Nhưng nay sau 10 năm thông xe, tuyến đường dài gần 50km nối TP Cần Thơ với Hậu Giang này đã mang đến sức sống mới cho vùng quê nghèo miền Tây.
Hết cảnh hoang vu nhờ có đường
Bảng chỉ hướng đường Bốn Tổng - Một Ngàn từ xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ
Đường Bốn Tổng - Một Ngàn, nay là đường tỉnh (ĐT) 919, nhưng người dân vẫn quen thuộc với tên gọi cũ, gắn liền giữa hai địa danh Bốn Tổng và Một Ngàn.
Tuyến đường dài gần 50km, bắt đầu từ QL61C, địa bàn tỉnh Hậu Giang đi qua các huyện Thới Lai, Cờ Đỏ đến Vĩnh Thạnh, kết nối với QL80 đi các tỉnh An Giang, Kiên Giang.
Ông Huỳnh Văn Hiệp, ngụ xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ kể, hơn chục năm trước khi đường Bốn Tổng - Một Ngàn chưa có, người dân xứ này chỉ có thể đi lại bằng xuồng ghe. Muốn chạy xe phải đi vòng qua các QL91, QL91B, QL80 xa hơn rất nhiều.
Lúa, trái cây… làm ra, người vùng này phải bán với giá thấp hơn ít nhất 10% so với những nơi xe cộ tới được. Bởi, vận chuyển bằng ghe xuống mất thời gian khá lâu, thương lái ngao ngán.
Dự án mở đường Bốn Tổng - Một Ngàn đi qua chủ yếu khu vực đồng ruộng hoang vắng. Mỗi dấu mốc, từ khởi công đến thi công, thông xe từng chiếc cầu luôn được người dân ghi nhớ và mong chờ.
“Hồi trước nơi này hoang vu lắm, mấy cái chợ Bà Đầm, Kênh Ngang cũng lưa thưa người bán kẻ mua. Phóng được con lộ này, bộ mặt nông thôn khác hẳn”, ông Hiệp kể.
Đối với những người đi mở đường, 10 năm đi lại con đường này cũng rất nhiều cảm xúc.
Đi đến đoạn chợ Bà Đầm, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, anh Lê Nhựt Thủ, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ kể: “Hơn 10 năm trước, khu này đâu có người ở bao nhiêu, hàng quán không có.
Anh em chúng tôi đi làm, đi kiểm tra đến trưa đói lả người mà không tìm đâu ra quán ăn. Giờ thì đông vui thế này đây”.
Với những công nhân thi công và ở lại hiện trường, anh Thủ cho biết, để nấu được một bữa cơm, mỗi ngày họ phải thay phiên nhau đi chợ rất xa, hoặc nhờ người dân đi chợ giúp.
Có khó khăn như vậy, bây giờ người dân vùng này mới thấy tầm quan trọng của một con đường và đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, công sức để xây dựng.
Thông tin thêm, anh Thủ cho hay: Ngày 2/2/2013, tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ thông xe tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn đi qua địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 49km, đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Con đường như sợi chỉ, căng ngang giữa những cánh đồng màu mỡ…
Tuyến đường hoàn thành góp phần hình thành tuyến giao thông thông suốt, nối liền các địa phương, đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện gồm: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.
Đặc biệt, tuyến giao thông Bốn Tổng - Một Ngàn còn tạo ra một hệ giao thông liên tỉnh từ huyện Tân Hiệp - Kiên Giang đi TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, rút ngắn khoảng cách đáng kể so với đi trên các tuyến quốc lộ như hiện nay.
Vùng nông thôn cất cánh
Đường Bốn Tổng - Một Ngàn đẹp yên bình
Tuyến đường Bốn Tổng - Một Ngàn có bề mặt đường rộng 11m, với 4 làn xe, toàn tuyến có 36 cây cầu, vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng.
Lúc mới khởi công, đây là một trong những dự án giao thông lớn ở Cần Thơ với vốn đầu tư cao và kỳ vọng kết nối các quận, huyện của thành phố đi các địa phương.
Đến nay, ngoài đường Bốn Tổng - Một Ngàn, các dự án đường bộ mới đang triển khai ở TP Cần Thơ cũng được kỳ vọng đưa khu vực nông thôn ở địa phương này có một diện mạo khác.
Chợ Bà Đầm, nằm cặp kênh Ô Môn là một trong những nơi mua bán đông đúc nhất trên tuyến đường này.
Các tiểu thương ở đây cho biết, đường Bốn Tổng - Một Ngàn được mở, mang lại rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển thương mại, dịch vụ.
“Hàng hóa, nông sản của bà con được mang đi xa hơn, dễ hơn rất nhiều”, một tiểu thương ở đây cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng, ở huyện Cờ Đỏ chia sẻ: “Hồi trước, chỉ nghe đi trung tâm Cần Thơ, đi Vị Thanh thấy xa xôi lắm.
Giờ nhờ con lộ Bốn Tổng mà khoảng cách nông thôn với thành thị gần hơn. Con cái đi học, đi làm, cuối tuần cũng chạy xe máy hơn tiếng đồng hồ là về tới nhà thăm cha mẹ. Có con đường, cái gì cũng thuận tiện hơn hết trơn”.
Cũng như vậy, anh Nguyễn Hoàng Minh, sống và làm việc ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ chia sẻ: “Tôi luôn có suy nghĩ một thời điểm nào đó, với một chiếc xe máy hoặc ô tô, tôi có thể đi hết đồng bằng này trong một ngày.
Khi đó, ở các nơi từ nông thôn, thành thị đều có những con đường chất lượng, xe cộ lưu thông an toàn. Mạng lưới giao thông có phát triển thì mới kéo theo kinh tế - xã hội của vùng đó phát triển.
Cùng với con đường Bốn Tổng - Một Ngàn, những dự án mới đã và chuẩn bị khởi công trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ tạo động lực cho những vùng nông thôn cất cánh. Điển hình như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chuẩn bị khởi công, đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai của TP Cần Thơ.
Dự án đường Vành đai phía Tây của TP Cần Thơ đi qua 5 quận, huyện: Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều và huyện Phong Điền cũng đang được thi công. Khi các dự án này hoàn thành sẽ là một bước đột phá cho cả thành phố, khẳng định vị trí hạt nhân đồng bằng của TP Cần Thơ.
Cùng với con đường Bốn Tổng - Một Ngàn, những dự án mới đã và chuẩn bị khởi công trên địa bàn TP Cần Thơ sẽ tạo động lực cho những vùng nông thôn cất cánh. Điển hình như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chuẩn bị khởi công, đi qua 3 huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai của TP Cần Thơ.
Dự án đường Vành đai phía Tây của TP Cần Thơ đi qua 5 quận, huyện: Ô Môn, Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều và huyện Phong Điền cũng đang được thi công. Khi các dự án này hoàn thành sẽ là một bước đột phá cho cả thành phố, khẳng định vị trí hạt nhân đồng bằng của TP Cần Thơ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận