Đường bộ

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở Hải Phòng: Tuyến đường hơn 1.300 tỷ “bí đầu, tắc đuôi”

01/03/2024, 07:15

Bỏ ra hơn 1.300 tỷ đồng, mất 9 năm TP Hải Phòng mới hoàn thành tuyến đường Đông Khê 2. Tuy vậy, ngay khi đưa vào hoạt động, tuyến đường đã rơi vào cảnh "bí đầu, tắc đuôi" do thiếu kết nối.

Kỳ 1: Nhiều hệ lụy từ dự án BOT đường ven biển chậm tiến độ

Trục giao thông dang dở

Năm 2022, tuyến đường Đông Khê 2 (giai đoạn 1) hoàn thành. Với chiều dài gần 2km, mặt cắt ngang 25m, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đây được xem là một trong những tuyến đường đắt đỏ nhất và là đường ven hồ đẹp nhất Hải Phòng.

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở Hải Phòng: Tuyến đường hơn 1.300 tỷ “bí đầu, tắc đuôi”- Ảnh 1.

Tuyến đường Đông Khê 2 được xây dựng quy mô nhưng chưa đáp ứng vai trò là một trục giao thông.

Tuy vậy, từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đường Đông Khê 2 cũng là một trong những con đường có lưu lượng xe cộ qua lại thấp nhất ở thành phố Cảng. Lý do bởi tuyến đường có điểm đầu giáp với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhưng lại là một phần của quốc lộ 5 kéo dài, có dải phân cách cứng nên rất ít phương tiện rẽ vào.

Ở chiều ngược lại, đường Đông Khê tiếp giáp với đường Lê Lợi là đường một chiều nên cũng rất ít phương tiện.

Vì những lý do trên, dường như số tiền hơn 1.300 tỷ đồng mà Hải Phòng đầu tư chỉ để phục vụ cho số ít người dân ven đường Đông Khê đi lại. Không ít người cho rằng, tuyến đường nghìn tỷ này là "đường làng" bởi nó không đóng vai trò là một trục giao thông.

Thực tế, khi manh nha xây dựng tuyến đường Đông Khê 2, kỳ vọng của chính quyền và người dân Hải Phòng lớn hơn nhiều.

Từ năm 2013, UBND TP Hải Phòng phê duyệt dự án đường Đông Khê 2, giao UBND quận Ngô Quyền làm chủ đầu tư. Dự án được kỳ vọng trở thành một trục giao thông đô thị giảm tải cho đường Lạch Tray vốn thường xuyên ùn tắc.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, nếu thực hiện theo đúng kế hoạch, tuyến đường Đông Khê 2 có vai trò rất lớn. Tuyến đường sẽ kết nối toàn bộ khu vực Đông Nam của Hải Phòng qua cầu Rào, đường Văn Cao tới khu vực trung tâm thành phố, giao với đường Trần Bình Trọng, trở thành một trục giao thông xuyên tâm.

Tuy vậy, suốt 6 năm (từ 2013 tới 2019), dự án dậm chân tại chỗ vì khó khăn trong công tác GPMB. Đến năm 2019, thành phố quyết định giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư.

Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà thầu, giai đoạn 1 của dự án hoàn thành với tổng kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng thừa nhận: "Xét dưới góc độ giao thông, tuyến đường cần được kết nối một đầu với đường Văn Cao và phía còn lại với khu vực trung tâm thành phố mới phát huy hết vai trò của một trục giao thông".

Hơn 400 tỷ giải cứu một phần "đường làng"

Trả lời câu hỏi của PV về việc đường Đông Khê 2 được đầu tư xây dựng với kinh phí lớn nhưng hiện đang "bí đầu, tắc đuôi", đại diện UBND TP Hải Phòng cho biết, theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 của quận Ngô Quyền đến năm 2025, tuyến đường gồm 2 đoạn: Đoạn 1, có điểm đầu tại vị trí giao cắt với đường Lê Lợi, điểm cuối tại vị trí ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm - Văn Cao, quy mô mặt cắt ngang 25m, chiều dài 1.970m.

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở Hải Phòng: Tuyến đường hơn 1.300 tỷ “bí đầu, tắc đuôi”- Ảnh 2.

Rất ít phương tiện lưu thông qua tuyến đường Đông Khê 2.

Đoạn 2, có điểm đầu tại ngã 3 Trần Bình Trọng - Trần Phú, điểm cuối giao cắt với đường Lê Lợi, quy mô mặt cắt ngang 21,25m, chiều dài 260m.

Trong đó, đoạn 1 đưa vào khai thác từ năm 2022 đã dần hình thành mạng lưới giao thông nội đô, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông, giảm tải một phần cho tuyến đường Lạch Tray (giai đoạn 2 của dự án sẽ được nghiên cứu đầu tư ở thời điểm thích hợp).

"Lãnh đạo thành phố cũng đã nắm được nội dung này, tuy nhiên giai đoạn 2 của dự án chưa được bố trí nguồn kinh phí nên chưa thể triển khai.

Để kết nối 2 tuyến đường này phải có phương án băng qua đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là tuyến đường nối ra hệ thống cảng biển nên lượng xe rất lớn.

Khu vực giao cắt giữa đường Đông Khê 2 và đường Văn Cao tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm lại quá gần cầu vượt Lạch Tray, nếu làm ngã tư sẽ không phù hợp.

Phương án làm cầu vượt cũng gặp khó khăn, bởi đường dẫn cầu sẽ rất dài. Hiện, phương án làm hầm chui đang được tính đến", vị này nói.

Việc kết nối đường Đông Khê 2 với khu vực trung tâm thành phố, giao nhau với đường Trần Bình Trọng cũng rất khó.

Ông Vũ Duy Tùng, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, nếu thực hiện việc kết nối này, dự án sẽ phải GPMB tại khu vực dân cư rất đông đúc, đồng thời phải di dời ga Hải Phòng.

Theo ông Tùng, Sở GTVT Hải Phòng đã đề xuất phương án khả thi hơn là mở rộng đường Lê Lợi, đưa tuyến đường này thành đường 2 chiều thay vì 1 chiều như hiện tại để phát huy hiệu quả của tuyến đường Đông Khê 2.

Cùng đó, thành phố sẽ giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất cải tạo đường An Đà, nút giao thông Quán Mau, ngõ 40 An Đà... để phát huy hiệu quả tuyến đường Đông Khê 2.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, đề xuất Báo cáo Bộ GTVT chuyển tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh thành đường đô thị, hạn chế xe tải cỡ lớn chạy qua thành phố.

Dự kiến, khi tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ đường Bùi Viện kết nối với đường Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố sẽ báo cáo Bộ GTVT điều chuyển quốc lộ 5 đoạn từ Km 86+500 - Km 113+252 về thành phố quản lý.

Khi tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh thành đường đô thị sẽ kết nối tuyến đường Đông Khê 2 với đường Văn Cao qua nút giao có hệ thống đèn tín hiệu hoặc nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các yếu tố về giải pháp nút giao khác mức (hướng vượt trên tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.