Theo quy định về kiểm định xe cơ giới đường bộ tham gia giao thông, các trường hợp xe ô tô khi đăng kiểm định kỳ được đơn vị đăng kiểm đánh giá không đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường buộc phải khắc phục, sửa chữa các hạng mục hư hỏng, khiếm khuyết đến khi đạt tiêu chuẩn mới được cấp chứng nhận đăng kiểm để lưu hành.
Đăng kiểm viên kiểm tra nhận dạng số khung, số máy phương tiện vào đăng kiểm - Ảnh minh họa
Thống kê của Cục Đăng kiểm VN từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy, nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất khiến phương tiện không tiêu chuẩn kiểm định gồm: hệ thống phanh, khí thải (hơn 30%), hệ thống lái, bánh xe (hơn 8%), còn lại là các nguyên nhân tổng hợp khác.
Các nguyên nhân tổng hợp khác gồm các dạng hư hỏng, khiếm khuyết nằm trong các công đoạn kiểm định khác nhau: kiểm tra tổng quát, phần trên phương tiện, hệ thống phanh, phần gầm hoặc khí thải… Tùy theo mức độ hư hỏng, khuyết khiếm của chi tiết kỹ thuật có thể dẫn đến đánh giá phương tiện đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn kiểm định.
“Nguyên tắc kiểm định xe cơ giới là đánh giá khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện theo 3 mức: không quan trọng, quan trọng đến mức có thể gây mất an toàn kỹ thuật và nguy hiểm trực tiếp gây mất an toàn kỹ thuật.
Trường hợp xe có các khiếm khuyết quan trọng, nguy hiểm buộc phải sửa chữa, khắc phục để kiểm định lại; còn trường hợp chỉ có khiếm khuyết không quan trọng được cấp chứng nhận đăng kiểm, nhưng chủ xe phải khắc phục”, lãnh đạo một đơn vị đăng kiểm tại quận Long Biên, Hà Nội cho biết.
Một số dạng khiếm khuyết vẫn được cấp chứng nhận kiểm định, theo một số trung tâm đăng kiểm: biển số xe không lắp đặt chắc chắn, màu sơn thực tế của xe không đúng với màu trên giấy đăng ký, thông tin trên cửa hoặc thành xe không đầy đủ, mặt đệm ghế ngồi bị rách, lưỡi cần gạt nước bị mòn hoặc hoạt động không trơn tru, đèn soi biển số không sáng, áp suất lốp không đúng…
Ông Trịnh Thành Công, Giám đốc trung tâm đăng kiểm 28-01S cho biết thêm, phương tiện nếu chỉ có khiếm khuyết không quan trọng được cấp chứng nhận đăng kiểm, nhưng chủ xe vẫn phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa để duy trì chất lượng phương tiện.
“Các khiếm khuyết kỹ thuật đều được đăng kiểm viên ghi nhận trong hồ sơ và thông báo cho chủ phương tiện biết. Chủ phương tiện có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục sau ngay hoặc sau khi xe được cấp chứng nhận đăng kiểm. Chẳng hạn, trường hợp xe có màu sơn khác thực tế khác với giấy đăng ký xe, chủ xe có trách nhiệm khắc phục và cập nhật lại theo đúng giấy đăng ký để đảm bảo tuân thủ quy định về phương tiện”, ông Công cho biết.
Tuy vậy, ông Công và lãnh đạo một số đơn vị đăng kiểm khác lưu ý, việc đánh giá khiếm khuyết phương tiện nằm trong đánh giá tổng thể an toàn kỹ thuật phương tiện. Do đó, nếu trường hợp xe có nhiều lỗi thuộc dạng không nguy hiểm nhưng sự kết hợp của các lỗi dạng này có thể gây ra mất an toàn khi phương tiện lưu thông, phương tiện sẽ bị đánh giá ở mức độ có khiếm khuyết nguy hiểm và phải sửa chữa, khắc phục để kiểm định lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận