Tại Chỉ thị số 06 ngày 15/2 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Theo Thủ tướng, thị trường chứng khoán đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thực chất hơn, hiệu quả và minh bạch hơn, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương kỷ luật trên thị trường, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, công tác thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng được chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Kỳ vọng dòng vốn ngoại hàng tỷ USD
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và đang đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 theo đề án của Chính phủ. Việc đưa Hệ thống giao dịch KRX vào vận hành sẽ gia tăng thêm nhiều sản phẩm và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Đáng chú ý, theo kế hoạch đến tháng 9, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ được đưa vào danh sách nhóm thị trường mới nổi để sang năm 2025 chính thức được nâng hạng lên nhóm thị trường cận biên.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán SSI dự phóng việc FTSE Russell thực hiện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi có thể diễn ra sớm nhất vào tháng 9/2024 (kịch bản tích cực) hoặc tháng 3/2025 (kịch bản cơ sở) và sẽ có hiệu lực vào 6 tháng sau đó. SSI cho biết Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức thu hút được khoảng 1,7 – 2,5 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực.
Dòng vốn ngoại sẽ đổ về thị trường chứng khoán Việt Nam để đón đầu làn sóng nâng hạng.
Khối Đầu tư chứng khoán VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn đặt niềm tin vào khả năng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam, đồng thời đánh giá cao sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam, sự gia tăng về thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu người dân, đặc biệt là khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
"Nếu TTCK Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn nước ngoài đổ thêm vào có thể lên tới 5-8 tỷ USD. Nhìn vào các quốc gia đã từng được nâng hạng TTCK, thông thường dòng vốn cả trong và ngoài nước sẽ đổ vào mạnh mẽ trong vòng 1-2 năm trước thời điểm được nâng hạng chính thức", VinaCapital nhận định.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán VPS, nhận định từ quý I/2024 khối ngoại sẽ quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam để đón đầu làn sóng nâng hạng.
"Kênh đầu tư chứng khoán có thể thu hút mạnh mẽ dòng tiền và chỉ số VN-Index có thể tăng vọt lên khu vực 1.250 – 1.350 điểm trong năm 2024", ông Khánh nói.
Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết thêm, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 có lẽ một phần sẽ nhờ vào đẩy mạnh hoạt động xây dựng, xây lắp các công trình giao thông, hạ tầng, các dự án trọng điểm quốc gia từ ngân sách nhà nước. Thanh khoản, các nút tắc nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, thị trường bất động sản đang dần được tháo gỡ và có những bước tiến quan trọng. Do vậy, môi trường đầu tư trở nên khả quan hơn không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước và kể cả các nhà đầu tư nước ngoài.
Những mã cổ phiếu được quan tâm
Đánh giá về triển vọng thị trường chứng Việt Nam sau khi FTSE nâng hạng, Tập đoàn Mirae Asset cho rằng dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không những đến từ những quỹ sử dụng chỉ số FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, mà còn những quỹ khác khi thị trường được nâng hạng.
Cũng theo Mirae Asset, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1- 2 năm, thị trường chứng khoán đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể: Qatar tăng hơn 45% từ (tháng 9/2013 - tháng 9/2014), Saudi Arabia tăng hơn 23% (tháng 3/2017- tháng 3/2018), Romania tăng hơn 18% từ (tháng 9/2018 – tháng 9/2019).
Thị trường chứng khoán được nâng hạng sẽ bật tăng mạnh mẽ.
Mirae Asset cũng dự báo các mã cổ phiếu trong danh mục hiện tại của FTSE sẽ được hưởng lợi nếu nâng hạng thành công. Trong đó, nhiều mã cổ phiếu bất động sản sẽ được hưởng lợi khi thị trường chứng khoán được nâng hạng bao gồm: VIC, VHM, VRE, KBC, DIG, DXG. Ngoài ra, cũng cần lưu tâm đến một số mã ngân hàng (VCB), hóa chất (DGC), hàng không (VJC), xây dựng (VCG), dầu khí (PVD), điện (GEX), thép (HPG), chứng khoán (SSI, VND, VCI), phân bón (DPM).
Trong khi đó, theo BSC Research, bên cạnh các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30-Index như HPG, VHM, VNM, VIC, MSN, SSI, VCB, VRE, VJC, SHB, POW, BID, STB, SAB, BVH, các cổ phiếu khác đáp ứng được tiêu chí thanh khoản, vốn hóa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng cần được lưu ý trong trường hợp Việt Nam được các tổ chức nâng hạng thị trường.
Đối với những cổ phiếu hết "room-ngoại", các nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu gián tiếp thông qua việc đầu tư CCQ ETF VN-Diamond.
Liên quan đến các nhóm ngành, trong năm 2024, phần lớn các chuyên gia đều cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm đến cổ phiếu ngành ngân hàng. Mặc dù đã ghi nhận những chuyển động tích cực từ đầu năm 2024 nhưng đây vẫn là nhóm kỳ vọng dẫn dắt thị trường, dẫn dắt dòng tiền.
Yếu tố hỗ trợ là tín dụng tăng trưởng và mặt bằng lãi suất dự báo ổn định trong năm nay. Điểm nhấn là cổ phiếu của ngân hàng có chất lượng tài sản vượt trội như VCB, ACB, MBB…
Bên cạnh đó, một số ngành khác cũng sẽ hút dòng tiền khi nền kinh tế và thị trường bứt phá như dầu khí (BSR, GAS, PVD, PVS), bất động sản (NLG, VHM), vật liệu xây dựng (HPG, HSG, NKG)…
Thanh Thắng
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận