Trong bối cảnh thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng cộng đồng tồi tệ nhất trong lịch sử, dưới áp lực phải lấy lại hình ảnh, những rủi ro và áp lực chính trị mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang đối mặt càng nhân lên gấp bội khi cử đội điều tra tới Trung Quốc tìm hiểu nguồn gốc Covid-19.
Nhiệm vụ phức tạp và có thể kéo dài
WHO cho biết, nội dung điều tra tập trung truy nguồn gốc động vật mang loại virus vốn được biết với tên chính thức là Sars-CoV-2. Trong tuần này, 2 chuyên gia của WHO bao gồm một người chuyên về sức khoẻ động vật và một người chuyên về dịch bệnh, được cử tới trung tâm TP Vũ Hán, gặp gỡ các nhà khoa học và bác sĩ địa phương, để bàn phương pháp nghiên cứu thông số cũng như tiếp cận dữ liệu.
Trên tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP), nhà báo kỳ cựu Josephine Ma nhận định, nếu muốn dư luận êm sóng, ở nhiệm vụ mới này, phái đoàn của WHO cần phải có những động thái hiệu quả, không nên dừng ở một số bình luận mang tính giao thiệp chung chung. Cụ thể là không quá phụ thuộc những thông tin từ báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh Trung Quốc như trong nhiệm vụ đầu tiên của phái đoàn WHO tại Trung Quốc hồi tháng 2.
“WHO cần phải đảm bảo trước thế giới rằng, họ không bị sử dụng và thực sự có quan điểm điều tra độc lập”, bà Sara Davies, một chuyên gia quan hệ quốc tế chuyên về giám sát y tế toàn cầu tại Đại học Griffith, Australia nhận định.
Để lần dấu nguồn gốc dịch bệnh, công tác điều tra đòi hỏi sự tỉ mỉ, chi tiết và có lẽ sẽ mất nhiều thời gian. Dù có trách nhiệm đưa ra đánh giá độc lập nhưng phái đoàn WHO vẫn cần quyền tiếp cận những thông tin quan trọng mà các ban ngành Trung Quốc thu thập nhờ những hệ thống giám sát dịch bệnh và theo dõi liên lạc phức tạp.
Các nhà khoa học cũng cần những mẫu vật đã thu thập được tại chợ hải sản Huanan vào thời điểm trước khi khu chợ này buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh. Những mẫu vật này có thể bị nhiễm bẩn hoặc không hoàn chỉnh nhưng ít nhất đội điều tra cần được chính mắt nhìn thấy những gì đã được thu thập.
Đáng chú ý, vấn đề khiến nhiệm vụ này phức tạp hơn hết đó là trong suốt quá trình, WHO vừa phải giữ quan hệ thân thiết với Trung Quốc để duy trì “cánh cửa hợp tác” luôn rộng mở. Điều này vừa để đánh giá và xác minh dữ liệu nhận được, đồng thời thuyết phục phía Bắc Kinh cho phép phái đoàn được đánh giá những thông tin quan trọng khác.
Điều này đòi hỏi các đặc phái viên không chỉ sở hữu năng lực đánh giá khoa học mà còn phải có khả năng ngoại giao khéo léo. Theo SCMP, hơn nửa số đặc phái viên của WHO tham gia cuộc điều tra lần này là chuyên gia Trung Quốc, còn lại là chuyên gia nước ngoài. Việc chọn các chuyên gia quốc tế có kiến thức sâu về Trung Quốc có lẽ là hiển nhiên nhưng WHO không muốn đánh liều với các dự án nghiên cứu khác cùng các đối tác Trung Quốc nên rất cẩn trọng và do dự.
Trung Quốc và thế giới cần làm gì?
Để cuộc điều tra diễn ra thực sự minh bạch và chính xác, bản thân phía Trung Quốc cần phải cởi mở để chấp chận khả năng (nếu được chứng minh) rằng Sars-CoV-2 lây lan từ động vật sang con người tại Trung Quốc.
Mặt khác, theo bà Sara Davies, Bắc Kinh nên coi việc hợp tác với WHO là cơ hội để cải thiện hình ảnh như một quốc gia thực hiện phản ứng y tế cộng đồng rất mạnh. “Trung Quốc muốn thế giới tin tưởng vaccine do mình chế tạo, được toàn cầu công nhận là lãnh đạo y tế thì việc luôn mở cửa, minh bạch và đề cao những giá trị nghiêm khắc của khoa học là điều quan trọng”, bà Davies nói.
Đồng thời, phía cộng đồng quốc tế cũng nên sẵn sàng chấp nhận nếu thực tế chỉ ra ca nhiễm đầu tiên là từ nơi nào đó trên trái đất, không phải Vũ Hán.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, bước tiếp theo là nước này muốn cuộc điều tra được mở rộng ra quy mô toàn cầu. Nhà báo Josephine Ma của SCMP cho rằng, lời kêu gọi của Trung Quốc là có lý bởi đã có một số nhà khoa học nước ngoài cho biết, họ phát hiện virus này trong rác thải tập kết từ năm ngoái.
Nhưng trước mắt, Trung Quốc cần phải giành được niềm tin nơi cộng đồng thế giới với động thái sẵn sàng chia sẻ dữ liệu với quốc tế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận