William James Sidis - người có chỉ số IQ cao nhất trong lịch sử thế giới
William James Sidis (1898 - 1944) là con của vợ chồng Mỹ gốc Do Thái, cả cha và mẹ ông đều có trí tuệ nổi trội. Ông Boris, cha của William, là giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Havard. Còn mẹ của ông, bà Sarah là một bác sỹ tài năng.
Cậu bé William sớm bộc lộ tài năng trí tuệ thiên bẩm khi 18 tháng tuổi, cậu có thể đọc báo thành thục; hai tuổi cậu bé tự học tiếng La tinh; lên ba, William có thể nói được tiếng Hy Lạp và tự đánh máy các bức thư. Năm 8 tuổi, William đã chứng minh được tài năng toán học thiên phú bằng cách phát triển một bảng logarit mới dựa trên con số 12. Lên 9 tuổi, William tham gia phát biểu tại một hội nghị nghiên cứu không gian ở Đại học Harvard. Hai năm sau, cậu nhóc 11 tuổi đã vinh dự trở thành sinh viên trẻ nhất trong lịch sử trường đại học danh tiếng Harvard.
Nhiều giáo sư ở Harvard kể lại, từ khi lên 8, William đã đủ trí thông minh và kiến thức để học tại đại học này. Nhưng lúc này vóc dáng cơ thể của cậu "chưa phù hợp" để đủ điều kiện học đại học. Chính vì vậy ban giám hiệu quyết định, William phải đợi thêm ba năm nữa mới được học ở ngôi trường danh giá này.
William James Sidis. (Ảnh: Wikipedia) |
William tốt nghiệp Harvard năm 16 tuổi, 4 năm sau, ông trở thành giáo sư toán tại trường ĐH Rice, Mỹ. Nhưng khi bị quá nhiều sinh viên châm chọc, William đã từ bỏ sự nghiệp dạy học và quay lại Harvard để học luật, điểm khởi đầu cho một giai đoạn sóng gió trong cuộc đời của ông.
Các bài test cho thấy chỉ số thông minh của William đạt 250-300, được công nhận là người thông minh nhất trong lịch sử thế giới. Ngoài tài năng về toán học, ông còn thông thạo 8 loại ngôn ngữ khác nhau và viết rất nhiều cuốn sách khoa học có giá trị.
Năm 1919, William bị bắt khi tham gia cuộc diễu hành chống chiến tranh tại Boston. Ông bị kết án 18 năm nhưng được cha của ông giúp ra tù. Song vì quá lo sợ con trai mình sẽ lầm đường lạc lối, mẹ và cha của William liên tục kiểm soát, theo dõi và cấm đoán ông giao lưu kết bạn với những người lạ, cha ông lại có một quyết định sai lầm khi đưa ông vào viện điều trị tâm thần hơn một năm. Quá chán nản, ông từ bỏ toán học và chuyển sang viết sách. Ông lạc lối từ đây.
Năm 1925, ông xuất bản cuốn sách về vũ trụ học, trong đó ông dự đoán về các hố đen trong vũ trụ nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ của giới học giả. William qua đời vì xuất huyết não vào năm 1944 khi mới 46 tuổi.
Nathalia Crane - thần đồng văn thơ
Sinh năm 1913 tại vùng Brooklyn, Nathalia Crane là một trong những nhà thơ trẻ nhất thế giới được biết đến. Những sáng tác đầu tiên của cô ngay lập tức gây chú ý dư luận. Khi mới 9 tuổi, các bài thơ của Crane đã được tờ New York Sun mua bản quyền để xuất bản.
Đến năm lên 10, "tài năng nhỏ" này đã tạo ra tác phẩm cực kỳ ăn khách lúc bấy giờ có tên “Romance”, miêu tả lại cuộc phiêu lưu kỳ thú của một thiếu nữ xinh đẹp tới hòn đảo của các thiên thần.
Đến năm 1925, khi mới 12 tuổi Crane được bầu làm thành viên chính thức của “hội nghệ thuật Hoa Kỳ”. Từ đấy, cứ mỗi năm, thần đồng thơ văn lại đều đặn cho ra đời những tác phẩm xuất chúng. Cô nhanh chóng trở thành niềm tự hào của cả nước Mỹ, nhiều người còn gọi yêu Crane là: “Đứa trẻ vàng của Brooklyn”.
Nathalia Clara Ruth Crane. (Ảnh: Wikipedia) |
Nhưng khác với nhiều thần đồng đương thời, Crane không còn một chút thơ ngây của trẻ em, cách suy nghĩ của cô bé già dặn hệt như một người trưởng thành. Những câu trả lời phỏng vấn của Crane với báo giới luôn sắc sảo, khôn ngoan, với giọng điệu thấm đẫm sự từng trải. Đặc biệt, cô bé còn mạnh dạn chia sẻ quan điểm của mình về tình yêu, hôn nhân, tình dục.
Chính từ suy nghĩ này với tài năng "không thể tin nổi", một số nhà thơ đã nghi ngờ tài năng của Crane chỉ là trò bịp bợm. Nhà phê bình thơ Edwin Markham cho rằng: “Một đứa trẻ 12 tuổi không thể nào có một kiến thức rộng lớn như vậy. Hiểu biết trong các bài thơ của Crane trải dài từ kiến thức lịch sử, khảo cổ, tình yêu, hôn nhân. Đó thực sự quá nhiều, tôi tin đây là sự hợp sức của rất nhiều cá nhân và Crane chỉ là người đại diện”.
Một số bài báo ác ý hơn cố chứng minh rằng cha mẹ của Crane mới chính là chủ nhân của các tác phẩm và đứa con gái chỉ là bình phong đánh lừa dư luận. Quá mệt mỏi trước những công kích, Crane buông xuôi công việc sáng tác, và các tác phẩm ít dần. Từ khi trở thành giáo viên tiếng Anh của Đại học San Diego, Crane cũng đoạt tuyệt vĩnh viễn với thơ văn. Kể từ đó cô sống một cách thanh đạm, khiêm tốn, luôn cố gắng tránh xa những ồn ào của xã hội.
P.V (Tổng hợp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận