Trong cuộc chiến Covid-19, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đã tiếp nhận điều trị cho 145/288 bệnh nhân mắc Covid-19, các y bác sĩ nơi đây đã lập kỳ tích với nhiều ca nguy kịch đã hồi phục và xuất viện. TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đã có những chia sẻ về điều này.
Thưa ông, phần lớn các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng, nguy kịch được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ, ắt hẳn các y bác sĩ phải cân não rất nhiều khi đưa ra lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân?
TS. Phạm Ngọc Thạch: Đúng vậy, chúng tôi đã phải “cân não” rất nhiều trong các tình huống điều trị cho ca bệnh nặng. Khi dịch vào giai đoạn 2, trên chuyến bay với BN17 liên tục có bệnh nhân vào nhập viện với diễn biến nặng, có biểu hiện lâm sàng rầm rộ, tổn thương tương đối lớn như bệnh nhân Alex, người Anh, từ Lào Cai chuyển về có bệnh tiểu đường, tăng huyết áp. Sau đó là bệnh nhân 19 (bác của BN17), bệnh nhân Dixong John Garth, người Anh bị ung thư máu 10 năm từ Quảng Ninh chuyển lên...
Trong giai đoạn 2 có rất nhiều bệnh nhân nặng (70-80% có tổn thương tại phổi), nên chúng tôi đều chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Trong 5 ca bệnh nặng thì BN19 khiến chúng tôi phải “cân não” nhiều nhất. Ngày 7/3, bệnh nhân vào nhập viện, nhưng 9 ngày sau (16/3) bệnh nhân đột ngột tổn thương 80% phổi, gần như trắng hết 2 phổi, khó thở, sốt cao, diễn biến nặng tăng lên, điều chỉnh chế độ hô hấp nhưng không ổn được. Chúng tôi phải rất “cân não” để đi đến quyết định cho bệnh nhân thở máy khẩn cấp ngay trong đêm 16/3. Bệnh nhân tiếp tục diễn biến xấu hơn, suy thận, phải lọc máu. Hai ngày sau, bệnh nhân diễn biến nặng lên nhiều, tình trạng hô hấp rất khó khăn, làm cho tổn thương phổi lớn, lúc đó chúng tôi phải sử dụng hệ thống điều trị bằng ECMO – tim phổi nhân tạo ngoài cơ thể để điều hành.
Dù ngày 4/4 bệnh nhân đã tự thở được, cai được ECMO, nhưng 3 ngày sau, trong đêm 7/4, bệnh nhân đột ngột ngừng tuần hoàn. Trước bối cảnh ngừng tim của bệnh nhân Covid-19, chúng tôi thực sự rất lo lắng. Khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn lần thứ 3, cả kíp cấp cứu đã rất nỗ lực, đem hết mọi trí tuệ để cứu người bệnh. Rất may mắn, tim bệnh nhân đã đập trở lại, tất cả quá trình cấp cứu diễn ra gần 1 giờ. Cả kíp trực đều vô cùng vui mừng.
Nhìn lại 3 tháng qua, thực sự gọi đó là cuộc chiến cam go chưa từng có trong nhiều mùa dịch bệnh phải không, thưa ông?
TS Phạm Ngọc Thạch: Đây là một cuộc chiến vất vả nhưng để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Thủ tướng Chính phủ đã nói “chống dịch như chống giặc”, chúng tôi cũng xác định khi vào “cuộc chiến” thứ nhất còn có thể êm đềm, nhưng đến “cuộc chiến” thứ 2 giống như một cơn bão, bệnh nhân đến dồn dập nên cuộc chiến này căng thẳng và khó khăn hơn rất nhiều.
Hơn nữa, diễn biến của bệnh nhân Covid-19 rất bất thường, nhanh, gây tổn thương rất nhiều cơ quan như: não, thận, hệ tiêu hóa, tim, rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể gây ngừng tim... Do vậy, trong quá trình chăm sóc cho bệnh nhân nặng, đội ngũ theo dõi chia làm 3 ca, thường xuyên bám sát 24/24h, cả hệ thống camera theo dõi rất sát. Trong trận chiến này, BV huy động khoảng 350 người, chia làm 3 vòng vừa điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân, vừa làm công tác hậu cần...
Trong suốt quá trình tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân, ấn tượng nhất là những tình huống “thót tim” khi điều trị cho 5 ca bệnh nặng. Lúc nào cũng có 30 bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên theo dõi, chưa kể có các chuyên gia về tim mạch, tiêu hóa, tiết niệu, kể cả chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân...
Theo dõi sát sao từ khi các bệnh nhân nguy kịch, thậm chí có lúc đối mặt với tử thần đến khi họ tỉnh lại, nói được chuyện, khỏi bệnh. Và điều kỳ diệu nhất là đến thời điểm này, các bệnh nhân Covid-19 dù nguy kịch như bệnh nhân 19 từng có 3 lần ngừng tim, giờ cũng đã dần phục hồi tốt, hay hai bệnh nhân người Anh cũng rất nặng nhưng cũng phục hồi, xuất viện và đã về nước.
Là bệnh viện tuyến đầu trong các mùa dịch bệnh khác nhau, với ông mùa dịch COVID-19 có gì khác biệt?
TS Phạm Ngọc Thạch: Covid-19 lây truyền qua đường hô hấp, diễn biến của bệnh nặng, gây tử vong cao, so với các vụ dịch khác rất căng thẳng.
Hơn 3 tháng qua BV bước vào chống dịch, các bác sĩ, nhân viên y tế, lái xe, bảo vệ... đều cách ly tại BV. Đây là khoảng thời gian có lẽ dài nhất mà nhiều cán bộ y tế phải xa nhà trong nhiều mùa dịch qua.
Gần đây bệnh nhân giảm xuống, chúng tôi đã cho anh em luân phiên về nhà sau khi cách ly đủ 14 ngày. Chúng tôi xác định cuộc chiến còn kéo dài, vì tới đây còn nhiều chuyến bay đưa người nhập cảnh về, nếu nhanh có thể 3 tháng nữa mới kết thúc, nên phải luân phiên cho anh em nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, tiếp tục bước vào công việc mới.
Chúng tôi luôn xác định, trừ khi nào hết bệnh nhân, thì BV mới an toàn. Nếu còn bệnh nhân, bệnh viện vẫn trong tình trạng căng thẳng, vẫn phải duy trì các khu cách ly, ngay cả tiếp xúc trong BV vẫn phải hạn chế như thời chiến. Nếu chúng ta chỉ sơ xuất một chút là đồng đội của mình bị mắc bệnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận