Thời sự Quốc tế

Những người đặc biệt đam mê tàu hỏa tại Hong Kong

30/04/2023, 13:30

Với nhiều người Hong Kong, tàu hỏa không chỉ để đi lại mà còn là phương tiện mang theo ký ức, sự phát triển của xã hội trong hàng chục năm.

17 giờ liên tục đi tàu điện ngầm để sưu tầm tờ rơi về thông tin ga tàu

Anh Aaron Kei Chun, 28 tuổi, nhân viên công tác xã hội tại Hong Kong, tự nhận mình , người có tình yêu đặc biệt đối với đường sắt.

Nhớ lại những kỷ niệm mà anh cho là "điên rồ" nhất của mình khi trót yêu đường sắt, Chun kể, vào năm 2008, anh đã dành 17 giờ trong một ngày hết lên lại xuống các tuyến tàu điện ngầm để thu thập đủ 85 tờ rơi về thông tin trạm tàu đặt tại quầy phục vụ ở mỗi trạm vào thời điểm 2 công ty đường sắt của thành phố là MTR Corporation và Kowloon-Canton Railway Corporation sáp nhập.

“Tôi mua vé ngày của MTR Corporation và dừng tại tất cả các trạm trên mỗi tuyến tàu để thu thập đủ 85 tờ rơi trong một ngày”, anh Kei Chun chia sẻ.

Ngoài ra, anh Kei Chun còn sở hữu bộ sưu tập các vật dụng liên quan đến ngành đường sắt với tổng giá trị lên tới 50.000 đô la Hong Kong (6.370 USD) bao gồm mô hình tàu hỏa, ga tàu, những bộ vé tàu đặc biệt, tay vịn của một đoàn tàu đã ngừng hoạt động và biển báo lối ra mà anh lượm được từ thùng rác tại ga Fo Tan.

img

Từ trái sang: Các anh Aaron Kei, Charles Chu và Dennis Ho - những người có niềm đam mê với tàu hỏa, đứng tại ga Hung Hom MTR Station, Hong Kong (Ảnh: SCMP)

Tình yêu đặc biệt của người dân Hong Kong dành cho lĩnh vực đường sắt như anh Chun thể hiện rõ vào những dịp ra mắt đoàn tàu, chuyến tàu mới hoặc chuyến tàu cuối cùng trước khi đoàn tàu cũ gắn liền với kỷ niệm của nhiều thế hệ người dân “về hưu”.

Đơn cử như vào tháng 2, khoảng 1.000 người tập trung tại ga Siu Hong, quận Tuen Mun để “tạm biệt” những chiếc tàu hạng nhẹ Phase 2 do Nhật Bản sản xuất chuẩn bị dừng hoạt động sau 3 thập kỷ.

Hay như tháng 5/2022, hàng nghìn người dân Hong Kong tập trung tại ga Exhibition Centre háo hức muốn được lên chuyến tàu đầu tiên của tuyến East Rail chạy qua các khu dân cư Hung Hom và Kim Chung.

Dù không có số lượng thống kê chính xác, cộng đồng những người có chung niềm yêu thích đặc biệt với tàu hỏa tại Hong Kong đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, chủ yếu gồm nam giới trong độ tuổi 25 - 40.

5 trang Facebook và Instagram dành riêng cho những người có chung niềm đam mê này tại Hong Kong thu hút từ 3.000 - 32.000 người theo dõi.

Gìn giữ và phát huy lịch sử, văn hóa ngành đường sắt

Đáng chú ý là phần lớn những người đam mê với tàu hỏa, có hiểu biết sâu rộng về hệ thống đường sắt vận tải công cộng MTR Corp (đi vào hoạt động từ năm 1979) tại Hong Kong và thế giới, đều rất trẻ.

Anh Kei Chun bắt đầu bộc lộ niềm yêu thích và say mê tìm hiểu về ngành đường sắt từ khi mới 5 tuổi. Anh kể lại rằng từng xin cha mẹ đứng đợi ở ga nối giữa khu dân cư Lo Wu với khu Hung Hom thuộc tuyến đường sắt East Rail để được lên đoàn tàu mới Mid-Life Reimbursement.

Khi lớn lên, niềm đam mê của anh Kei Chun với tàu hỏa ngày càng sâu đậm và anh bắt đầu sưu tầm đồ lưu niệm liên quan đến tàu hỏa. Đồng thời, anh cũng trở thành chuyên gia “nghiệp dư” về chính sách phát triển đường sắt, cơ chế điều chỉnh giá vé.

Một người dân Hong Kong khác, anh Charles Chu Chung-siu quản lý một trang cộng đồng trên nền tảng mạng xã hội về dịch vụ đường sắt MTR. Anh Chu Chung-siu cho rằng trở thành “người hâm mộ” tàu hỏa là cách để gìn giữ và phát huy lịch sử, văn hóa ngành đường sắt của Hong Kong.

“Nhiều người có thể nghĩ rằng chúng tôi rủ nhau lên chuyến tàu đầu tiên chỉ vì niềm thích thú đơn thuần của tuổi trẻ nhưng thực ra sau mỗi dấu mốc đó ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, thời điểm một tuyến tàu mới đi vào hoạt động đánh dấu hệ thống đường sắt mở rộng, tác động lớn tới cuộc sống của người dân và môi trường, kế hoạch phát triển giao thông vận tải”, theo anh Chu Chung-siu.

Anh Dennis Ho Tsz-long, kỹ sư mô phỏng chuyến bay tại Hong kong, đồng thời là quản lý một trang Facebook chuyên chia sẻ đam mê với tàu hỏa (thu hút 3.600 người theo dõi), lại ưa thích khám phá những biện pháp gìn giữ văn hóa đường sắt thông qua nhiếp ảnh và câu chuyện lịch sử.

Anh Ho thường dành hàng giờ tìm hiểu về chiến lược phát triển ngành đường sắt của Hong Kong trên thư viện rồi chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.

Niềm đam mê của Ho với tàu hỏa bộc lộ từ khi anh mới 4 tuổi vì anh thường thích chơi với tàu hỏa đồ chơi của Nhật Bản.

Lớn lên, khi có điều kiện tới thăm Nhật Bản vào năm 2016, bên cạnh du ngoạn các địa điểm du lịch tuyệt đẹp, anh Ho đã trực tiếp khám phá hệ thống đường sắt tại xứ sở hoa anh đào. Anh Ho chia sẻ một trong những trải nghiệm “điên rồ” nhất của anh là chuyến đi Osaka vào tháng 2 vừa qua chỉ để đi một chuyến tàu trước khi đoàn tàu lâu năm “về hưu”.

“Khi một đoàn tàu dừng hoạt động, một phần lịch sử cũng lùi xa mãi mãi”, anh Ho nói mà lòng bùi ngùi tiếc nuối.

img

Mô hình tàu hỏa của anh Dennis Ho Tsz-long (Ảnh: SCMP)

Nhiều người dân có niềm yêu thích với tàu hỏa tại Hong Kong trao đổi, mua bán đồ lưu niệm trên nền tảng trực tuyến Carousell. Một trong những món đồ được tìm mua nhiều nhất là bộ mô hình tàu hỏa KCR Corp sản xuất vào năm 1999. Mới đây, một người rao bán bộ mô hình với giá 10.000 đô la Hong Kong và hết hàng trong chớp mắt vì lượng người muốn mua rất đông.

Năm ngoái, anh Cheng Ho-chung, một người yêu thích tàu hỏa tại Hong Kong đã đề nghị Công ty MTR Corp cung cấp một số bộ phận từ những đoàn tàu đã “về hưu” để trưng bày tại cửa hàng mô hình tàu hỏa của anh Chris Chuk Ka-chun - một người dân Hong Kong cũng có cùng sở thích.

Công ty đường sắt đáp ứng đề nghị trên và trao cho anh Chuk Ka-chun một cánh cửa tàu, 2 bộ ghế ngồi và rất nhiều loại tay nắm khác nhau.

“Chúng tôi hy vọng những món đồ trưng bày này sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về ngành đường sắt và thu hút ý tưởng về bảo tồn những đoàn tàu cũ”, anh Cheng cho hay.

img

Hai anh Chris Chuk và Cheng Ho-chung có niềm đam mê đặc biệt với lĩnh vực đường sắt (Ảnh: SCMP)

Một phát ngôn viên của MTR Corp cho biết công ty đã hợp tác với hơn 20 tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, cơ quan công quyền để tìm ra những biện pháp tận dụng 400 bộ phận tàu hỏa cũ từ năm 2021.

Năm ngoái, công ty cũng phát động chương trình “hồi sinh” những đoàn tàu cũ để hỗ trợ những dự án cộng đồng liên quan tới tàu hỏa.

Ông Gary Zhang Xinyu, Phó chủ tịch Tiểu ban đường sắt của Hội đồng Lập pháp Hong Kong, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút cộng đồng tham gia các dự án gìn giữ, phát huy văn hóa ngành đường sắt của thành phố.

“Những đoàn tàu cũ là một phần ký ức của rất nhiều thế hệ. Thay vì bán hoặc loại bỏ thì phương án quyên góp những bộ phận tàu hỏa cũ cho cộng đồng là cách tốt nhất để lưu giữ lịch sử và phát triển văn hóa đường sắt của Hong Kong”, theo ông Zhang Xinyu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.