Ngày 29/5, Công đoàn GTVT VN phối hợp với Công đoàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức Hội nghị Biểu dương công nhân lao động xuất sắc tiêu biểu năm 2018. 150 cá nhân được biểu dương tại hội nghị lần này là những tấm gương sáng, hạt nhân trong các phong trào thi đua, tiêu biểu cho tinh thần hăng say lao động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của đội ngũ CNVC-LĐ ngành GTVT.
Cần mẫn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm
Anh Nguyễn Đức Tuấn, Hạt trưởng Hạt 3 QL279, Công ty CP Đường bộ 226 (Công đoàn Cục Quản lý đường bộ I, Tổng cục Đường bộ VN) được nhiều người biết đến với sự cần mẫn, sáng tạo trong công việc. Hạt 3 được giao phụ trách bảo trì và đảm bảo ATGT 58km QL279 tỉnh Điện Biên, tuyến đường miền núi nhiều đèo dốc, tiềm ẩn những yếu tố mất ATGT, nhất là mùa bão lũ dễ xảy ra sạt lở đất đá gây tắc đường.
Trước thực trạng đó, anh Tuấn đã có sáng kiến phát quang mở cua những đoạn đường có tầm nhìn còn hạn chế, đào những vị trí chưa có rãnh dọc, rãnh ngang thoát nước, đắp các vị trí lề đường còn trũng khuyết. Chính vì vậy, tuyến đường miền núi hiểm trở này trong nhiều năm liền luôn đảm bảo ATGT, không có tai nạn xảy ra. Không những vậy, anh còn vận động bà con cùng CBCNV Hạt 3 trồng hơn 800 cây hoa ban và các loại cây khác để làm đẹp tuyến đường, đồng thời bảo vệ hành lang ATGT.
Anh Tuấn cho biết, niềm vui nhất của anh là không phải chứng kiến vụ TNGT trên cung đường do mình phụ trách. Điều đó là động lực thôi thúc các anh nỗ lực hơn trong công việc.
Rời tuyến đường núi rực sắc hoa ban, chúng tôi đến với Bệnh viện GTVT để gặp Ths. Bs. Lê Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Xét nghiệm. Đầu giờ sáng, bệnh nhân khám chữa bệnh rất đông, nhiều người xếp hàng chờ lấy nhiều mẫu xét nghiệm, BS. Huyền tất bật giám sát, kiểm tra, điều hành công việc phòng xét nghiệm, rồi trực tiếp đọc kết quả các xét nghiệm phức tạp.
BS. Huyền chia sẻ, số lượng mẫu phẩm hàng ngày rất lớn, trung bình 500 mẫu phẩm, nên đòi hỏi chị và các đồng nghiệp luôn phải có tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn xác trong công việc. Đồng thời, đảm bảo chất lượng kết quả xét nghiệm, hạn chế tối đa sai sót có ảnh hưởng tới bệnh nhân.
“Công việc áp lực, lại đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao, nhưng tôi luôn quan niệm, cứ làm việc với tất cả cái tâm của mình, trách nhiệm với công việc sẽ vượt qua khó khăn, đạt được hiệu quả tốt”, chị Huyền tâm sự.
Nếu như phòng xét nghiệm bệnh viện tĩnh lặng bao nhiêu thì nơi xưởng Cơ khí - Vỏ xe Công ty CP Cơ khí Ngô Gia Tự (Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam) lại nhiều âm thanh hỗn tạp bấy nhiêu bởi tiếng búa chát chúa, tiếng hàn xì. Tổ trưởng sản xuất Nguyễn Văn Mạnh đang miệt mài cùng anh em trong tổ hoàn thiện đầu, khung xe ô tô khách.
Anh Mạnh cho biết, xuất phát từ thực tiễn sản xuất, anh đã mày mò, có nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu, năm 2016, anh đã đề xuất và thực hiện chế tạo bộ khuôn ép khung xương cửa hầm hàng, rút ngắn thời gian gia công từ 33 công xuống còn 21 công, tăng năng suất lao động; Thực hiện chế tạo bộ khuôn ép tôn bọc modun đầu, đuôi xe kiểu dáng Universe Noble để chuyển từ sử dụng vật tư composite sang tôn ép hình đang được thị trường ưa chuộng, tạo được niềm tin với khách hàng.
Đến với những “chiến sĩ” trên mặt trận giao thông hàng không, chúng tôi gặp anh Bùi Thái Sơn, giáo viên, lái chính, Đội trưởng Đội bay A.321 phía Bắc, Đoàn bay 919, TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines). Là Đội trưởng Đội Tàu bay A.321, trong năm 2018, anh đã điều hành đội bay hoàn thành 213.990 giờ bay an toàn tuyệt đối; bản thân anh lái chính các loại tàu bay A.321, A.321Neo, bay khai thác an toàn tuyệt đối 9.005 giờ bay. Là lái chính giàu kinh nghiệm, anh đã tham gia trực tiếp đào tạo phi công của Vietnam Airlines, góp phần đào tạo nên các phi công giỏi, đảm bảo chuyến bay an toàn. Với những thành tích đã đạt được, anh được lựa chọn là đại diện cho đội ngũ công nhân lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines, tham gia Chương trình gặp mặt Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Tháng Công nhân năm 2019.
Cùng chung niềm vinh dự được tham gia Chương trình gặp mặt Thủ tướng Chính phủ với anh Sơn, anh Phạm Trung Toàn, Đội trưởng Đội 2, Trung tâm Bảo dưỡng ngoại trường TP HCM, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (Vietnam Airlines) lại là kĩ thuật viên giàu kinh nghiệm trong công tác chỉnh bị, bảo dưỡng máy bay. Với sự cần mẫn, ham nghiên cứu, sáng tạo, anh luôn là người “giải toán đố” khi gặp những hỏng hóc phức tạp, khó khăn hoặc những hỏng hóc lặp lại cần phải nghiên cứu sửa chữa kéo dài. Vì vậy, anh được đơn vị tin tưởng giao tham gia trực tiếp phục vụ kỹ thuật cho các chuyến bay thuê chuyến, đặc biệt là các chuyến bay chuyên cơ.
Thi đua phải là động lực thúc đẩy sản xuất
150 tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất được tôn vinh tại hội nghị lần này chính là hạt nhân trong các phong trào thi đua của đơn vị, đoàn kết, lôi cuốn CBCNVC-LĐ đơn vị. Các phong trào thi đua này được xây dựng, phát động bằng các nội dung, hoạt động thiết thực, cụ thể nên tạo được khí thế thi đua sôi nổi, tích cực, đem lại hiệu quả thực sự.
Năm 2018, từ các phong trào thi đua của cán bộ, CNVC-LĐ, xuất hiện nhiều tấm gương sáng, điển hình tiên tiến, xuất sắc, được Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT, Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận đánh giá cao: 24 tập thể, cá nhân được tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước; 25 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ Thi đua cấp ngành; 464 tập thể, cá nhân được Bộ GTVT tặng Bằng khen; Hơn 100 tập thể, cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch Công đoàn GTVT VN cho biết, từ mục tiêu thi đua chung của toàn ngành năm 2018 là “Phát huy truyền thống đi trước mở đường, siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm, đoàn kết sáng tạo, nâng cao hiệu quả”, Công đoàn GTVT VN và Công đoàn Tổng công ty Hàng không VN luôn chủ động phối hợp với cơ quan quản lý đồng cấp, vận động và tổ chức CNVC-LĐ hăng hái thi đua.
Theo ông Việt, phong trào thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ đã phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng chuyên ngành. Các phong trào thi đua gắn liền với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua các phong trào thi đua đã có 276 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, hợp lý hóa sản xuất được áp dụng, làm lợi trên 30 tỷ đồng; gần 150 công trình, sản phẩm tiêu biểu được gắn biển.
Ông Tạ Thiên Long, Chủ tịch Công đoàn TCT Hàng không VN cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đạt được trong phong trào thi đua, vẫn còn một số những khó khăn, hạn chế. Việc tổ chức hội nghị biểu dương CNLĐ, thi thợ giỏi ở các cấp còn ít. Một số nơi phát động thi đua còn mang tính hình thức, kém hiệu quả. Xét khen thưởng ở một số nơi chưa phản ánh đúng thực chất, người được khen thưởng chưa thực sự tiêu biểu của các phong trào thi đua. Tỷ lệ khen thưởng đối với công nhân trực tiếp còn thấp.
Theo ông Việt, để phong trào thi đua đem lại hiệu quả thực sự đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, đơn vị, các cấp công đoàn cũng như chuyên môn cùng cấp cần coi thi đua khen thưởng là một trong những biện pháp tích cực, là động lực để động viên khích lệ mọi người làm việc có hiệu quả, có trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, cổ vũ tinh thần thi đua yêu nước trong CNVC-LĐ. Việc xây dựng mục tiêu, nội dung thi đua phải phù hợp với đặc điểm và tính chất ngành nghề; chú trọng đến tính thiết thực và hiệu quả. Cần quan tâm tới các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động trong các khâu yếu, việc khó, trên các công trình phần việc trọng điểm. Xây dựng tiêu chuẩn bình xét khen thưởng cho phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm riêng của từng ngành, từng đơn vị để đảm bảo nguyên tắc khen thưởng chính xác, công khai, công bằng.
“Các tồn tại, yếu kém trong công tác thi đua - khen thưởng cần được phân tích, tìm rõ nguyên nhân và sớm được khắc phục trong thời gian tới. Làm sao để phong trào thi đua phải là động lực để thúc đẩy sản xuất, đem lại hiệu quả thực sự, chứ không phải hình thức chung chung, chạy theo thành tích”, ông Việt nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận