Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những quan niệm sai lầm về dầu ăn của các bà nội trợ |
Theo TS. Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nhiều bà nội trợ đang có quan niệm sai lầm về dầu ăn, giữa màu dầu và chất lượng dầu. Cụ thể nhiều người cho rằng, dầu đông là dầu kém chất lượng. Điều này không đúng vì đây là đặc tính tự nhiên của các loại dầu ăn. "Các loại dầu ăn khác nhau có “điểm đông” khác nhau. Một số loại dầu chỉ cần vài phút là đông (như dầu dừa, dầu olein cọ…) nhưng cũng có loại chịu được đến vài giờ, vài ngày thậm chí vài tuần (như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu gạo...)", bà Mai nói.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, dầu đông không gây ra biến đổi về hóa học nên không làm thay đổi chất lượng sản phẩm và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thực tế, nhiều chị em đã bỏ đi chai dầu khi thấy dầu đông, điều này rất lãng phí. Nếu dầu bị đông, có thể ngâm chai dầu vào nước ấm (cần thiết có thể ngâm nhiều lần), dầu sẽ trở lại trạng thái lỏng và có thể sử dụng như bình thường. Để tránh dầu bị đông, tốt nhất là nên bảo quản dầu ở nơi có nhiệt độ khoảng 20 độ C.
Bên cạnh đó, nhiều chị em cũng cho rằng màu dầu có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm dầu. Đây cũng là quan niệm chưa đúng vì màu của dầu ăn thực tế không đồng nhất, ví như dầu đậu nành có màu vàng nhạt, dầu mè thơm có màu nâu cánh gián, dầu gạo có màu vàng sẫm. Thậm chí, thực tế trên thị trường đã từng có những sản phẩm dầu đã qua sử dụng được “tái sinh” bằng xút công nghiệp, được “biến hóa” thành dầu ăn có màu sáng, không mùi. Do đó, nếu chỉ dựa vào màu dầu thì sẽ rất khó để người tiêu dùng phân biệt được dầu nhái kém chất lượng với dầu được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chính vì vậy, theo khuyến cáo của chuyên gia dinh dưỡng, các bà nội trợ nên lựa chọn các sản phẩm có uy tín, đã qua kiểm nghiệm, tránh sử dụng các mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc để bữa cơm gia đình được an toàn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận