Căn cứ vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều chuyên gia giáo dục cùng chung nhận định, điểm chuẩn năm nay sẽ tăng hơn, tùy ngành đào tạo. Theo dự đoán ở khối (tổ hợp) A00 (toán, lý, hóa) và D01 (toán, văn, Anh), điểm chuẩn có thể tăng 0,5-1 điểm; Điểm chuẩn khối A01 (toán, lý, Anh) và B00 (toán, hóa, sinh) có thể tăng 0,2-0,5 điểm. Điểm chuẩn tăng mạnh nhất ở khối C00 (văn, sử, địa) ở mức 0,5-1,5 điểm.
Năm nay hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, tương đương 68,5% số dự thi tốt nghiệp, tăng khoảng 73.000 so với năm ngoái. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 4 lĩnh vực thu hút nhiều thí sinh nhất là Kinh doanh và Quản lý, Kỹ thuật và Công nghệ, Máy tính, Sư phạm.
Theo ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, nguyện vọng vào nhóm Sư phạm tăng 85% so với năm ngoái (tăng khoảng 200.000 nguyện vọng). Bộ chưa công bố số đăng ký cụ thể, song các trường đều nhận định nguyện vọng vào Sư phạm tăng, kéo theo điểm chuẩn dự báo tăng.
Đơn cử, Đại học Sư phạm Hà Nội, đại diện nhà trường cho biết, khoảng 40.000 nguyện vọng đăng ký vào trường (cho cả ngành đào tạo giáo viên và ngoài sư phạm), tăng tương đương mức trung bình cả nước.
Trước đó, với các phương thức xét tuyển sớm, nhà trường đã ghi nhận số nguyện vọng tăng mạnh. Thí sinh đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của trường tăng gấp 2,5 lần năm ngoái.
Đồng thời, dự kiến mức tăng chung điểm chuẩn có thể là 0,25-1 điểm. Một số ngành giảm chỉ tiêu so với năm ngoái như Sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, điểm chuẩn có thể cao hơn 1-2 điểm. Năm 2023, điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp vào trường là 18,3-28,42 điểm.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thông tin, so với năm 2023, tổng số nguyện vọng đăng kí xét tuyển năm 2024 vào các trường, khoa thành viên tăng khoảng 50.000 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 tăng khoảng 8.000.
Theo đó, tổng số thí sinh đăng kí xét tuyển vào các đơn vị trực thuộc gần 128 nghìn thí sinh, trong khi chỉ tiêu xét tuyển là 18 nghìn với số nguyện vọng đăng kí là trên 190 nghìn. Số lượng nguyện vọng 1 là gần 31 nghìn.
Các đơn vị đào tạo trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đều ghi nhận có số lượng thí sinh, số lượng nguyện vọng đăng kí tăng so với năm trước. Tuy nhiên, ở một số cơ sở, chỉ tiêu tăng nên dự báo điểm chuẩn dự báo không tăng bất thường.
Đơn cử trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tổng chỉ tiêu năm nay tăng 115% so với năm 2023. Những ngành Báo chí, Tâm lí học, Quốc tế học, Đông phương học có chỉ tiêu tuyển sinh tăng 130% so với năm ngoái. Do đó, dự báo điểm chuẩn các ngành của trường về cơ bản cũng sẽ giữ mức ổn định và có thể tăng nhẹ so với năm 2023.
Đại diện trường ĐH Thương mại cũng có dự báo về điểm chuẩn năm nay. Theo đó, những ngành top đầu của trường như Logistics và Quản lí chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Ngôn ngữ Trung Quốc (tiếng Trung thương mại) dự báo điểm chuẩn năm 2024 cơ bản ổn định và có thể tăng nhẹ so với năm 2023 ở mức trên dưới 27/30 điểm/tổ hợp.
Nhóm các ngành năm ngoái có điểm chuẩn dao động từ 26-26,5/30 điểm/tổ hợp như Kinh tế quốc tế, Quản trị kinh doanh, Kiểm toán... năm nay cơ bản giữ ổn định.
Nhóm các ngành năm ngoái có điểm chuẩn trên dưới 26/30 điểm/tổ hợp như Kế toán, Luật kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Hệ thống thông tin quản lí... cũng sẽ không có biến động nhiều. Nhóm các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP), dự kiến điểm chuẩn năm nay sẽ ở ngưỡng trên dưới 24/30 điểm/tổ hợp. Trong đó, đặc biệt các ngành như Khách sạn du lịch, Quản trị nhân lực khả năng điểm chuẩn sẽ thấp hơn cả, ở mức dưới 24/30 điểm/tổ hợp.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, từ 13-17/8, Bộ chạy chương trình lọc ảo để xác định điểm chuẩn đợt 1 đối với các trường ĐH.
Sau thời điểm này đến trước 17h ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.
Trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.
Từ ngày 28/8, các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung.
Từ tháng 9 đến tháng 12, các trường xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận