Xã hội

Những người giữ lửa nghề rèn trên quê Bác

19/08/2023, 10:00

Trải qua hơn 100 năm, nghề rèn truyền thống ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An vẫn được duy trì, gìn giữ bởi những người thợ yêu nghề.

Nỗi lo thất truyền

img

Ở tuổi 83, cụ Trần Đình Thức vẫn thổi lửa, quai búa mỗi ngày.

“Ông tôi, rồi cha tôi là đệ tử của Cố Điền (lò rèn Cố Điền nằm ở làng Sen, nơi gắn bó với Bác Hồ thời niên thiếu - PV). Bà nội tôi mặc dù là con gái nhưng trước khi mất ở tuổi 92, bà là thợ cả của lò rèn gia đình”, cụ Trần Đình Thức, ở xóm Sơn 2, xã Kim Liên tự hào giới thiệu.

Vừa trò chuyện, cụ Thức vừa vung chiếc búa tạ lên cao rồi quai xuống tấm phôi thép đang đỏ rực nằm trên đe sắt.

Ở tuổi 83, nhưng những cú quai búa của cụ vẫn rất mạnh mẽ, dứt khoát khiến tấm thép cứng rắn cũng phải biến hình theo ý người thợ.

10 tuổi, cụ Thức đã theo cha học nghề. Từ 15-20 tuổi, cụ vào xưởng rèn của hợp tác xã Kim Liên sản xuất nông cụ phục vụ nông dân.

Sau đó, cụ làm công nhân cơ khí ở mỏ than Khe Bố, Nông trường 19/5 rồi đi bộ đội. Đến năm 1977 cụ ra quân, về địa phương và tiếp tục gắn bó với nghề ông cha.

Nói về nghề, đôi mắt cụ Thức như sáng lên, cụ say sưa kể việc chọn vật liệu phù hợp cho từng sản phẩm, như liềm thì dùng sắt phi 12 của Liên Xô (cũ) hoặc thép bản uốn cong; dao dùng 100% từ thép của nhíp xe ô tô thì thành phẩm sẽ cứng và bén hơn, dù giá thành cũng cao hơn.

“Nhiều người phải bỏ phụ gia vào nước nhúng sau khi tôi dao (rèn dao trong lửa), nhưng tôi chỉ dùng nước lạnh. Lúc mài chỉ cần nhìn vào ánh thép, là rèn ra được con dao màu cam, cà chua, cánh dán hay cánh chim trả”, cụ Thức chia sẻ.

Theo cụ Thức, một buổi sáng cụ có thể làm được 4 con dao, tính trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 300 - 350 nghìn đồng, so với thợ xây thì không thấp hơn là bao. Nhưng cả 4 người con trai cụ, dù đều đang làm nghề cơ khí, nhưng không ai theo nghề rèn của cha ông.

“Cứ đỏ lửa rồi quai búa suốt ngày, bọn trẻ không thích. Giờ máy móc công nghiệp đã ứng dụng vào làm hết mọi sản phẩm của làng rèn truyền thống rồi. Dao rèn không được chuộng như dao inox nữa”, cụ Thức cho hay.

Kỳ công quy trình rèn

img

Theo ông Nguyễn Văn Lương, tùy thuộc vào loại dao mà có cách bỏ thép chung hay thép mặt.

Khác với cụ Thức, nhiều sản phẩm tại lò rèn của ông Nguyễn Văn Lương (70 tuổi, ở xóm Sen 1, xã Kim Liên) được làm từ sắt nên quy trình và kỹ thuật cũng khác.

Ông Lương kể, để làm ra một con dao thông thường, người thợ sẽ sử dụng tấm phôi sắt dày 6 ly, rộng 2 phân và dài 12 phân. Đầu tiên là đốt đỏ phôi sắt, sau đó dùng chạm chẻ đôi, bỏ thép vào chính giữa rồi dạt chặt lại.

Tấm phôi mới sẽ được bôi bùn lên rồi tiếp tục đốt cháy, sau đó đập dẹt theo hình dao. Tiếp đến là khâu đập nguội, bào gọt xong thì đưa vào lò đốt để tôi dao. Sau đó tiếp tục dạt thẳng và bào gọt một lần nữa mới hoàn chỉnh.

“Với dao sắt bọc thép, tùy vào chức năng của sản phẩm mà có cách bỏ thép chung hay thép mặt. Ví dụ như dao thái rau, thịt thì bỏ thép chung, còn với những dao dùng để cắt chấu liềm, đục thì bỏ thép mặt.

Riêng với dao chịu lực, dùng để chặt xương, cây cối thì dùng hoàn toàn bằng thép. Ngoài ra, dù dao bọc thép hay thép cả thì công đoạn tôi dao là quan trọng nhất. Với dao sắt vỏ thép thì phải tôi già, còn dao thép cả thì tôi vừa đủ là được”, ông Lương chia sẻ.

Theo ông Lương, lò rèn chỉ cho thu nhập đủ sống cho gia đình, trong khi công việc thợ rèn đòi hỏi thể lực tốt, sức chịu đựng dẻo dai. Vì vậy, nhiều người không còn mặn mà với nghề nữa.

“Đi làm thợ xây, làm thuê thì thu nhập cũng như nghề rèn, mà không phải lo đầu ra sản phẩm. Vì vậy, những người lác đác còn trụ lại với bếp lửa lò rèn, đều phải rất yêu nghề, muốn gắn bó với công việc mà cha ông truyền lại”, ông Lương trải lòng.

Đưa công nghệ vào nghề rèn

img

Cụ Trần Đình Thức khoe bộ dũa dùng đề làm nghề.

Nghề rèn ở xã Kim Liên có từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những cái tên nổi tiếng như cố Điền, cố Tiễng...

Trong đó, lò rèn cố Điền được khởi dựng từ đời ông Hoàng Văn Luyến vào khoảng năm 1876. Những kỷ niệm sâu sắc thời niên thiếu tại lò rèn cố Điền đã đọng lại trong ký ức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo lời kể của các bậc cao niên, từ năm 11 - 16 tuổi, cậu bé Nguyễn Sinh Cung thường ra đây chơi, tìm hiểu.

Tại đây, cậu hay giúp đỡ cố Điền thụt bễ, đập đe và những việc khác. Cậu chăm chú lắng nghe những chuyện bàn luận của khách hàng với cụ cố Điền, thường đặt ra nhiều câu hỏi cho mọi người, bàn tán, trao đổi nhiều chuyện về vận mệnh đất nước và nhân dân.

Sau 50 năm xa cách quê hương, ngày 16/6/1957, trở về thăm quê lần đầu, khi đi từ nhà mình ra ngõ, Người chỉ tay về phía trước hỏi bà con đi bên cạnh: “Trong này có lò rèn cụ cố Điền, mấy lâu nay còn tiếp tục rèn nữa không?”…

Ngày nay, nghề rèn ở Kim Liên không còn thịnh đạt như những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Thế nhưng một số hộ dân vẫn nhóm lửa, giữ nghề của ông cha.

Đặc biệt, trải qua những giai đoạn thăng trầm, người thợ cũng đã có những thay đổi để phù hợp với thời thế.

Từ chiếc lò bễ, thổi bằng 2 ống tre, chuyển sang lò quay tay, nay là lò thổi bằng mô tơ. Ngoài những đồ nghề quen thuộc như bếp than, bệ thụt, đe, búa... thợ rèn nơi đây còn đầu tư mua sắm nhiều máy móc hiện đại như máy mài, máy hàn, máy khoan...

Nghỉ tay búa, đưa chúng tôi đi quanh một vòng lò rèn, rồi lôi các dụng cụ, máy máy móc ra giới thiệu, cụ Thức khoe: “Đừng thấy tôi 83 tuổi mà không làm được nhé. Tất cả các máy hàn, máy mài, máy khoan tôi đều sử dụng thành thục. Sau khi ra quân, tôi được người quen giới thiệu vào Sài Gòn và đã thi đậu bậc 7 thợ hàn, thợ nguội, thợ rèn và bậc 5 thợ gò”, vừa nói cụ Thức vừa bật máy hàn lên chạy đi một đường, những mối hàn thẳng tắp, đều nhau như một khiến ai cũng phải tấm tắc khen.

Được biết, trong quá trình làm nghề, để tiết kiệm thời gian, công sức lao động, cụ Thức đã sáng tạo, chế được đe máy (chạy mô tơ) để phục vụ nghề của mình.

Cụ chia sẻ: Nghề thợ rèn vất vả, khó nhọc, phải thức khuya, dậy sớm, suốt ngày tay chân, mặt mũi lấm lem, nhưng cụ vẫn yêu nghề và gắn bó đến khi “không làm được nữa thì thôi”.

Cùng với sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, áp dụng máy móc vào sản xuất, những thợ hàn ở Kim Liên đã tạo ra nhiều sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh sản xuất nông cụ truyền thống như dao, liềm, cuốc, xẻng... họ còn chế tạo ra nhiều sản phẩm mới như cào lúa, cào rơm, khuôn cắt cây chuối, thậm chí là lưỡi câu cá...

Theo ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, nghề rèn ở Kim Liên đã có cách đây hơn 100 năm. Thời kỳ hoàng kim có rất nhiều hộ dân tham gia làm nghề.

Thời chiến tranh, hợp tác xã Kim Liên còn có một xưởng rèn riêng để sản xuất nông cụ cho người dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, máy móc được ứng dụng ngày càng nhiều nên nghề rèn ở Kim Liên ngày mai một dần.

“Xã hiện chỉ còn chưa đầy chục hộ theo nghề. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động những người còn làm nghề cố gắng giữ gìn nghề của ông cha. Đặc biệt, thông qua Di tích Lò rèn Cố Điền nằm trong Khu di tích lịch sử Kim Liên để tuyên truyền, quảng bá cho thế hệ trẻ về nghề rèn ở quê hương Bác”, ông Lộc chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.