• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Gương sáng giao thông

Những “thiên thần cứu hộ” và nguyên tắc “5 không”

12/07/2020, 15:41

Gần 2 năm qua, Đội hỗ trợ sơ cứu Angel không quản ngại khó khăn, luôn sẵn sàng cứu giúp các nạn nhân không may gặp TNGT ở Thủ đô.

Anh Phạm Quốc Việt, người sáng lập Đội hỗ trợ sơ cứu Angel sơ cứu cho nạn nhân bị TNGT trên đường

“5 không, 5 vì”

Khoảng 19h35 tối 25/5, khi vừa chuẩn bị ăn cơm, anh Trương Văn Kính bất ngờ nhận tin nhắn Facebook của một người bạn báo có nạn nhân bị TNGT ở gần cây xăng Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội cần hỗ trợ. Chưa kịp ăn cơm, anh Kính lại vội vàng cầm theo túi sơ cứu, đi xe đến hiện trường.

Khoảng 10 phút sau, khi đến hiện trường, quan sát thấy nam thanh niên bị thương khá nặng, anh Kính vội quay ngang xe nhằm cảnh báo cho các phương tiện khác, đồng thời gọi cấp cứu 115. Trong lúc chờ đợi, anh Kính trấn an nạn nhân để họ biết mình đã an toàn, đỡ nạn nhân dậy, đưa về tư thế phục hồi theo đúng hướng dẫn sơ cấp cứu người bị nạn, sát trùng vết thương hở trên mặt. Một lát sau, xe cấp cứu tới, anh cùng các bác sĩ đưa nạn nhân lên xe đến bệnh viện. “Chiếc xe rời đi, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Trở về nhà, cơm canh đã nguội nhưng tôi lại thấy ngon hơn, vui vẻ vì mình đã làm được điều ý nghĩa cho cuộc sống”, anh Kính chia sẻ.

Anh Kính chính là một trong những thành viên của Đội hỗ trợ sơ cứu Angel (tiếng Anh có nghĩa là thiên thần - PV), do anh Phạm Quốc Việt (33 tuổi, quê Nam Định, tài xế xe ôm công nghệ) là người sáng lập.

Anh Việt kể, trưa 22/5, nhận thông tin có vụ tai nạn tại đường Láng Hạ gần khu vực anh đang đợi khách nên liền quay xe đến hiện trường.

Vụ tai nạn xảy ra khi một chiếc xe máy đi với tốc độ cao đâm vào cô gái đang dắt xe đạp qua đường, khiến tay trái nạn nhân bị bỏng độ 2 và chân trái bị gãy. Sau khi tiến hành sơ cứu cho nạn nhân, người nhà cô gái cũng vừa đến. “Tối đó, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn cảm ơn từ người thân nạn nhân khiến tôi rất vui và là động lực để tôi cùng các anh em trong Đội cố gắng hơn nữa trong việc cứu giúp người”, anh Việt chia sẻ.

Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Phan (trú tại Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết mình là người thân của cô gái nói trên, hiện sức khỏe nạn nhân đã ổn định nhưng vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. “Tôi thay mặt gia đình cảm ơn anh Việt và Đội hỗ trợ sơ cứu đã sẵn lòng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc cứu giúp những nạn nhân bị TNGT, đây là hành động hết sức ý nghĩa, nhân văn”, ông Phan nói.

Theo anh Việt, trong suốt 2 năm tham gia sơ cứu nạn nhân TNGT, có không ít lần anh bị hiểu lầm là kẻ xấu nhưng điều đó không làm anh nản lòng. Còn nhớ, tối 24/12/2018, đang lưu thông trên đường Yên Lãng, anh thấy một nam thanh niên điều khiển xe máy Exciter phóng vụt qua đến ngã tư bất ngờ phanh gấp, ngã xuống đường. Dừng xe cảnh báo có tai nạn, anh tiến lại gần nạn nhân phát hiện nạn nhân bị mất rất nhiều máu và có dấu hiệu say xỉn.

“Tôi đỡ nạn nhân ngồi dậy và bảo anh đang bị thương rất nặng để tôi giúp anh nhưng thanh niên này không đồng ý, nói với giọng lè nhè “đừng động vào tao” rồi đấm một phát vào mặt khiến tôi xây xẩm. Người dân xung quanh thấy thế bảo tôi cứ mặc kệ, nhưng với kinh nghiệm của mình, tôi biết, nếu không cầm máu nhanh thì chỉ 15 phút nữa, thanh niên này có thể chết vì mất máu quá nhiều”, anh Việt nhớ lại.

Tiếp tục thuyết phục nạn nhân, anh Việt bất ngờ khi nam thanh niên kia mở điện thoại gọi cho đám bạn nhậu báo “có thằng cướp xe tao” rồi đứng dậy, lảo đảo rút trong túi đeo chéo ra một con dao bầu, lăm lăm giơ về phía anh Việt. Trước tình huống ấy, anh Việt buộc phải gọi điện nhờ công an phường đến hỗ trợ và đưa thanh niên kia đến bệnh viện để xử lý vết thương.

Anh tâm sự, ngay từ khi bắt đầu thành lập Đội, anh đã nhắc nhở mọi người khi tham gia hỗ trợ sơ cứu nạn nhân luôn ghi nhớ tôn chỉ hoạt động với 5 không: “Không bỏ rơi - Không thu phí - Không phân biệt - Không tranh cãi - Không kết án” và 5 vì: “Vì cộng đồng - Vì người thân - Vì xã hội - Vì bản thân - Vì thế hệ sau”.

Nhân rộng mô hình, lan tỏa cộng đồng

Anh Việt chia sẻ, năm 2016, anh gặp tai nạn ở Tuyên Quang, nằm bất động trên đường dù vẫn còn tỉnh táo. Rất nhiều xe đi qua nhưng không ai dừng lại giúp anh, cho đến 15 phút sau, thấy chiếc xe tải từ xa đi tới, chỉ sợ họ không quan sát kịp có thể cán qua người mình, anh đã dồn hết sức lực, giơ cánh tay lên báo hiệu và nhờ giúp đỡ.

“Được cứu sống nhưng những phút cô độc nằm trên đường hi vọng có người cứu giúp ấy vẫn luôn ám ảnh tôi. Tôi không muốn ai bị nạn cũng phải trải qua cảm giác bị bỏ rơi như mình”, anh tâm sự.

Trước đây, câu hỏi tôi nghe nhiều nhất mỗi khi về thăm nhà là “Làm có được nhiều tiền không? Cứu người như thế có được tiền đâu mà làm”, nhưng sau này, nhờ báo chí và các bài viết trên mạng xã hội chia sẻ về công việc cứu người của tôi và các thành viên, mọi người đã hiểu hơn. Những câu hỏi kia không còn nữa, thay vào đó là “Con (cháu) cứu được nhiều người chưa? Có vất vả lắm không”, gia đình cũng rất ủng hộ và tự hào về tôi.
Anh Phạm Quốc Việt


Một năm sau, anh từ Tuyên Quang xuống Hà Nội chạy xe ôm công nghệ kiếm sống. Nhìn thấy người gặp nạn trên đường, anh đều dừng xe giúp đỡ. Vì bản thân từng có thời gian ở quân ngũ, được đào tạo về kỹ năng sơ cấp cứu, gia đình lại có truyền thống là bác sĩ, anh tích lũy được khá nhiều kiến thức y khoa. Mỗi khi ra đường, anh đều mang theo túi đựng dụng cụ sơ cứu, dán logo chữ thập đỏ để tránh hiểu lầm và dễ dàng trong việc cứu giúp các nạn nhân.

Tháng 9/2019, anh đứng ra thành lập Đội hỗ trợ sơ cứu Angel ban đầu có 5 thành viên. Nhờ khóa đào tạo kỹ năng sơ cứu Survival Skills Vietnam (SSVN - Kỹ năng sinh tồn Việt Nam) do công ty xe ôm công nghệ tổ chức, anh có thêm nhiều kiến thức để chỉ dẫn lại cho các thành viên.

Đi đến đâu, gặp đồng nghiệp nào, anh cũng giới thiệu về Đội, về công việc cứu người và rủ mọi người cùng chung tay giúp sức. Đến nay, sau gần 3 năm hoạt động, Đội đã có 50 thành viên, trong đó có 2 nữ, hầu hết đều làm xe ôm công nghệ và có mặt ở khắp nơi trên địa bàn Hà Nội cùng một số tỉnh lân cận. Hàng tuần, các thành viên trong Đội sẽ gặp nhau một lần để tổng kết và trang bị thêm những kiến thức về sơ cứu.

Khi nhận tin có tai nạn, anh sẽ nhìn định vị của các thành viên qua app trên điện thoại và gọi thành viên ở gần hiện trường nhất đến hỗ trợ. Việc đầu tiên của các tình nguyện viên, thành viên của nhóm là chụp ảnh nạn nhân gửi vào nhóm chat chung. Các bức ảnh sau đó được chuyển tới công an, người nhà nạn nhân để họ nắm tình hình. Ngoài ra, đó còn là căn cứ giúp những người có kiến thức y khoa giỏi, nhận định tình trạng của người gặp nạn để điều phối và tư vấn cho người ở hiện trường.

Dù Đội đã có 50 thành viên nhưng anh Việt vẫn mong muốn sẽ có thêm thật nhiều những thành viên khác tham gia, đặc biệt là những sinh viên ngành Y, có kiến thức và muốn nâng cao tay nghề thông qua sơ cứu thực tế cho các nạn nhân bị nạn trên đường. Anh cũng cho biết mong muốn được phối hợp với các ban, ngành, trung tâm cấp cứu 115, tất cả người dân để ai biết nơi đâu có nạn nhân cần được giúp đỡ sẽ báo đến Đội theo số hotline 0822.510.628 để thành viên ở gần nhất, đến nhanh nhất cứu giúp nạn nhân trong lúc chờ xe cứu thương tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.