Chất lượng sống

Những phận đời “màn trời chiếu đất” giữa giá buốt đêm đông

05/02/2018, 07:30

Bất chấp cái lạnh thấu xương của đêm đông cuối năm, trên vỉa hè, góc phố Hà Nội vẫn có những nhóm người...

21

Người vô gia cư co ro trên vỉa hè TP Hà Nội trong cái lạnh dưới 10 độ C

“Ở đây lâu rồi, mùa đông rét cũng thành quen”

Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của khối không khí lạnh có cường độ mạnh tăng cường khiến nhiệt độ Hà Nội ban đêm giảm sâu ở mức 9 - 15 độ C. Vậy mà dọc theo những con phố như: Tràng Thi, Triệu Quốc Đạt, Hai Bà Trưng…vẫn không khó để bắt gặp những người lao động nghèo nằm co cụm trong những tấm chăn hoặc chùm đầu manh áo. Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau như: Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Bình… nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không có đủ tiền thuê trọ, phải dùng vỉa hè, góc tường làm nơi nghỉ qua đêm.

Hầu hết người vô gia cư trên đường phố Hà Nội đều là người già và trẻ con, không nhà cửa, không tiền bạc, nhiều người còn đau ốm, mất khả năng lao động. Để sống qua ngày, họ tìm đủ cách như bán hàng rong, nhặt ve chai, xin ăn…

Hà Nội tiếp tục rét đậm, rét hại

Từ ngày 4/2, bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đã di chuyển xuống phía Nam. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế trời tiếp tục rét đậm, rét hại; vùng núi cao có băng giá và sương muối; nhiệt độ thấp nhất ở vùng đồng bằng phổ biến 8-110C, vùng núi 5-80C, vùng núi cao dưới 30C. Riêng tại Hà Nội trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 8-110C. Đợt rét đậm, rét hại ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục kéo dài đến khoảng ngày 7/2.

Bà Hồng, 74 tuổi, quê ở Hải Dương lên Hà Nội đã 4 năm nay và cũng có ngần ấy đêm ngủ ngoài đường phố. Hàng ngày, bà đi nhặt chai nhựa, vỏ lon ở khắp các con phố và trở về “chỗ trọ” quen thuộc vào khoảng 21h. Bà bảo, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 10-20 nghìn đồng, ăn còn chả đủ, tiền đâu thuê nhà trọ! Một manh chiếu đơn trải trên vỉa hè, bó bện thêm một vài chiếc áo rét mà dân phố vứt đi, cùng tấm chăn mỏng, vậy là bà lão hơn 70 đã có cho mình một “chiếc giường” giữa đông lạnh. “Nhà tôi bây giờ chẳng còn ai. Tết này cũng chẳng có tiền mà về, đành ở đây sống qua ngày”, bà lão chia sẻ. Nói về cái rét cắt da cắt thịt của Hà Nội, bà Hồng cũng chỉ đáp qua cho xong chuyện: “Ở đây lâu rồi, mùa đông rét cũng thành quen. Bây giờ già rồi, đêm cũng không ngủ được nhiều”.

Cùng quê với bà Hồng là bà Mùi (70 tuổi). Không được may mắn lành lặn như bao người khác, bà bị tật bẩm sinh bên chân trái nên đi lại rất khó khăn. Thứ bên cạnh giúp bà đi lại dễ dàng hơn đó là chiếc gậy chống đã cũ. Không rõ là mình đã ăn ngủ trên phố Tràng Thi được bao lâu, mỗi ngày bà Hồng lại lết chiếc chân tật nguyền tới khắp các bệnh viện để xin tiền và đồ ăn từ những nhóm từ thiện. “Ai cho gì cũng nhận, cũng quý. Mình sinh ra không được như người khác, bây giờ già lại phải chịu cảnh sống không có người thân, chỗ ở. Khổ lắm cháu à!”, bà Hồng thở dài trong sương giá.   

Nằm cách bà Mùi chừng vài bước chân là ông Quỳnh, người đàn ông “lạc quan” nhất xóm vô gia cư. Trên tay cầm điếu thuốc lá hút dở, ông bảo: “Bây giờ, tôi chỉ ước sống được ngày nào hay ngày đấy, sống để tận hưởng cái cuộc sống này”. Tuy là người vô gia cư, nhưng ông Quỳnh vẫn luôn lắng nghe những tin tức thời sự diễn ra trong ngày. Ông say sưa nói về những sự kiện diễn ra trong mấy ngày gần đây. Từ chuyện tắc đường, kẹt xe đến chiến thắng lịch sử của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam…cứ như thể cái đói và cái lạnh chẳng bao giờ đến với người đàn ông ấy!

Hơi ấm của tình người trong đêm đông giá rét

Ở một góc vỉa hè Tràng Thi, một người đàn ông trung tuổi đang ngồi co ro trong chiếc vỏ chăn mỏng. Ánh mắt ông hiện lên vẻ ưu tư khi nhìn theo những dòng xe hối hả đi ngang qua phố đêm đông. Đó là ông Phạm Trung Thành, 59 tuổi, quê Quảng Bình. Ngày nào cũng vậy, ông Thành đi từ phố Tràng Thi ngược lên phố Hàng Giầy để nhặt những đôi giày cũ của các cửa hàng thải bỏ, mang về tỉ mẩn khâu vá, bán lại cho người lao động nghèo. “Đôi nào được giá cũng khoảng 30 nghìn đồng, với điều kiện giày phải còn nguyên vẹn chứ dán keo vào là họ không mua”, ông tâm sự. Tết đã cận kề, ông Thành cũng mong muốn được về quê. “Tết này là Tết thứ 3 tôi chưa được về quê. Về đến Quảng Bình tiền xe phải mất đến 480 nghìn đồng. Thôi, đành ở lại đây vậy”, ông Thành cười xòa như để xua tan nỗi nhớ nhà cuối năm.

Nán lại trên phố Tràng Thi, mới cảm nhận được tận cùng của hơi ấm tình người. Không chỉ có những người vô gia cư chia sẻ đùm bọc cho nhau mà có cả bóng dáng những nhà hảo tâm, trong đó không ít bạn trẻ thường tự bỏ tiền túi của mình ra để mua thức ăn cho những người lao động nghèo. Chị Huyền (Tây Hồ) chia sẻ: “Ban đầu, chỉ có hai vợ chồng tôi tự bỏ chi phí ra mua đồ ăn và lấy các đồ dùng không dùng đến trong nhà để giúp đỡ những người vô gia cư. Về sau, chúng tôi vận động những người trong công ty cùng quyên góp nhằm phần nào chia sẻ khó khăn cho họ”.

Theo những người vô gia cư ở đây, mỗi đêm có nhiều đoàn hảo tâm đến phân phát quần áo, chăn, rồi đến cả những đôi tất, găng tay cũ… Có đoàn đi vào thứ 3, có đoàn đi vào dịp cuối tuần. Đặc biệt vào những dịp giáp Tết, số lượng người đến làm từ thiện thường đông hơn so với những ngày thường. Chị My (Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội), một người thường xuyên mang chăn, quần áo cho những người vô gia cư cho biết: “Mặc dù cuộc sống không hơn gì so với những người xung quanh nhưng mình cũng có thể đem một chút tấm lòng chia sẻ với mọi người. Nếu không chia sẻ được tiền tài thì cũng có thể giúp sức cùng mọi người đi phân phát đồ. Theo mình, đó cũng là một việc làm ý nghĩa.”

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.