Đêm trên công trường cầu vượt đường sắt Đồng Nai |
Chúng tôi đến công trình thi công cầu vượt đường sắt Đồng Nai vào một ngày tháng 5/2014, cách đây tròn một năm. Cũng với cái nắng như đổ lửa của mảnh đất phương Nam, những kỷ niệm về sự cần cù, lăn lộn như con thoi của những người thợ cầu chợt ùa về trong tôi, đầy ắp...
Vào điểm “nóng”
Trước khi đi, ông Nguyễn Doãn Bính, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Công trình 525 chia sẻ, dự án này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với Đồng Nai, TP HCM và các tỉnh phía Nam, bởi nó nằm ngay nút giao điểm nóng giữa QL1, tại Km1821. Đây còn là cửa ngõ phía Bắc đi TP HCM, nơi có lưu lượng phương tiện giao thông dày đặc và thường xảy ra ách tắc mỗi khi có tàu hỏa đi qua.
Chính vì vậy, sau khi có chủ trương xây dựng cầu vượt, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Nai phải chuẩn bị thủ tục rất khẩn trương để gấp rút triển khai thi công. Công trình được khởi công ngày 5/10/2013, tuy nhiên do vướng mặt bằng nên đến đầu tháng 12/2013 mới chính thức thi công.
Công trình cầu vượt đường sắt Đồng Nai được khởi công ngày 5/10/2013 và hoàn thành ngày 6/10/2014. Công trình có tổng chiều dài 1.040m, trong đó phần cầu chính 244m, nằm ngay nút giao giữa QL1 (tại Km 1821) và đường sắt Bắc - Nam (tại Km1650) thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. |
“Dù địa hình phức tạp, dân cư đông đúc, vừa thi công vừa đảm bảo giao thông, nhưng thời hạn thi công chỉ trong vòng 9 tháng kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, vì vậy chúng tôi tập trung chỉ đạo rất quyết liệt. Anh em công nhân làm liên tục không ngơi nghỉ để đảm bảo tiến độ”, ông Bính nói.
Và đúng như lời vị Tổng giám đốc nói, trưa tháng 5 thời tiết nóng như lửa đốt. Trên công trường, những người thợ cầu vẫn miệt mài làm việc với nhịp độ khẩn trương. Anh Lê Hữu Phước, Phó chỉ huy công trường đang chỉ đạo lao dầm nhịp số 1 lau vội mồ hôi trên trán, chia sẻ: “Đơn vị đã huy động 5 đội thi công mạnh với tổng quân số 120 người cùng nhiều thiết bị đặc chủng. Do tiến độ rất bức bách nên ngay từ ngày đầu, Ban chỉ huy công trường đã tổ chức 3 ca làm việc xuyên ngày đêm. Mỗi đội đảm trách một hạng mục, tuy nhiên vẫn có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu”.
Tại mố cầu phía Nam, Đội Xây lắp 7 do anh Lê Thanh Hà làm Đội trưởng đang căng cáp dầm bản bê tông cốt thép dự ứng lực và Đội Xâp lắp 2 do anh Đàm Văn Dũng làm Đội trưởng tiến hành đổ bê tông dầm. Đội trưởng Lê Thanh Hà cho biết, bình quân mỗi ngày hai đội sản xuất được một dầm. Với tổng số 121 dầm của cây cầu, tôi nhẩm tính, nếu làm liên tục không nghỉ thì ít nhất phải mất bốn tháng cả hai đội mới đúc xong ngần ấy dầm. Đó là chưa kể các hạng mục chính khác như mố trụ, mặt cầu, tường chắn, đường dẫn… Vào nghề làm cầu tại Công ty 525 đến nay đã trên dưới 24 năm, Lê Thanh Hà là người từng trải và có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thi công. Rời quê Hà Tĩnh ngần ấy năm, nhưng vợ và hai con gái của anh, một đứa học lớp ba, một đứa học mẫu giáo vẫn ở sống ở quê nhà.
Hà tâm sự: “Nghề cầu nay đây mai đó, công trường là nhà nên vợ con sống ổn định ở quê là thuận tiện nhất”. Trước khi đến với công trình cầu vượt đường sắt Đồng Nai, Hà đã từng tham gia thi công hàng chục công trình cầu có quy mô lớn như cầu Tuyên Sơn, cầu Nam Ô, cầu Sông Cái (Đà Nẵng), cầu Hương An (QL1A - Quảng Nam), cầu vượt đường sắt Hà Tây, cầu cảng Hòn La (Quảng Bình)… và gần đây nhất là cầu Trà Lọt (QL1A - Tiền Giang). Hầu hết các công trình anh đều phụ trách khâu sản xuất dầm và đội của anh luôn vượt tiến độ. Trong đó, cầu Nam Ô vượt bốn tháng, cầu vượt Hà Tây vượt ba tháng, cầu Sông Cái vượt 8 tháng…
Tôi hỏi: “Vậy cầu vượt đường sắt Đồng Nai liệu có vượt tiến độ không?”. Hà cười hiền: “Nếu tính toán thời gian thì sít soát, nhưng bọn em sẽ phấn đấu rút ngắn để đáp ứng yêu cầu chung của công trình”.
Để đảm bảo về trước thời hạn, Đội bố trí lán trại, bếp ăn, cấp dưỡng cho anh em ăn nghỉ tại công trường; tổ chức thi công hợp lý, làm tăng ca tăng giờ. Hà nói: “Mình phải sắp xếp đan xen giữa thợ bậc cao với thợ bậc thấp để có sự dìu dắt, học hỏi lẫn nhau”. Ngoài ra, các loại vật tư luôn được Đội tập kết sẵn tại chân công trường để khỏi bị động; rồi đến việc sắp xếp mặt bằng, lắp đặt thiết bị sản xuất sao cho thuận tiện, an toàn, cung cấp ánh sáng đầy đủ để làm đêm… Tất cả đều phải đồng bộ để guồng máy sản xuất hoạt động một cách nhịp nhàng, hiệu quả. “Khi thi công dầm đúc tại chỗ hoặc đúc hẫng đều cần tiến hành kỹ các bước gia công thép. Mình phải xử lý các góc uốn thật chuẩn, đai nào lắp trước, đai nào lắp sau để khỏi vướng, như vậy tiến độ mới nhanh được”, Hà nói.
Đêm không ngơi nghỉ
Ba giờ chiều, bỗng nhiên một trận mưa rào ập đến. Cả công trường phủ trắng trong mưa, anh em công nhân tại các mũi thi công phải tạm lánh vào lán trại trú tránh. Lê Hữu Phước, Phó chỉ huy công trường lo lắng nói: “Chiều nào cũng vậy anh ạ. Mưa đến phải tạm ngừng công việc vì nếu làm sẽ ảnh hưởng không tốt chất lượng công trình và không an toàn”.
Tối hôm đó, chúng tôi quyết định ở lại công trường để chứng kiến cảnh làm đêm của thợ cầu 525. Trước khi vào ca đêm, anh em công nhân được phát mỗi người một ổ bánh mì thịt. Tôi cũng được một ổ. Chúng tôi ngồi ăn ngon lành ngay trên công trường. Lê Hữu Phước cho biết, công ty lo cho cán bộ công nhân ăn ngày ba bữa đầy đủ tại chỗ, tuy nhiên làm đêm thì có bồi dưỡng thêm để anh em có sức mà lao động. “Đêm nay bọn em tiến hành đổ bê tông bản mặt tường chắn đường dẫn phía Nam cầu vượt. Mùa hè làm đêm năng suất hơn vì thời tiết mát mẻ anh ạ”, anh Phước nói.
Trời vừa nhá nhem tối, cả công trường được chiếu sáng bởi hàng chục bóng điện. Ánh sáng đèn điện trộn lẫn những tia lửa hàn liên tục lóe lên từ tổ làm cốt thép cùng tiếng xe máy ì ầm trên các mũi thi công cứ lan tỏa làm cho không khí công trường càng trở nên sôi động.
Tại chân cầu phía Bắc, chúng tôi gặp ông Lê Quang, Chủ tịch UBND phường Xuân Bình, thị xã Long Khánh lúc ông đang mục sở thị việc làm đêm của anh em thợ cầu. Ông Quang nói: “Công trường nằm ngay địa bàn phường Xuân Bình nên lãnh đạo phường phân công nhau đến coi có gì phát sinh vướng mắc mặt bằng để cùng đơn vị thi công tháo gỡ”. Ông còn cho biết, khi mới triển khai thi công, dân hai bên đường phản đối, cản trở dữ lắm vì bụi bặm và ảnh hưởng công việc kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, chính quyền địa phương nhiều lần giải thích, vận động nên dần dà dân hiểu ra và chấp hành di dời bàn giao mặt bằng. “Nhà nước làm cầu vượt ở đây là quá đúng, vì đây là điểm nóng mất an toàn và ách tắc giao thông mà”, ông Quang phấn chấn.
Trời dần về khuya nhưng công trường vẫn giữ nhịp độ thi công không ngưng nghỉ. Kỹ sư Lê Hữu Phước di chuyển trên công trường như con thoi. Anh cho biết, theo kế hoạch còn 5 tháng nữa công trình sẽ phải hoàn thành, thông xe nên từ nay đến đó đơn vị sẽ tập trung cao độ để đưa công trình về đích đúng hẹn. Và lời hẹn đó đã thành hiện thực, ngày 6/10/2014, cầu vượt đường sắt Đồng Nai đã hoàn thành, từng đoàn xe nối đuôi nhau qua cầu giữa rừng cờ hoa, trong niềm hân hoan phấn khởi của chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận