Thày Lê Thanh Nghị và em Lương Minh Hoàng chế tạo “mũ bảo hiểm thông minh” |
Tại Ngày hội ATGT đồng bào các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Hà Giang tổ chức mới đây, 10 cá nhân có thành tích trong đảm bảo TTATGT trên toàn quốc đã được trao tặng bằng khen. Họ là những người ở các địa phương khác nhau, có những công việc và gia cảnh khác nhau, nhưng đều chung nhiệt huyết tham gia đảm bảo ATGT.
Sáng tạo vì ATGT
Chiều 26/12, tại bãi giữ xe trường THCS Liên Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình, thày Lê Thanh Nghị (SN 1980), Hiệu phó nhà trường chỉ vào chiếc xe đạp điện có gắn hệ thống thông minh “không đội MBH, xe không nổ” do thày trò nhà trường sáng tạo và lắp đặt, kể: “Những lần tan trường, chứng kiến hầu hết các em học sinh đi xe đạp điện không đội MBH, trong khi có rất nhiều vụ TNGT xảy ra khiến nạn nhân chấn thương vùng đầu rất nặng, nhất là những người không đội MBH khiến tôi trăn trở làm cách nào để đảm bảo an toàn cho học sinh của mình. Cần có một hệ thống nào đó để buộc người ngồi trên xe máy, xe đạp điện muốn lưu thông phải đội MBH”.
Quá trình giảng dạy, nhận thấy em Lương Minh Hoàng là một học trò có niềm đam mê đặc biệt với kỹ thuật ứng dụng nên thày Nghị đã chọn Hoàng làm người đồng hành cùng mình. Những ngày cuối tháng 10/2016, để thực hiện ý tưởng, hai thày trò cùng nhau đi khắp nơi để tìm vật liệu phù hợp. Gần 2 tháng ròng, cứ ngoài giờ lên lớp, thày Nghị và Hoàng lại cùng nhau miệt mài lao vào mày mò nghiên cứu, rồi đi đến thống nhất sử dụng các linh kiện điện tử hỏng và phần “ruột” bộ điều khiển của chiếc ôtô đồ chơi trẻ em, bắt tay vào công tác chế tạo.
Để MBH và chiếc xe đạp điện ăn nhịp vận hành theo nguyên lý cảm biến, hai thày trò đã lắp một bộ phận điện tử có cảm biến ở ngay rìa và một công tắc nhỏ trên đỉnh MBH. Đồng thời, gắn một chiếc ăngten thu nhận sóng ở cạnh mũ và lắp một bộ biến trở (được làm bởi những linh kiện điện tử nhặt nhạnh từ những đồ bỏ đi) trong cốp xe đạp điện. Muốn xe lưu thông, người điều khiển buộc phải đội MBH để công tắc nguồn trên đỉnh mũ được tác động và khởi động, chiếc xe phát ra tín hiệu nhận “lệnh” và nổ máy. Sau đó, phát ra âm thanh tuyên truyền ATGT với nội dung: “Chúc quý khách thượng lộ bình an. Học sinh trường THCS Liên Sơn luôn chấp hành luật giao thông”.
Theo thày Nghị, đây là công trình nghiên cứu không quá khó khăn nhưng lại có ý nghĩa to lớn, giúp đảm bảo ATGT. Sáng kiến “không đội MBH, xe không nổ máy” của hai thày trò đã đoạt 2 giải Nhì trong 2 cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” do Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn và Sở Khoa học Công nghệ Hòa Bình tổ chức và đoạt giải Nhất ở thể loại Khoa giáo trong Liên hoan phim quốc gia về ATGT do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Cục CSGT tổ chức vừa qua.
Cứu người bất kể đêm ngày
Trong ngôi nhà nhỏ nằm ven QL1 tại khối 10, thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), bà Lương Thị Thon, Đội trưởng Đội Sơ cấp cứu nhân đạo của điểm sơ cấp cứu huyện Cao Lộc cẩn thận sắp xếp lại dụng cụ sơ cấp cứu vào trong chiếc túi cứu thương. Bà tâm sự: “Túi cứu thương phải luôn đầy đủ trang thiết bị để sẵn sàng cứu người bất cứ lúc nào tai nạn xảy ra”.
Ngoài thày Nghi, bà Thon, chị Tình, còn có anh Chảo Chỉn Sinh (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đã tổ chức tốt cho dòng họ thực hiện công tác đảm bảo ATGT; bà Nguyễn Thị Tâm (thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) tích cực tuyên truyền công tác ATGT, hành lang đường bộ, tham mưu ký kết đối với cán bộ và nhân dân thực hiện tốt về ATGT; ông Phùng Minh Thanh (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ) tích cực tuyên truyền ATGT, hành lang đường bộ, gia đình tự tháo dỡ 100m tường xây kiên cố giáp hành lang ATGT đường bộ; ông Hà Minh Quý (xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) Tổ trưởng Chốt sơ cấp cứu xã Đồng Tân, trong 5 năm qua, đã cùng các tình nguyện viên cứu hộ nhiều trường hợp bị TNGT, bị cảm, khai thác đá bị tai nạn... |
Chốt sơ cấp cứu huyện Cao Lộc thành lập năm 2009, có 5 tình nguyện viên chủ yếu làm nghề nông và nội trợ, mọi người làm việc trên tinh thần tự nguyện. Từ năm 2011 - 2016, chốt đã cứu hộ 26 vụ TNGT, sơ cấp cứu ban đầu và đưa 30 nạn nhân tới bệnh viện cứu chữa kịp thời.
Bà Thon nhớ lại, mùa đông năm 2010, khi đang trên đường đến UBND huyện dự cuộc họp, bà gặp vụ TNGT, người mẹ đèo cậu con trai 5 tuổi trên xe máy bị ô tô tải ở phía sau húc mạnh, cháu bé ngã xuống đường, chảy nhiều máu, bất tỉnh. Bà lập tức dừng xe, dùng băng bông sơ cứu cầm máu cho cháu bé rồi bế cháu lên xe ôm đến bệnh viện và nhờ người dân xung quanh hỗ trợ mẹ cháu bé đến sau. Nhờ được đưa tới phòng cấp cứu kịp thời, sức khỏe cháu bé dần ổn định. Lúc sau, bà mới nhớ xe máy của mình chưa rút chìa khóa còn để ở hiện trường, hoảng hốt chạy đến sân bệnh viện đã thấy xe của mình dựng đó. Thì ra, người dân đã dùng xe của bà đưa mẹ cháu bé tới bệnh viện rồi đứng chờ bà ra để trả lại xe.
Hay năm 2009, một xe ôtô bất ngờ mất lái đã đâm thẳng vào nhà dân bên đường khiến đầu xe bẹp dúm, tường nhà bị vỡ đổ ập lên thân xe. Nhận được tin, bà vội cầm túi cứu thương chạy đến hiện trường, trong xe lúc này có 4 người, trong đó có 1 cháu nhỏ bị thương nặng. “Tôi cùng tình nguyện viên Hồ Hữu Hải (SN 1954) cũng là chủ nhà đã khẩn trương cứu hộ, đưa nạn nhân ra ngoài, tiến hành sơ cấp cứu ban đầu và gọi xe cứu thương đưa tới bệnh viện. Nhưng vì vết thương quá nặng, cháu bé đã tử vong sau đó”, bà Thon buồn rầu kể.
Chồng bà Thon là ông Hoàng Văn Binh (SN 1955) đi bộ đội bị nhiễm chất độc màu da cam, sức khỏe yếu. Con trai bà là Hoàng Minh Kiên (SN 1988) cũng bị ảnh hưởng chất độc màu da cam khiến đôi tay sinh ra không có ngón. Thế nhưng, hễ thấy tai nạn là Khang lại cùng mẹ đến hiện trường, đỡ người bị thương hỗ trợ mẹ sơ cứu.
Chị Nguyễn Thị Tình tình nguyện làm gác chắn đường ngang ở Thái Nguyên |
“Barie sống” giàu ân tình
Suốt 10 năm qua, cứ đến giờ tàu là chị Nguyễn Thị Tình (bán hàng ở chợ khu Nam, TP Thái Nguyên) lại bỏ hết mọi việc, cầm ngay chiếc ô che sạp hàng chắn ngang đường dân sinh cách đường ray khoảng 4-5m, rồi dang hai tay ngăn các phương tiện dừng lại. Nhìn hành động của chị, không ai bảo ai, những người tham gia giao thông đến đây lập tức dừng xe, chờ tàu đi qua. Tàu qua, chị lại vác ô trở về chỗ ngồi tiếp tục bán hàng như thường. Những người dân nơi đây đã quen thuộc với hành động đảm bảo ATGT của chị Tình, họ gọi chị là “barie sống”.
“Thời gian đầu, mọi người bảo tôi “ôm rơm rặm bụng”, có người đi đường bị chặn lại còn phản ứng, nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả, chỉ với mong muốn góp phần kéo giảm TNGT đường sắt qua tuyến đường này”, chị Tình nói và kể, có hôm, chiếc xe taxi định qua đường ngang đúng lúc tàu sắp đi qua, chị vội vàng chạy ra đứng trước đầu xe chặn lại. Lái xe tưởng chị định tự tử, thò đầu quát lớn: “Bà bị điên à”. Đúng lúc này, tàu chạy qua, lái xe mới giật mình vội mở cửa xe xin lỗi chị.
Chồng mất vì bạo bệnh từ 10 năm nay, chị Tình một mình nuôi con gái nhỏ trong phòng trọ thuê chật hẹp giá 300 nghìn đồng/tháng. Chật vật mưu sinh nhưng chị Tình không chỉ miệt mài với công tác đảm bảo ATGT hàng ngày mà còn dành tấm lòng thiện nguyện cho các hoạt động từ thiện khác. Trong dịp được Ban ATGT tỉnh Thái Nguyên tặng bằng khen, chị gặp bà Nguyễn Thị Thụy (SN 1948, xóm Múc, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên), bà nội của hai em Dương Văn Linh (14 tuổi) và Dương Thị Trà My (12 tuổi) mồ côi cha mẹ vì TNGT. Đồng cảm trước hoàn cảnh éo le của gia đình bà Thụy, đúng 49 ngày mất của bố mẹ hai bé, chị về thăm nhà bà Thụy, xin phép được đi lại và trở thành mẹ nuôi của hai bé. Hàng tuần, chị lại sắp xếp đi gần 30km về thăm hai bé Linh, My và đón 2 bé lên ở chơi với mẹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận