Hủy bỏ "chiếc nhẫn của ngư dân"
Hiện chưa rõ thời gian diễn ra tang lễ nhưng ngay khi Giáo hoàng qua đời, Giáo hội Công giáo sẽ khởi động giai đoạn "Sede Vacante" (Trống tòa).
Trong đó một hồng y cấp cao sẽ tiếp quản các công việc hằng ngày cho đến khi Giáo hoàng mới được bầu. Trong trường hợp này là Hồng y người Mỹ gốc Ireland, ông Kevin Farrell.

Tòa thánh Vatican treo cờ rủ báo tin Đức Giáo hoàng Francis đã qua đời và thời kỳ Sede Vacante chính thức bắt đầu (Ảnh: Vatican Media).
Theo truyền thống, vai trò chính của Hồng y Farrell là chứng nhận việc Giáo hoàng qua đời.
Sau đó, Hồng y Farrell sẽ tháo chiếc nhẫn được mệnh danh là "nhẫn của ngư dân" từ tay Giáo hoàng. Chiếc nhẫn này có dấu ấn bằng vàng, khắc theo tên của mỗi Giáo hoàng mới và được sử dụng để niêm phong tài liệu.
Khi Giáo hoàng qua đời, chiếc nhẫn sẽ được hủy bỏ đánh dấu sự kết thúc của một triều đại Giáo hoàng.
Đồng thời, Hồng y Farrell sẽ niêm phong phòng ngủ và phòng làm việc của Giáo hoàng tại Nhà Thánh Marta.
Thi hài của Giáo hoàng Francis đang được chăm sóc và mặc lễ phục giáo hoàng, đầu đội mũ giám mục màu trắng và sẽ được đưa tới nhà nguyện riêng của ông.
Đơn giản hóa nhiều thủ tục
Đáng chú ý, trong các nghi thức thực hiện tang lễ Giáo hoàng Francis có rất nhiều điểm khác so với truyền thống.
Trước hết, thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt bên trong chiếc quan tài duy nhất bằng gỗ và kẽm.
Các Giáo hoàng trước đều được chôn cất trong ba chiếc quan tài bằng gỗ bách, chì và cây du nhưng năm 2024 vừa qua, Giáo hoàng Francis đã đơn giản hóa các quy tắc tổ chức tang lễ của Giáo hoàng, yêu cầu chỉ sử dụng một chiếc quan tài bằng gỗ và kẽm.
Giáo hội sẽ đưa quan tài của ngài tới Vương cung thánh đường Thánh Peter để cho phép các tín đồ đến viếng.
Một điểm khác biệt nữa đó là Giáo hoàng Francis yêu cầu được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Rome, khác với các Giáo hoàng tiền nhiệm được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican.
Theo nhà chức trách Tòa thánh Vatican, sự thay đổi trong nghi lễ tang lễ phản ánh việc Giáo hoàng Francis khi sinh thời luôn cho rằng vai trò của Giáo hoàng là một mục tử và môn đồ của Chúa Kitô, chứ không phải của một người đàn ông quyền lực của thế giới này.
Ngay sau khi Giáo hoàng Francis ra đi, tất cả 252 hồng y trên toàn cầu đã nhận lời mời từ Niên trưởng Hồng y đoàn tới Rome tham dự lễ tang và lựa chọn Giáo hoàng.
Các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tổ chức một loạt các cuộc họp được gọi là "đại hội đồng" và quyết định ngày chôn cất, cũng như việc tổ chức "novemdiales", tức 9 ngày để tang.
Hiện chưa có thời gian chính thức diễn ra tang lễ nhưng thường diễn ra vào ngày thứ 4 đến thứ 6 kể từ khi Giáo hoàng qua đời. Dự kiến, có nhiều nhà lãnh đạo quốc tế sẽ tham dự tang lễ.
Được tin Giáo hoàng Francis vừa qua đời, ngày 21/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận