Xã hội

Những người "bán giấc mơ" ngày đầu năm mới

02/02/2022, 11:04

Họ đi "bán giấc mơ", mang lại may mắn cho nhiều người, nhưng họ lại luôn thuộc những người nghèo nhất trong xã hội…

Những ngày đầu năm mới, trong khi đường phố vắng hoe, hàng quán đóng cửa, người dân về quê ăn Tết, hoặc ở nhà sum họp cùng người thân gia đình; thì những người bán vé số dạo lại phải vất vả mưu sinh.

img

Một người đàn ông bán số dạo dưới cái nắng gắt ngày mùng 2 Tết.

Ông Huỳnh Văn Năm (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Tết đối với những người bán vé số như chúng tui đều như ngày thường. Mùng 1 Tết năm nào cũng bán được gấp đôi ngày thường, bởi người dân thường mua nhiều hơn với hy vọng “Thần Tài gõ cửa“, đổi đời trong năm mới. Ngày thường, tui bán được khoảng 150 vé, thì hôm nay đã bán được hơn 300 vé. Bữa cơm Tết chiều nay, sẽ có thêm cá thịt”.

Bà Nguyễn Thị Út Nhỏ (59 tuổi, cũng ở Cà Mau) chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ mùng 1 và mùng 2 Tết được xem là “những ngày bội thu” của bà, có khi bán được hơn 500 tờ.

“Người mua có tâm lý “xủ quẻ đầu năm” để lấy hên, đối với họ, trúng giải mấy không quan trọng, chỉ cần trúng là được, và xem đó như “lộc trời cho” đầu năm mới. Hôm qua tui bán trúng số đầu (100.000 đồng/vé), sáng nay có khách đổi số trúng thưởng, họ lì xì cho 1 vé”, bà Nhỏ kể.

img

Ngày Tết, những người bán vé số dạo bán được gấp đôi ngày thường.

Ông Trần Thanh Sang (47 tuổi, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, do điều kiện sức khỏe, nên ông không thể đi bán dạo mà chỉ ngồi bán ở một sạp vé số ven đường thuộc QL1A. Khách vãng lai cứ đến rồi đi, có người mua, có người lựa số rồi lắc đầu.

“Tui thường nói vui: 'Mua dùm cô bác ơi. Số chọn người chứ người không thể chọn số'. Lâu nay, nghề bán vé số được ví von là đi “bán giấc mơ“, bởi nó giúp người ta có thể đổi đời trong chốc lát.

Ngày đầu năm mới, chúng tôi mong muốn ai cũng gặp may. Còn người bán như chúng tui cũng có thêm chút đỉnh thu nhập, đón xuân cùng con cháu”, ông nói.

img

Vé số có thể giúp người ta đổi đời trong phút chốc, nên đầu năm mới, ai cũng hy vọng sẽ có được may mắn. Người bán nhờ vậy cũng bán được nhiều hơn, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngồi đếm lại số tiền vừa kiếm được, ông Huỳnh Tuấn Thanh (TP Cần Thơ) hồ hởi khoe, sáng nay gặp toàn khách sộp, người nào cũng mua cả chục tờ. Chỉ trong buổi sáng, ông đã bán được hơn 300 tờ vé số, thu nhập trên 300.000 đồng.

“Tui vừa gọi điện về nhà, chút ghé chợ mua ít đồ về nấu lẩu. Quan trọng nhất là không khí sum họp gia đình, dù bữa cơm hay cuộc sống có nghèo khổ một chút vẫn được”, ông Thanh nói.

Lâu nay, vé số kiến thiết được người dân miền Tây rất ưa chuộng, và mua mỗi ngày. Mỗi tờ vé số có mệnh giá 10.000 đồng với giải đặc biệt cao nhất, nếu trúng thưởng là 2 tỷ đồng.

Vé số in xong được chuyển về các đại lý trước vài ngày so với ngày mở thưởng. Sau đó, người bán dạo sẽ đến các đại lý nhận vé số rồi túa ra khắp nơi để đi bán. Nguồn phát hành chủ yếu của xổ số cũng thông qua họ; chỉ một số ít người dân tìm mua vé số tại các sạp ven đường.

img

Một sạp vé số ven đường, thuộc QL1A đi qua địa bàn TP Cà Mau.

Bình quân, mỗi tờ vé số bán được, người dân lời được khoảng trên dưới 1.000 đồng. Mỗi ngày, một người có thể bán được từ 100-300 tờ, tương ứng với mức thu nhập 100.000 - 300.000 đồng/ngày.

Chính vì vậy, dù không có giao kết hợp đồng, nhưng hoạt động XSKT đã tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động khắp 13 tỉnh, thành ĐBSCL. Như tại Hậu Giang hiện có hơn 4.600 người bán vé số dạo; ở Trà Vinh là trên 7.000 người, còn như tại Cần Thơ là hơn 5.000 người.

Trong các đợt dịch bệnh vừa qua, hoạt động XSKT đã phải tạm dừng nhiều lần, kéo theo hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm. Các công ty XSKT đã chi ra hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ người bán dạo với số tiền từ 50.000 đồng trở lên/người/ngày. Ngoài ra, những người bán dạo còn nhận được sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giữa lúc khó khăn do dịch bệnh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.