Giao thông

Nhùng nhằng vốn tín dụng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

13/08/2019, 08:30

Nhà đầu tư đã góp đủ vốn chủ sở hữu, vốn hỗ trợ cho dự án Nhà nước cam kết sớm giải ngân, nhưng vốn tín dụng từ ngân hàng vẫn đang nhùng nhằng.

img
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn chưa thông vốn tín dụng

Không vay vốn tín dụng bằng mọi giá

Hôm qua (12/8), UBND tỉnh Tiền Giang và liên danh nhà đầu tư đã ký phụ lục hợp đồng BOT dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu. Cơ cấu nguồn vốn của dự án gồm: Vốn hỗ trợ của Nhà nước bằng ngân sách 2.186 tỷ đồng và vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng) là 10.482 tỷ đồng.

Động thái này được đánh giá là bước tiến lớn, tạo tiền đề để thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2020 và hoàn thành dự án vào năm 2021 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Bởi, phụ lục hợp đồng hợp đồng dự án được ký kết sẽ là cơ sở để các bên liên quan triển khai các bước tiếp theo, nhất là việc thẩm định nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng.

Trước đó, một nút thắt khác của dự án cũng đã cơ bản được khơi thông trong cuộc họp hôm 7/8 tại UBND tỉnh Tiền Giang khi đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Bộ này đã chuẩn bị sẵn kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỷ đồng hỗ rợ cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Nếu không có gì thay đổi, phần vốn ngân sách hỗ trợ cho dự án sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019”, đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, hai rào cản lớn kéo dài tại dự án đã cơ bản được tháo gỡ, hiện chỉ còn nguồn vốn tín dụng của dự án vẫn đang nhùng nhằng khi công tác thẩm định phương án cho vay tín dụng từ phía các ngân hàng vẫn chưa được xác định cụ thể.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp mới đây về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại, các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay. Đồng thời, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các đơn vị, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng khẩn trương bàn bạc, trao đổi nhà đầu tư về các điều kiện thỏa mãn cho vay theo phương án tài chính được duyệt, để tiến tới ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho dự án.

Về phía các ngân hàng thu xếp xếp vốn cho dự án, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank - ngân hàng đầu mối thu xếp vốn của dự án) cũng cho biết, Vietinbank rất quan tâm và cam kết đầu tư cho dự án. Đồng thời, Vietinbank đã chủ động mời các ngân hàng tham gia đồng tài trợ vốn cho dự án đã ký hợp đồng tín dụng với Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận từ tháng 6/2018. Đại diện Vietinbank khẳng định, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Vietinbank và các ngân hàng đồng tài trợ sẽ họp thống nhất và có văn bản gửi chủ đầu tư cam kết tiếp tục tài trợ tín dụng cho dự án.

Tuy nhiên, ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, đến nay, thời gian cho vay vốn vẫn chưa được các ngân hàng ấn định cụ thể. “Tiến độ thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2021 đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thu xếp vốn. Chúng tôi quyết tâm thực hiện dự án nhưng sẽ không vay vốn tín dụng bằng mọi giá khi phía cơ quan Nhà nước và các ngân hàng cho vay vốn chưa sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư”.

“Phía các ngân hàng tài trợ vốn đang ràng buộc quá nhiều điều kiện khó khăn, đó sẽ là hệ lụy cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án”, ông Hồng nói và cho rằng, các ngân hàng cấp tín dụng cho dự án cần có động thái, ý kiến cụ thể khi thẩm định cho vay, đồng thời xác định rõ các điều kiện cam kết cho vay phù hợp để nhà đầu tư thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND tỉnh Tiền Giang thực hiện.

img
Dự án đã được ký phụ lục hợp đồng, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 12.668 tỷ đồng

Nhà đầu tư chờ sự dứt khoát của ngân hàng

Cũng theo ông Hồng, hiện nay, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư, phê duyệt lại phương án tài chính, đặc biệt là việc cam kết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về lộ trình tăng phí (15%/3 năm) khi công trình hoàn thành đưa công trình vào sử dụng. “Nếu các ngân hàng thu xếp vốn cho dự án xét thấy vẫn còn các rủi ro cần phản hồi cụ thể hoặc báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý. Về phía nhà đầu tư, trong trường hợp không thực hiện được việc vay vốn của các ngân hàng đã cam kết tài trợ cho dự án, chúng tôi sẽ tìm nguồn vốn khác và sẽ đàm phán lại thời gian để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án trọng điểm quốc gia này”, ông Hồng chia sẻ.

Ông Hồng cho biết thêm, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia, những vướng mắc của dự án đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Tiền Giang nhanh chóng tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Tuy nhiên, để công trình thông tuyến và hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng hay không đang phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng từ phía các ngân hàng. “Chúng tôi đang chờ câu trả lời dứt khoát từ phía các ngân hàng tài trợ vốn để tránh dự án rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến tiến độ thi công khi thời gian hoàn thành công trình không còn nhiều”, ông Hồng nói.

Ngoài điểm nghẽn về nguồn tín dụng, đại diện doanh nghiệp dự án cũng còn bày tỏ băn khoăn về việc thực thi các cam kết, chính sách cho dự án từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Tiền Giang). “Chúng tôi đề nghị tỉnh Tiền Giang báo cáo với Chính phủ, Quốc hội về các diễn biến tích cực hiện nay kèm theo đó là các rủi ro có thể xảy ra trong thời gian tới, khi đã đưa công trình vào vận hành khai thác tuyệt đối không để xảy ra ách tắc, gây mất an ninh trật tự như các dự án BOT thời gian qua đã gặp phải”, ông Hồng nói.

Đề cập đến vấn đề này, ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, thời gian qua, nhiều dự án BOT giao thông xảy ra xung đột giữa chủ phương tiện và chủ đầu tư về việc điều chỉnh tăng mức phí tại các trạm thu phí theo phương án tài chính trong hợp đồng BOT nhưng gần như không có sự can thiệp của chính quyền địa phương, nơi trước đó từng trải thảm đỏ, tha thiết đề nghị đầu tư dự án. “Để tránh rủi ro, các nhà đầu tư BOT cần thận trọng khi làm việc với các bên liên quan, không vội vàng đánh đổi các nguyên tắc cam kết. Những vấn đề còn bất cập, hoặc có sự tranh chấp khi quy định chưa rõ ràng cần báo cáo cấp thẩm quyền, Chính phủ trước khi triển khai thực hiện dự án”, ông Dũng cảnh báo.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo “nóng” tại hai dự án giao thông thủ đô

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.