Thời sự Quốc tế

Những thách thức đang chờ tân Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

04/10/2021, 06:27

Sau khi ra mắt chính phủ mới, tân Thủ tướng Nhật sẽ có bài phát biểu công bố chính sách đầu tiên trước Quốc hội vào thứ 6 tuần này.

Hôm nay (4/10), Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức phiên họp bất thường. Tại sự kiện này, dự kiến ông Fumio Kishida, tân Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền, sẽ được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản và chuẩn bị thành lập nội các.

Nhiệm vụ trước mắt của ông Kishida là dẫn dắt LDP giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử đầu tháng tới, tiếp đó là trọng trách vừa phải kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong nước vừa phải khôi phục nền kinh tế.

img

Dự kiến hôm nay, ông Fumio Kishida (64 tuổi), tân Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền sẽ được bầu làm Thủ tướng Nhật Bản Ảnh: Reuters

Sớm ra quyết định tổ chức tổng tuyển cử

Trong nhiệm vụ chính trị đầu tiên, vì nhiệm kỳ hiện tại của Hạ viện Nhật sẽ hết hạn vào ngày 21/10 nên tân Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) Fumio Kishida sẽ phải sớm ra quyết định về thời gian giải thể Hạ viện để bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử và tổ chức tổng tuyển cử.

Tờ Mainichi dẫn các nguồn tin từ đảng cầm quyền và Chính phủ Nhật cho biết, ông Kishida có thể có 2 lựa chọn. Ông Kishida có thể thông báo giải tán Hạ viện vào ngày 14/10 và tổ chức bầu cử Hạ viện vào ngày 7/11.

Theo đó, chiến dịch vận động tranh cử sẽ bắt đầu vào ngày 26/10 và quá trình bỏ phiếu, kiểm phiếu sẽ diễn ra vào ngày 7/11.

Tuy nhiên, vì ông Kishida sẽ phải tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn chuẩn bị diễn ra tại thành phố Rome (Italy) trong các ngày 30 - 31/10 nên có thể lùi thời gian khởi động chiến dịch tranh cử xuống ngày 2/11 và tổ chức bỏ phiếu vào ngày 14/11.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Nhật cho biết, nếu theo kế hoạch bỏ phiếu vào ngày 14/11 thì Chính phủ Nhật sẽ không còn nhiều thời gian để soạn thảo ngân sách quốc gia cho năm tài khóa 2022.

Như vậy, từ nay đến khi diễn ra tổng tuyển cử, ông Kishida có khoảng 1 tháng điều hành đất nước. Đây là cơ hội để củng cố hình ảnh của vị lãnh đạo theo hướng đồng thuận ôn hòa, qua đó, giữ vững vị trí Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Thành lập nội các, khôi phục kinh tế

img

Ông Fumio Kishida tại trụ sở đảng Dân chủ tự do (LDP)

Theo tờ Japan Times, sau khi ra mắt chính phủ mới, tân Thủ tướng Nhật sẽ có bài phát biểu công bố chính sách đầu tiên trước Quốc hội vào thứ 6 tuần này.

Như đã hứa trong quá trình tranh cử Chủ tịch đảng LDP, ông Kishida cam kết sẽ tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu và hạn chế khoảng cách giàu nghèo.

Đây là những tín hiệu cho thấy ông sẽ phá vỡ những chính sách tân tự do mà chính quyền Tokyo theo đuổi hơn 2 thập kỷ qua.

Một gói kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ yên sẽ được tung ra để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng vì đại dịch.

Về tình hình dịch Covid-19, với khoảng 60% dân số Nhật Bản đã tiêm phòng đầy đủ và tỉ lệ lây nhiễm có xu hướng giảm, trách nhiệm của ông Kishida lúc này sẽ là tìm phương án hợp lý nhất để dần dỡ bỏ những biện pháp phòng dịch vốn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh tế - xã hội, mở cửa biên giới với nước ngoài.

Về thành phần nội các, theo tờ Japan Times, ông Kishida sẽ giữ nguyên vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi cùng các nhân sự Bộ trưởng Quốc phòng, Giáo dục… và thay đổi một số vị trí như Chánh văn phòng nội các với dự kiến bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hirokazu Matsuno, 59 tuổi.

Ông Kishida cũng có thể thay đổi nhân sự Bộ trưởng Bộ Tài chính lần đầu tiên trong gần 9 năm qua, bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Môi trường Shunichi Suzuki, 68 tuổi thay thế ông Taro Aso.

Đặc biệt, theo tờ Japan Times, tân lãnh đạo Nhật sẽ bổ sung một vị trí bộ trưởng mới chịu trách nhiệm về an ninh kinh tế nhằm đối phó với những vấn đề liên quan đến cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

Người đứng đầu cơ quan này sẽ soạn thảo chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt tình trạng thất thoát tài sản trí tuệ. Hiện chưa rõ ứng viên sẽ giữ vị trí này.

Về quan hệ ngoại giao, tương tự hai lãnh đạo tiền nhiệm Yoshihide Suga và Shinzo Abe, ông Kishida khẳng định, Nhật Bản sẽ tiếp tục hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, phần lớn được coi là để kiềm chế những động thái của Bắc Kinh trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, thể hiện quan ngại về tình hình căng thẳng tại Eo biển Đài Loan.

Cũng theo Japan Times, ông Kishida sẽ củng cố quan hệ ngoại giao với Mỹ, củng cố quân sự và giải quyết vấn đề Triều Tiên khi nước này vừa nối lại các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo thời gian qua.

Ông Kishida (64 tuổi), sinh ra ở tỉnh Hiroshima trong một gia đình có truyền thống chính trị, cha và ông nội đều từng là nghị sĩ.

Giai đoạn 1999 - 2011, ông Kishida kinh qua nhiều vị trí quan trọng trong nội các và đảng cầm quyền, trong đó có vị trí Quốc vụ khanh phụ trách Okinawa và Vùng lãnh thổ phương Bắc vào năm 2007, Bộ trưởng phụ trách vấn đề tiêu dùng vào năm 2008 và Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc hội của LDP vào năm 2011.

Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng dưới thời chính quyền cựu Thủ tướng Shinzo Abe và giữ chức vụ này cho tới tháng 8/2017.

Ông cũng đã nắm cương vị quyền Bộ trưởng Quốc phòng trong khoảng thời gian ngắn từ cuối tháng 7/2017 đến đầu tháng 8/2017. Sau khi rời nội các năm 2017, ông Kishida có thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của LDP.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.