Thi viết về GTVT

Những người giữ đường ray, chạy tàu xuyên làn đạn địch

30/04/2019, 10:00

Một tuần sau ngày 17/2, Trung Quốc từ Đồng Đăng tràn về Lạng Sơn, các ga Đồng Đăng, Tam Lung, Lạng Sơn tạm thời bị tạm chiếm.

img
Ông Đỗ Văn Bi (phải), nguyên cán bộ tuyến đường sắt Hà Hữu

Hàng trăm cán bộ, nhân viên đường sắt tuyến Hà Nội - Đồng Đăng trực tiếp chiến đấu giữ từng mét ray, nhà ga đường sắt và vận chuyển hàng trăm chuyến tàu trong làn đạn, pháo địch, viết nên bản hùng ca chiến tranh biên giới cách đây hơn 40 năm...

Ngày địch đổ bê tông lấn đường sắt, đêm mình lại cho người ra phá

Chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Bi, cán bộ hưu trí Công ty CP Đường sắt Hà Lạng, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên tuyến đường sắt Hà - Hữu (Hà Nội - Hữu Nghị Quan) khi cả nước vừa kỷ niệm 40 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm nay đã gần tuổi thất thập, ông Bi vẫn không quên những ngày trực tiếp tham gia bảo vệ, tổ chức phục vụ vận tải trên tuyến đường sắt trọng điểm này.

Hồi tưởng lại, ông Bi kể, khi ấy ông đang là công nhân cung thông tin tín hiệu ga Đồng Đăng, Bí thư chi đoàn khu ga Đồng Đăng, đồng thời là chi ủy viên, đại đội trưởng đại đội tự vệ ga Đồng Đăng.

“Cuối năm 1978, phía Trung Quốc gây hấn ở khu vực biên giới, cho dân binh, lính, công nhân đường sắt ban ngày ném đá, lấn đất, rồi đổ bê tông hai bên taluy đường sắt để lấn dần sang phía đường sắt Việt Nam. Phía ta, nhân dân địa phương và nhân viên đường sắt lại ném đá trở lại, ban đêm tổ chức ra phá dỡ bê tông mà địch đổ để giữ đất. Hai bên cứ giằng co như vậy trong nhiều ngày”, ông Bi kể.

Ông Lê Khắc Thét, nguyên cán bộ Trạm đầu máy Đồng Đăng chia sẻ thêm, người dân địa phương và CBCNV các đơn vị cũng thực hiện nhiều hoạt động chống lại sự phá hoại, lấn chiếm của địch ở biên giới. Không chỉ tại khu vực đường sắt, ông cùng CBCNV đường sắt còn tham gia vót chông tre, cắm chông dọc biên giới phía Việt Nam ngăn Trung Quốc tràn sang.

Từ tháng 6/1978, ngành đường sắt đã củng cố lại bộ máy chỉ huy tự vệ. Tại tuyến đường sắt Hà - Hữu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Bắc và Bộ Tư lệnh quân khu I cùng Tổng cục Đường sắt phối hợp tổ chức thành lập riêng một trung đoàn tự vệ đường sắt Hà Lạng, gồm toàn bộ lực lượng đường sắt từ ga Từ Sơn lên đến Đồng Đăng. Trung đoàn được huấn luyện, trang bị vũ khí, thành lập đầy đủ các bộ phận tự vệ chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Toàn bộ nhà ga, trụ sở các đơn vị trên tuyến đều được đào, đắp công sự chiến đấu, hầm trú ẩn và thực hiện tuần tra, canh gác, bảo vệ nghiêm ngặt.

Cuối năm 1978, Trung đoàn còn lập một trung đội Km0. Trung đội có 30 người, chốt gần vị trí cách điểm nối ray giữa đường sắt Việt Nam và đường sắt Trung Quốc. Nhiệm vụ của trung đội này là cảnh giới suốt ngày đêm. Khi tình hình cấp bách, lập tức đặt ghi trái chiều, để nếu tàu địch đánh sang sẽ bẻ ghi, tàu sẽ bị đổ ngay.

“Tất cả đều cảnh giác và nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Nên khi địch nổ súng ngày 17/2/1979, chính thức nổ ra chiến tranh biên giới phía Lạng Sơn không ai bất ngờ”, ông Bi kể và vẫn còn nhớ như in, lúc đó vào khoảng 5h sáng, ông hô tất cả anh em tự vệ cung thông tin tín hiệu khoảng 9 - 10 người rút ra cống dưới đường sắt ở đầu ghi phía Nam ga Đồng Đăng. Lúc đó đang có khoảng hơn 100 CBCNV và nhân dân ở trong cống trú ẩn.

“Thông tin liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Vì vậy, lúc có đầu máy từ ga Đồng Đăng chạy rút về xuôi, chúng tôi lên đầu máy, về ga Tam Lung, cách ga Đồng Đăng khoảng 4-5km đề tìm cách báo về điều độ. Đến ga Tam Lung, tôi đề nghị anh em nhà ga sơ tán vào hầm trú ẩn. Đồng thời, gọi điện về điều độ cấp báo tình hình. Lúc đó nhân viên điều độ tuyến cũng bất ngờ, không tin đó là sự thật. Sau đó, chúng tôi được lệnh chốt chặn tại ga Lạng Sơn, rổi tham gia ban chỉ huy quân sự đóng tại hang chùa Tiên (cách ga Lạng Sơn khoảng 1km)”, ông Bi kể.

Ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đường sắt VN cho biết, riêng ngày 17/2/1979, đã có 17 chiến sĩ tự vệ đường sắt hy sinh anh dũng, được truy tặng liệt sĩ. Sau khi chiến tranh kết thúc, đoàn công tác tử sĩ đã tìm được thi hài của 6 chiến sĩ Trung đội Km 0 hy sinh tại chỗ. Sau này Trung đội được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Tổ chức chạy tàu xuyên đạn pháo

Theo tư liệu đường sắt thời kỳ đó, Trung đội tự vệ đường sắt đoạn cầu đường Hà - Hữu có 17 người hy sinh anh dũng. Ngoài ra, còn nhiều tấm gương CBCNV đường sắt dũng cảm khác như: Anh Nguyễn Đăng Minh, công nhân gác ghi ga Tam Lung trong 3 ngày đêm chiến đấu cùng 2 đồng đội của mình kể từ 17/2 đã 9 lần nổ súng tiêu diệt 21 giặc xâm lược; Anh Lê Anh Tuấn, nhân viên phục vụ trên tàu tình nguyện sát cánh chiến đấu cùng bộ đội, giết nhiều lính Trung Quốc, bắn cháy 2 xe tăng Trung Quốc; Tài xế Vũ Minh Tiến dũng cảm bảo vệ đầu máy, ngày 17/2 đưa đầu máy 102 về ga Lạng Sơn an toàn; Phân đội trinh sát tuyến đường sắt Hà - Hữu do đồng chí Nguyễn Quốc Phòng, Bí thư Chi bộ Cung cầu Lạng Sơn phụ trách, bám chốt chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ rà phá bom mìn, khôi phục nhanh chạy tàu…
Ông Khuất Minh Trí, nguyên Chủ tịch
Công đoàn Đường sắt VN


Một tuần sau ngày 17/2, Trung Quốc từ Đồng Đăng tràn về Lạng Sơn, các ga Đồng Đăng, Tam Lung, Lạng Sơn tạm thời bị tạm chiếm. Chúng phá hủy hoàn toàn hạ tầng cơ sở, trụ sở, nhà ga các đơn vị đường sắt; Tháo toàn bộ ray từ Ga Lạng Sơn, kéo về Trung Quốc. Trên đường sắt Việt Nam khu vực này chỉ còn lại mái đá, địch còn gài mìn chi chít.

“Nhà ga Đồng Đăng, Lạng Sơn xây từ thời Pháp rất lớn, tường dày 50 - 60 cm, chúng đánh mìn, bộc phá sập hết chỉ còn là đống gạch vụn”, ông Bi buồn bã kể.

Mặc dù vậy, theo ông Bi, trong điều điện đó, ngành đường sắt vẫn bằng mọi cách tổ chức chạy tàu để đảm bảo giao thông thông suốt. Các chuyến tàu thoi từ ga Đồng Mỏ vẫn được tổ chức chạy lên phía cột tín hiệu phía Nam Ga Lạng Sơn (cách ga Lạng Sơn khoảng 1km) để vận chuyển nhân dân sơ tán về xuôi và chở bộ đội, vũ khí từ Đồng Mỏ lên Lạng Sơn phục vụ chiến đấu. Dù pháo địch bắn suốt từ sáng đến tối, toàn khu vực Đồng Đăng, Tam Lung, Lạng Sơn, thậm chí đến đầu Ga Bản Thí, CBCNV đường sắt vẫn dũng cảm chạy tàu thoi liên tục cho đến sau ngày 17/3, địch rút về Trung Quốc mới dừng.

Ông Lê Khắc Thét lúc này trực tiếp làm cán bộ trạm đầu máy tại ga Đồng Mỏ. Ông Thét kể, mỗi ngày có đến cả chục chuyến tàu chạy từ Hà Nội lên và từ Đồng Mỏ về. Tàu lên chủ yếu vận chuyển quân trang, bộ đội và lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ người dân sơ tán tại khu vực Đồng Mỏ và theo tàu thoi lên Lạng Sơn.

“Chuyến tàu nào cũng ken kín người, thậm chí nhiều người còn đu bám cả vào cửa toa tàu. Đầu máy kéo tàu khi ấy chỉ có đầu máy hơi nước, phải dừng cấp than, cấp nước dọc đường liên tục”, ông Thét chia sẻ.

Theo ông Khuất Minh Trí, trên cả hai tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn lúc đó có hơn 600 toa xe được huy động để phục vụ quân sự, vận chuyển hơn 17 vạn nhân dân sơ tán khỏi vùng chiến sự. Ngày đó đã thành lập hơn 100 chuyến tàu vận chuyển gần 23 vạn nhân dân đi sơ tán từ Phố Lu về Bảo Hà, từ Lạng Sơn về Đồng Mỏ, Bản Thí không thu tiền vé.

Cũng theo ông Trí, khi địch rút lui, ngành đường sắt ngay lập tức bắt tay khôi phục tuyến đường sắt Lạng Sơn và phía Tây. Ngày 21/3/1979, chỉ vài ngày sau khi kết thúc chiến tranh, ga Lạng Sơn đã đón chuyến tàu khách đầu tiên từ Lạng Sơn về xuôi an toàn. “Để có được điều đó có sự đóng góp không nhỏ công sức và cả xương máu của những “chiến sĩ” đường sắt trên mặt trận GTVT, góp phần viết nên bản hùng ca chiến tranh biên giới”, ông Trí nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.