Những tập hồ sơ ghi rõ địa chỉ, chủ sở hữu, tình trạng xe công nông được công an xã Ia Blang (Chư Sê, Gia Lai) tập hợp để quản lý - Ảnh: TVY |
Trong khi nhiều huyện lỵ trong tỉnh Gia Lai đang loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn xe công nông chở người ra quốc lộ, tại huyện Ia Pa và tại xã Ia Blang (Chư Sê, Gia Lai), các xe này đã được quản chặt từ nhiều năm nay.
Câu chuyện ở xã Ia Blang
Ngày 2/12, theo chân đoàn kiểm tra do Giám đốc sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế làm trưởng đoàn, PV Báo Giao thông bất ngờ khi cả tuyến QL25 qua huyện Ia Pa không phát hiện xe công nông nào vi phạm. Một cán bộ CSGT tại huyện này cho biết: “Cách đây nhiều năm, chúng tôi đã tuyên truyền người dân không sử dụng xe công nông chở nhiều người, đồng thời mỗi năm một lần công an xã và huyện tổ chức cho người dân cam kết không vi phạm. Công an huyện biết được đời sống của bà con gắn với loại phương tiện này, nhưng để đảm bảo ATGT, chúng tôi vẫn yêu cầu bắt buộc người dân khi sử dụng chỉ chở duy nhất 1 người đằng sau để giữ đồ. Sau khi triển khai nhắc nhở khoảng 4 - 5 tháng, chúng tôi tiến hành xử phạt theo quy định. Chính vì vậy, người dân rất ý thức khi điều khiển phương tiện này lưu thông trên đường”.
Cũng như vậy, xã Ia Blang (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) thời gian qua được coi là “mô hình” điểm để Ban ATGT tỉnh Gia Lai tham mưu cho tỉnh kiểm soát loại phương tiện đặc thù này. Hiếm có ở một xã nào mà toàn bộ danh sách phương tiện giao thông từ chiếc xe công nông, xe tải cho tới xe máy đều được công an xã tập hợp vào sổ rồi cập nhật mỗi ngày như ở xã Ia Blang. Khi được hỏi về số vụ TNGT liên quan đến xe công nông trong 7 năm từ khi xã Ia Blang triển khai kế hoạch kiểm soát loại phương tiện này, ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng công an xã ôm tập hồ sơ phương tiện được viết bằng tay, thống kê chi tiết chủ xe, địa chỉ, số điện thoại… rồi nói ngay: “Mấy vụ va chạm nhỏ cũng có nhưng không thiệt hại gì, còn tai nạn nghiêm trọng không có”.
TNGT giảm, ai cũng mừng
Những năm 2005-2008, khi lượng xe công nông nở rộ, TNGT gia tăng liên tục, UBND xã Ia Blang đã tổ chức kế hoạch cụ thể để tăng cường TTKS kết hợp tuyên truyền, đưa việc lưu thông xe công nông trên các tuyến đường của xã đi vào quy củ. Thực hiện kế hoạch này, công an, xã đội và các tổ tự quản lên kế hoạch TTKS vào các giờ cao điểm, các mùa thu hoạch nông sản để nhắc nhở người điều khiển xe công nông chấp hành.
"Một xã có đến gần 500 xe công nông, từng là nơi có nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến xe công nông nhưng suốt 7 năm thực hiện kế hoạch của xã, gần như tai nạn vắng bóng”. Ông Phạm Hiếu Trình |
“Chúng tôi ấn định từ 18h đến 22h30 hàng ngày vào mùa cao điểm, công an, xã đội và các lực lượng hỗ trợ phải tỏa ra các ngả đường để điều tiết xe công nông qua lại. Chúng tôi tuyên truyền cho người dân hiểu, xe công nông lưu thông vào ban đêm là rất nguy hiểm, yêu cầu dừng lại để đường vắng mới tiếp tục lưu thông. Những xe đi đơn lẻ hoặc sẽ bị buộc dừng cho tới hết giờ “giới nghiêm” hoặc được tiếp tục đi nếu đường vắng. Trường hợp nhiều xe công nông tập trung đi cùng một lúc, chúng tôi sẽ cử cán bộ xã đi trước dẫn đường để đưa đoàn xe đi qua đường dân sinh an toàn”, ông Châu kể.
Cũng theo ông Châu, đến nay toàn xã có 498 xe công nông, trong đó chỉ mới có 20 xe đăng ký, nhưng TNGT rất hiếm xảy ra. Đường liên xã của Ia Blang rất hẹp, chỉ một chiếc công nông lưu hành đã chiếm hết đường nên ngoài việc điều tiết kiểm soát lưu thông theo giờ cao điểm, xe nào có nguy cơ mất an toàn, chủ xe hay chạy ẩu đều bị công an xã gọi lên viết cam kết. Nhờ thế, ý thức người dân đã tốt lên.
“Nói đơn giản là thế nhưng thực ra để làm được, phải có lực lượng trực chiến. Chúng tôi yêu cầu công an phải chốt trực vào giờ cao điểm cũng là mục đích phục vụ người dân, có người chịu có người phản đối nhưng bây giờ thấy đường sá yên ổn, tai nạn giảm, ai cũng mừng. Quan trọng là mình làm nhiệt tình, có quyết tâm và tâm huyết thì việc gì dân cũng xuôi”, ông Châu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận