Hướng dẫn phương tiện thủy tuân thủ quy tắc giao thông để qua cầu an toàn |
Luồng chạy tàu sông Lô qua cụm cầu Việt Trì bình thường đã phức tạp, đến mùa mưa lũ lại càng nguy hiểm hơn. Nhưng từ khi có sự hiện diện 24/24h của lực lượng thường trực chống va trôi, điểm đen này bớt nóng và mang lại sự yên tâm cho tàu thuyền qua lại.
Thầm lặng canh gầm cầu
Đầu giờ sáng một ngày tháng 8/2016, tôi có mặt trên tàu công tác của Đội Thường trực chống va trôi cầu Việt Trì (TP Việt Trì, Phú Thọ) dõi theo những phương tiện chở hàng từ thượng nguồn sông Lô trên đường xuôi về sông Hồng. Khoảng chục phút lại có một tàu chở vật liệu xây dựng, dăm gỗ, quặng… xuôi qua cầu về các tỉnh đồng bằng, ra các cảng biển.
Các anh ở đội công tác cho biết, phương tiện tập trung xuôi nước đông nhất từ tờ mờ sáng đến khoảng 9h, thời gian còn lại là tàu ngược lên để lấy hàng. Một phần do thói quen đón con nước trong mùa nước cạn và cũng để thời gian kịp bốc hàng nơi bến đến. Trong lúc trò chuyện, mọi người trong kíp trực vẫn ai ở vị trí đó, chăm chú quan sát từ xa sự di chuyển của phương tiện từ phía thượng nguồn.
"Công việc thường trực chống va trôi, bảo đảm an toàn đường thủy và công trình cầu vượt sông có những áp lực vô hình và sản phẩm cũng vô hình. Chúng tôi cố gắng ở mức cao nhất, phối hợp tốt nhất với lực lượng chức năng để phục vụ phương tiện qua lại cụm cầu Việt Trì an toàn, ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố." Ông Đinh Công Hòa |
Như phát hiện điều gì bất thường, thủy thủ Nguyễn Đình Chiến ra hiệu cho đồng nghiệp Trần Văn Hùng lập tức khởi động ca-nô lướt ra giữa dòng, chạy gần hai tàu chở đầy cát chuẩn bị đi vào khu vực gầm cầu. Đèn hiệu nhấp nháy, cùng tiếng còi hiệu được bật lên để thu hút sự chú ý của thuyền trưởng đang điều khiển tàu qua khu vực. “Tàu PT-1595 chú ý, đây là khu vực chống phương tiện va trôi vào cụm cầu vượt sông. Để bảo đảm an toàn, đề nghị hai phương tiện không cập mạn khi lưu thông qua khu vực. Đề nghị các thuyền trưởng tuân thủ báo hiệu giao thông”, tiếng loa của lực lượng điều tiết vang lên.
Trong lúc đó, ở trên “tàu mẹ”, chỉ huy trưởng kíp trực Nguyễn Đức Quân theo dõi sát sao các diễn biến của phương tiện trên luồng để điều động công việc nếu nhận thấy tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Cứ thế, kíp trực hơn chục người gồm những thuyền trưởng, thợ máy, thủy thủ… đều đã qua tập huấn và dày dặn kinh nghiệm sông nước nghiêm túc “ai vào việc nấy”, thầm lặng thực hiện phương án bảo vệ phương tiện, cầu vượt sông. Công việc có lúc như vô hình, nhưng đôi lúc thấy tàu qua lại đông đúc, tôi quan sát có người trong đội thường trực hiện lên sự căng thẳng qua nét mặt.
“Đang là mùa mưa lũ, nên dòng chảy bên dưới phức tạp lắm, luồng chạy tàu giữa 2 cầu xiên nhau, dễ thay đổi. Tàu thuyền lưu thông 24/24h nên lực lượng và phương tiện luôn đặt trong tình thế sẵn sàng lai dắt, ứng cứu phương tiện lưu thông trên tuyến đi qua để phòng ngừa sự cố có thể xảy ra”, ông Quân chia sẻ.
Mừng là, theo nhật ký của Đội Thường trực chống va trôi và lực lượng chức năng, sau gần hai tháng triển khai chống tàu thuyền va trôi, hơn 17.000 lượt phương tiện lưu thông qua đây được đảm bảo an toàn và cũng không có sự cố nào xảy ra với cụm cầu vượt sông.
Công việc chẳng dễ… thở phào
Ông Quách Văn Bính, thuyền trưởng tàu VP-4605 chuyên chở quặng từ Đoan Hùng (sông Lô) về Hải Dương cho biết, mùa mưa lũ năm nay chưa có đợt lũ lớn nào, nước mới chỉ dâng ở mức bình thường, nhưng luồng chạy tàu qua gầm cầu Việt Trì đã trở nên khó đi, đặc biệt là đoạn giữa cầu Việt Trì và cầu Hạc Trì. “Có thể do hai cầu cách nhau chỉ vài trăm mét, trụ cầu mới xây nằm ở phía thượng nguồn, lại đúng vào khoang thông thuyền của cầu cũ nên tạo thành dòng chảy xiên. Tàu nào chở dầm, xuôi nước mà không cẩn thận rất dễ mất lái”, ông Bính nói và cho biết, rất may có lực lượng thường trực chống va trôi ở đây thông báo số điện thoại, tờ rơi khuyến cáo đi lại tuân thủ theo báo hiệu đường thủy nên rất yên tâm.
Phó giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 1 (đơn vị thực hiện công tác chống va trôi) Đinh Công Hòa chia sẻ, đoạn luồng phức tạp này phát sinh từ năm 2015 do cầu Hạc Trì (phía thượng nguồn) và Việt Trì nằm cách nhau chỉ gần 300m nên tạo thành dòng chảy xiên. Trụ cầu Hạc Trì làm biến đổi dòng chảy, khiến phương tiện xuôi dòng phải đi theo hình chữ Z để qua cầu Việt Trì. Dòng chảy càng thêm xiết, quẩn phía thượng lưu cầu Hạc Trì là điểm cuối của sông Phó Đáy chảy ra. Năm trước, từng xảy ra hàng chục vụ tàu va quệt vào cầu, trong đó có tàu 500 tấn bị đắm, trôi và nằm vắt ngang trụ cầu Việt Trì. Chủ tàu phải mất hàng tỷ đồng và sau 5 ngày đêm mới giải phóng được tàu.
Cũng vì lý do đó, năm nay, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam mới tổ chức công tác chống va trôi tại cụm cầu trên để bảo đảm an toàn đường thủy và cụm cầu vượt sông. “Các trụ của hai cây cầu trên đều không có bộ phận bảo vệ, chống tàu thuyền đâm va nên đơn vị đặc biệt tập trung chỉ đạo công tác chống va trôi để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn. Ngoài việc thường xuyên quán triệt đội cứu hộ tuân thủ nghiêm quy trình, phương án thường trực chống va trôi, lãnh đạo đơn vị còn tổ chức kiểm tra bất thường, nhất là vào ban đêm, sáng sớm để bộ máy hoạt động vào nền nếp. Nhiệm vụ yêu cầu bảo đảm chốt trực 24/24h nên áp lực luôn vô hình”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cũng cho biết thêm, một mối lo khác là hầu hết tàu thuyền trọng tải đều từ vài trăm tấn trở lên, trong khi tại đây vẫn phổ biến tình trạng chở quá tải, nguy cơ xảy ra sự cố khi lưu thông qua cụm cầu. Bên cạnh đó, ngay tại khu vực gầm cầu tồn tại tình trạng tàu thuyền, nhà hàng nổi dừng đỗ vi phạm hành lang bảo vệ cầu, gây ảnh hưởng đến việc tàu thuyền lưu thông qua, cũng như công tác chống va trôi.
>>>Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận