Luật sư cho rằng ngân hàng chờ phán quyết của tòa mới trả tiền cho khách hàng bị mất 245 tỷ đồng là chưa thỏa đáng - Ảnh minh họa: Tạ Tôn |
Thật khó tin khi một số tiền lớn đến hàng trăm tỉ đồng từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng bị mất và càng khó tin hơn khi ngân hàng thoái thác nghĩa vụ bồi thường cho người gửi tiền, vì cho rằng, cần chờ phán quyết của tòa án. Đó là vụ việc đang gây xôn xao dư luận xảy ra tại Ngân hàng Eximbank.
Hai điều "khó tin"
Về bản chất, ngân hàng thương mại là một doanh nghiệp có vốn tư nhân, nhưng đó là một tổ chức đặc biệt, hoạt động theo quy định của luật chuyên ngành, kèm theo các văn bản dưới luật và quy định nội bộ hết sức khắt khe. Ngân hàng là nơi người dân, doanh nghiệp gửi gắm niềm tin và tài sản. Có người giao gần hết cả tài sản của mình cho ngân hàng quản lý, cất giữ thông qua nhiều hình thức. Hay nói cách khác, ngân hàng là trung gian thanh toán, nơi quản lý tài sản uy tín và an toàn nhất trong tiềm thức của mọi người dân.
Có lẽ vì vậy mà bà Chu Thị Bình đã tin tưởng và mang hàng trăm tỉ đồng đến Ngân hàng Eximbank - Chi nhánh TP.HCM để nhận lại các cuốn sổ tiết kiệm có chữ ký và con dấu của chi nhánh này.Trong suốt một thời gian dài giao dịch và mở sổ tiết kiệm tại chi nhánh này, bà không hề hay biết những đồng tiền của bà “không cánh mà bay” cho đến lúc bị phát hiện, thì một lãnh đạo tại chi nhánh, người duy nhất giao dịch với bà cũng “cao chạy xa bay” cùng hơn 200 tỉ đồng tiết kiệm của bà.
Mọi hoạt động tín dụng, rút và gửi tiền đều phải tuân theo một quy trình chặt chẽ, được ban hành dựa theo Luật Các tổ chức tín dụng, các văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước và quy định nội bộ của ngân hàng. Theo quy trình đó, một khoản tiền muốn rút ra khỏi ngân hàng phải qua các khâu kiểm soát đặc biệt, do nhiều cá nhân, bộ phận tham gia. Khâu kiểm soát này được thực hiện thường xuyên và định kỳ. Nên mọi thất thoát, mất mát sẽ được phát hiện kịp thời ngay lập tức. Một khoản tiền lớn ở ngân hàng được rút ra trong một thời gian dài có nghĩa quy trình kiểm soát tại ngân hàng đó đang bị vô hiệu hóa hoặc có sự buông lỏng quản lý. Đó chính là điều khó tin thứ nhất.
Điều khó tin thứ hai, gửi tiền tiết kiệm là một giao dịch dân sự, được thực hiện giữa 2 chủ thể, đó là cá nhân, tổ chức người gửi tiền với một pháp nhân là ngân hàng. Theo đó, ngân hàng thông qua người đại diện theo pháp luật để thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý trong phạm vi giao dịch này. Đặc biệt, là chịu trách nhiệm pháp lý khi tài sản của khách hàng bị mất, chiếm đoạt. Tuy nhiên, trong phản hồi mới nhất, đại diện ngân hàng này đã từ chối bồi thường khoản tiền này và tuyên bố chờ đến khi có phán quyết của tòa án (?).
Ngân hàng phải chịu mọi trách nhiệm
Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, "Nhận tiền gửi” là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Theo đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ số tiền bị mất, chiếm đoạt cho khách hàng để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc hoàn trả. Ngoài ra, luật này còn quy định, tổ chức tín dụng phải tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật và công bố công khai việc tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi tại trụ sở chính và chi nhánh để bảo vệ quyền lợi của khách hàng.
Thông tin ban đầu cho biết, từ năm 2007, bà Bình - một người có tiếng trong kinh doanh thủy sản bắt đầu giao dịch gửi tiết kiệm tại Chi nhánh TP HCM của Eximbank. Ông Lê Nguyên Hưng, Phó giám đốc chi nhánh này là người trực tiếp thực hiện các giao dịch với bà Bình. Lợi dụng sự tin tưởng của bà Bình, ông Hưng nhiều lần cùng nhân viên của Eximbank đến nhà riêng của bà để trình bày những khoản đã tất toán dựa theo kỳ hạn gửi. Nhưng thực tế ông Hưng đã làm giả hồ sơ của bà Bình để rút tiền từ tài khoản chưa đến hạn tất toán của bà rồi gửi vào tài khoản đã đến hạn tất toán. Với "chiêu thức" trên, ông Hưng chiếm đoạt số tiền rất lớn của bà Bình trong quãng thời gian dài. Cuối năm 2017, nghi ngờ mình bị lừa đảo, bà Bình tiến hành đối chiếu số dư sổ tiết kiệm thì phát hiện hơn 245 tỷ đồng trong các tài khoản đã "bốc hơi". Hiện, ông Hưng được cho là đã bỏ trốn ra nước ngoài. Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank thừa nhận vụ việc ông Hưng lừa đảo 245 tỷ trên là có thật, tuy nhiên phải chờ phán quyết của tòa án. |
Người dân chỉ biết ngân hàng, giao dịch với ngân hàng và đặt niềm tin vào ngân hàng. Ngân hàng cũng phải đặt niềm tin vào đội ngũ nhân sự của mình, tin tưởng và đảm bảo các quy trình kiểm soát được vận hành theo quy định của pháp luật. Vì lẽ đó, nếu quy trình bị lỗi hay nhân sự của mình có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tín dụng, thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại tài sản của khách hàng mà mình đang quản lý, chiếm giữ.
Tiền gửi của cá nhân, tổ chức khi được gửi vào ngân hàng thì hòa chung vào dòng tiền chung của ngân hàng. Bởi, ngân hàng có quyền lưu thông khoản tiền tiền tiết kiệm của khách hàng để phát sinh lợi nhuận như một dịch vụ tín dụng. Như vậy về bản chất, khi chưa đến kỳ hạn và không có lệnh rút của khách hàng, khoản tiền tiết kiệm đó hoàn toàn do ngân hàng chiếm giữ. Theo đó, mất mát hay bị chiếm đoạt đều xảy ra tại ngân hàng và trong tầm kiểm soát của ngân hàng. Người gửi tiền không chịu trách nhiệm và không có lỗi về việc đó. Nên việc ngân hàng thoái thác trách nhiệm bồi hoàn vì một lý do nào đó là thiếu thiện chí.
Vụ mất tiền tiết kiệm xảy ra ở Eximbank tồn tại hai quan hệ, một là quan hệ dân sự về giao dịch gửi tiền tiết kiệm, hai là quan hệ hình sự liên quan đến hành vi mà cơ quan điều tra khởi tố là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, xét về bản chất, ngân hàng mới là người bị hại, chứ không phải người gửi tiền. Người gửi tiền chỉ giao dịch với ngân hàng nên họ có quyền yêu cầu ngân hàng bồi thường ngay lập tức. Quyền này được thực hiện độc lập mà không phụ thuộc vào kết quả xét xử một vụ án hình sự. Nên, ngân hàng viện dẫn lý do chờ phán quyết của tòa án là một cách “đánh bùn sang ao”.
Vụ việc này để lại lời cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân có tiền mặt gửi vào ngân hàng. Đặc biệt là các khoản tiền lớn từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Không phải chưa có tiền lệ, vụ Huyền Như đã khiến nhiều người dân mất tiền mà ngân hàng lại vô can. Để loại trừ sự vô can của ngân hàng, khi giao dịch với họ, người dân cần tìm đến luật sư để thiết lập các giao dịch pháp lý bằng văn bản, đồng thời lựa chọn những ngân hàng có uy tín để giao dịch.
Điều hành hãng Luật Giải Phóng - Đoàn Luật sư TP.HCM
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận