Sau 99 ngày yên ả, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên có ca nhiễm Covid-19 từ nguồn lây cộng đồng và nhanh chóng bùng phát thành “tâm dịch”.
Từ nguồn lây Đà Nẵng, một số địa phương khác như Quảng Ngãi, Hà Nội, Quảng Trị… liên tục ghi nhận thêm ca dương tính Covid-19.
Cả nước chưa thực hiện giãn cách toàn xã hội như đợt 1 nhưng nhiều địa phương đã thiết lập hệ thống ngăn ngừa, chống dịch mức độ cao nhất.
Đà Nẵng gia hạn thêm thời gian cách ly, phong tỏa nhiều khu vực, Huế lập hàng loạt chốt chặn để ngăn ngừa nguy cơ xâm lấn từ 2 “điểm nóng” ở cả 2 hướng Bắc - Nam, nhiều địa phương tuyên bố lệnh hạn chế với người từ vùng dịch trở về. Hà Nội khoanh vùng các ca lây nhiễm, bắt đầu xét nghiệm lại PCR trên diện rộng, nỗ lực truy vết các nguồn lây …
Cuộc chiến chống Covid-19 không lúc nào ngừng nhưng có thể thấy ở giai đoạn 2 này đã có sự lơi là.
Ở “trận đánh” lần này chúng ta mất vết F0. Đà Nẵng phát hiện ca dương tính trở lại vào ngày 26/7 nhưng theo lãnh đạo Bộ Y tế, thực tế nguồn lây đã có từ đầu tháng 7/2020 khiến nhiều bệnh viện Đà Nẵng trở thành “ổ dịch”.
Mới đây, ca bệnh người Hải Dương được Hà Nội công bố dương tính Covid-19, không có mối liên hệ với vùng dịch Đà Nẵng và không rõ nguồn lây, khiến mối lo này thêm thường trực.
Ca bệnh này khá tương đồng như ở Đà Nẵng, trước khi được xét nghiệm dương tính đã đi khám, điều trị ở nhiều cơ sở y tế nhưng đều bị bỏ lọt, không được khoanh vào diện nghi ngờ.
Bỏ qua “giai đoạn vàng” xác định F0, hay mỗi lần mất dấu F0 sẽ đặt cuộc chiến diệt Covid-19 vào tình thế cấp bách mới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) từng nhận định trên báo chí, đến lúc này việc truy tìm F0 của Đà Nẵng không còn nhiều ý nghĩa với chống dịch mà chỉ còn giá trị nghiên cứu khoa học.
Đà Nẵng sẽ là một bài học rất lớn, giúp các cơ sở y tế phải cảnh giác, luôn đề phòng với virus, coi đây là một bệnh dịch thường trực. Ông Nga khuyến cáo, khi người bệnh sốt, thì điều đầu tiên phải nghĩ ngay tới Covid-19 và đề nghị làm các xét nghiệm liên quan chứ không chỉ nghĩ đến sốt xuất huyết hay cảm cúm.
Cũng cần bịt “lỗ hổng” từ công tác sàng lọc, xét nghiệm khi triển khai xét nghiệm nhanh đại trà với người về từ vùng dịch. Thực tế vừa qua, việc xét nghiệm nhanh cũng phát sinh vấn đề về âm tính giả, dương tính giả. Điển hình ca bệnh 42 tuổi trú tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) được xét nghiệm nhanh trong vòng 1 tuần cho kết quả âm tính với kháng thể IgM/IgG nhưng 5 ngày sau, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp Realtime RT-PCR lại khẳng định dương tính. Các chuyên gia y tế cho rằng, việc xét nghiệm nhanh không có ý nghĩa chẩn đoán, khẳng định nhiễm virus Covid-19 hay không.
Các tỉnh, thành còn tồn đọng số lượng nhiều bộ kit xét nghiệm nhanh cần rút ra bài học của Hà Nội và không nên dùng phương pháp này đại trà, dễ gây tâm lý chủ quan cho các đối tượng nhận kết quả âm tính lần đầu.
Cũng chính vì điều này, Hà Nội buộc phải xét nghiệm lại hơn 50 ca từng xét nghiệm nhanh khiến mất công sức, thời gian cũng như có thể bỏ lỡ cơ hội vàng để khoanh vùng F0.
Lần này, người dân dường như chủ quan với dịch bệnh và các trường hợp tiếp tay chở người từ vùng dịch trốn các trạm gác không còn là hy hữu.
Đã có những chuyến xe chở người từ Đà Nẵng về Huế trót lọt hay những dịch vụ đưa người lên cao tốc đón xe đi các tỉnh, thành khác.
Dù các địa phương có dịch thắt chặt công tác phong tỏa, cách ly nhưng với địa bàn rộng nếu không có “tai mắt” của quần chúng vẫn sẽ để lọt những cá nhân thiếu ý thức, đặt ra mối họa lớn phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Với tình hình hiện nay, cần phát động chiến dịch truyền thông như giai đoạn 1 để tạo ra những chốt phòng dịch cộng đồng ngay trong người dân. Để toàn dân cảnh giác, phát hiện, giám sát các ca F1, F2 không tuân thủ cách ly, các đối tượng về từ vùng dịch không khai báo.
Hiện, nhiều chốt phòng dịch tình nguyện tại các tổ dân phố, các huyện, xã đang được kỳ vọng như những “pháo đài” ngăn ngừa Covid-19 tầm xa. Nhưng họ đang gặp khó về nhân lực, trang bị y tế hỗ trợ. Trong đó, nhu cầu nhiệt kế điện tử rất cấp thiết. Nếu chúng ta phát động cuộc chiến toàn dân, huy động được sức mạnh toàn dân chứ không trông chờ vào lực lượng chính quy thì sẽ phát hiện và ngăn ngừa Covid-19 thành công hơn hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận