực hiện việc này.
Chúng tôi luôn quan niệm làm sao để có dân chủ tốt hơn ở Quốc hội, làm sao để người dân trực tiếp biết, theo dõi được những hoạt động của Quốc hội… Ý tưởng truyền hình trực tiếp phiên chất vấn đến người dân nảy sinh từ đó. Khi có ý tưởng ban đầu, chúng tôi phải xây dựng đề án rất công phu, rồi nghiên cứu để giải đáp những vấn đề mà lãnh đạo cấp trên đặt ra.
Lo ngại lớn nhất được đặt ra khi ấy là nếu truyền hình trực tiếp phiên chất vấn thì không chỉ người dân trong nước theo dõi được mà có thể lan tỏa ra toàn thế giới, dễ xảy ra nguy cơ làm lộ bí mật quốc gia, bởi cả người hỏi và người trả lời nhiều khi theo bản năng nghĩ gì nói thế. Việc này không thể lường trước được.
Vấn đề thứ hai là sợ “lộ” ra tất cả những hạn chế của ĐBQH, của lãnh đạo Bộ, ngành thông qua việc đặt câu hỏi và trả lời chất vấn. Đặc biệt, với người trả lời chất vấn là các Bộ trưởng hay lãnh đạo Chính phủ, người ta e ngại nếu trả lời chất vấn không suôn sẻ hoặc cứ đi lòng vòng, nói không chính xác thì sẽ làm mất uy tín.
Chúng tôi phải nghiên cứu tất cả những vấn đề đó để giải đáp. Chúng tôi cũng cam kết với lãnh đạo hết sức cố gắng không để xảy ra sơ suất, vì nếu có sơ suất gì thì bản thân chúng tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, vào lúc đã thông báo cho toàn dân biết ngày mai QH tổ chức phiên chất vấn, có truyền hình và phát thanh trực tiếp, thì ngay trước đó một ngày cũng có đồng chí không đồng ý, cho rằng không nên truyền hình trực tiếp vì làm như vậy sẽ bất lợi, nguy hiểm. Có người đề xuất ghi hình lại toàn bộ phiên họp, chỗ nào “gay cấn” quá thì cắt bớt đi, rồi buổi tối phát lại.
Bản thân tôi khi đó cũng rất suy nghĩ, nhưng tôi cũng mạnh dạn nói nếu làm như thế thì không còn là truyền hình trực tiếp nữa. Tôi nói, giờ đã thông báo cho nhân dân cả nước biết rồi, chuẩn bị kỹ rồi, Ủy ban Thường vụ QH và Chính phủ đã bàn kỹ với nhau rồi, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ trưởng nào trả lời chất vấn ở phiên đó nên cứ cho phép làm, nếu có sai sót gì thì tôi xin chịu trách nhiệm.
Đó là những nan giải, khó khăn ban đầu. Và sau khi phiên chất vấn đầu tiên diễn ra vào buổi sáng của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa IX, tháng 5/1994, đến buổi chiều, điện thoại từ các nơi gọi về biểu thị thái độ vui mừng và rất hoan nghênh.
Ngoài những sự đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả nhưng cũng đầy khó khăn ấy, Quốc hội còn có nhiều đổi mới trong xây dựng Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo cái mới trong tổ chức bộ máy Nhà nước. Về đối ngoại, chúng ta bắt đầu mở rộng quan hệ với các nước. Bên cạnh những đổi mới chính trị thì cơ sở vật chất và những đổi mới về kỹ thuật cũng tạo điều kiện cho QH phát triển, điển hình là việc thay biểu quyết qua hình thức giơ tay bằng bảng điện tử, đảm bảo tính nhanh gọn và chính xác hơn.
Việc mở cửa cho báo chí vào đưa tin tại các phiên họp Quốc hội cũng như phiên họp Thường vụ Quốc hội cũng bắt đầu từ Quốc hội khoá XI và được duy trì từ đó đến nay, thể hiện Quốc hội luôn chú trọng và đề cao vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, đưa các quyết sách của Quốc hội đến gần dân hơn.
Tiếp tục đổi mới hơn để làm hài lòng dân
Dù hoạt động của Quốc hội đã chất lượng hơn, nhưng để đạt được sự hài lòng của người dân, Quốc hội phải tiếp tục đổi mới và không ngừng đổi mới.
Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII, Quốc hội đã đổi mới hình thức chất vấn. Theo đó, không chọn từng nhóm vấn đề và không chọn bốn Bộ trưởng, trưởng ngành để trả lời chất vấn như các kỳ họp trước, mà tại phiên chất vấn lần này, các ĐBQH có thể hỏi và chất vấn bất cứ lĩnh vực nào, với bất cứ Bộ trưởng, trưởng ngành hay thành viên Chính phủ nào, tất cả các thành viên Chính phủ sẵn sàng có mặt tại phiên chất vấn để đăng đàn trả lời.
Làm như vậy thì rõ ràng chúng ta tạo được không khí hơn, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì về chất lượng, hiệu quả vẫn chưa cao. Vì cuối cùng, sau hơn hai ngày chất vấn mà vấn đề bức xúc của xã hội, của nhân dân vẫn còn. Những vấn đề về kinh tế, nông nghiệp, về an toàn vệ sinh thực phẩm… cần đi đến một cái kết thì chưa quyết định được. Quản lý Nhà nước và vấn đề về tham nhũng cũng vậy.
Vấn đề chất vấn mỗi năm chúng ta đều cố gắng đổi mới, nhưng cho đến nay đây vẫn là một bài toán cần giải đáp một cách sâu sắc hơn, hiệu quả hơn.
Vừa rồi, chúng ta cũng có tìm tòi, đổi mới, mở rộng lĩnh vực và đối tượng chất vấn, đây là điểm tốt. Tuy nhiên, điều này cần hoàn thiện hơn nữa bởi nó vẫn còn một hạn chế là không tập trung được những vấn đề cốt yếu nhất mà nhân dân đang mong chờ. Nếu muốn duy trì hình thức chất vấn này thì cũng có thể được, nhưng phải kéo dài thời gian chất vấn hơn nữa.
Ví dụ, sau hai ngày chất vấn theo kiểu đó, thì phải dành thêm hai ngày nữa để đoàn Chủ tịch gom lại những vấn đề trọng yếu nhất mà nhân dân còn bức xúc để cuối cùng phải ra được giải pháp, phải kết luận lại những vấn đề đó, xem sau kỳ họp Quốc hội này thì Chính phủ phải làm gì, các Bộ ngành phải triển khai chương trình cụ thể thế nào cho có hiệu quả. Phải đổi mới lĩnh vực này nhiều hơn và mạnh mẽ hơn nữa bởi đã trải qua nhiều năm mà chất vấn và trả lời chất vấn của ta vẫn còn lúng túng.
Về phía các ĐBQH, sau 5 năm hoạt động thì cũng có kinh nghiệm hơn, nhưng thực tế qua các kỳ họp Quốc hội, việc thường xuyên phát biểu, phản biện hiện nay chỉ tập trung vào số ít đại biểu, con số đó chỉ khoảng trên dưới 10 người, trong khi tổng số ĐBQH của chúng ta có tới 500 ĐB. Các ĐB khác hoặc không phát biểu, hoặc phát biểu thì ý kiến mờ nhạt, không sâu sắc. Điều đó chứng tỏ chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng ĐBQH, mỗi ĐBQH phải cố gắng hơn, cương trực, thẳng thắn và vì dân hơn, dám nói những ý kiến của mình, tự nâng cao hiểu biết của mình hơn nữa.
Một vấn đề khác chúng ta cũng phải thay đổi về nhận thức, đó là việc thảo luận ở Quốc hội. Thông thường ở các nước, nếu cần thì Quốc hội làm việc liên tục, với tinh thần đi đến cùng sự việc, họ sẵn sàng thảo luận tới 12h đêm hay 1h sáng. Chúng ta cũng nên học tập tinh thần như vậy, bởi hiện nay Quốc hội chúng ta làm việc theo giờ hành chính, cứ hết giờ là nghỉ, dù cho vấn đề đang bàn dở dang.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận