Không nơi thường trú vẫn được cấp thẻ căn cước
Theo dự thảo Thông tư (có hiệu lực từ ngày 15/5) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước, Bộ Công an hướng dẫn nhiều nội dung liên quan việc tiếp nhận và xử lý thông tin về căn cước của cơ quan, tổ chức, cá nhân; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú; cấp, cấp đổi, cấp lại căn cước cho các trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin...
Đáng chú ý, Thông tư này chỉ ra các nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú. Cụ thể, thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ.
Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có nơi thường trú nhưng có nơi tạm trú, thông tin nơi cư trú trên thẻ sẽ ghi nơi tạm trú của người được cấp thẻ.
Nếu người đó không có nơi thường trú hay tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký cư trú, thông tin nơi cư trú ghi trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ đã được cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Còn trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước không có thông tin về nơi cư trú trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan chức năng phải hướng dẫn họ làm thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú hoặc khai báo cư trú.
Khi nào công an đến nhà cấp thẻ căn cước?
Về tổ chức thu nhận hồ sơ cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước lưu động khi cần thiết, Thông tư nêu rõ cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thẻ căn cước tại cơ quan, tổ chức khi có văn bản đề nghị và có đủ điều kiện về phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực thực hiện.
Đối với người già yếu, bệnh tật, ốm đau, khuyết tật mà không thể đi lại, cơ quan quản lý căn cước có đủ điều kiện (phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, nhân lực) thì sẽ tổ chức cấp thẻ căn cước tại chỗ ở của công dân.
Ngoài ra, khi thông tin nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán không có hoặc không thu thập được đầy đủ địa danh hành chính cấp xã, huyện và cấp tỉnh, cơ quan chức năng cần yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ thể hiện các thông tin trên để cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.
Còn trường hợp giấy tờ, tài liệu do người dân cung cấp không thể hiện rõ địa danh hành chính, cơ quan quản lý căn cước yêu cầu người dân cung cấp thông tin và có văn bản cam kết đối với các thông tin đã cung cấp.
Khi đó, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý hộ tịch kiểm tra, xác minh trước khi cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm tính chính xác, thống nhất.
Tích hợp chứng minh nhân dân 9 số ra sao?
Nội dung khác được nhiều người quan tâm liên quan việc liên thông giữa thẻ căn cước mới và giấy tờ cũ cũng được dự thảo Thông tư đề cập.
Theo đó, thông tin số chứng minh nhân dân 9 số sẽ được mã hóa, tích hợp trong mã QR trên thẻ căn cước. Cơ quan, tổ chức, cá nhân quét mã và sử dụng thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số để giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch...
Khi có nhu cầu, công dân yêu cầu xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân trực tiếp tại cơ quan công an nơi cư trú hoặc gửi yêu cầu qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an hoặc qua ứng dụng VNeID.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan quản lý căn cước nơi công dân cư trú có trách nhiệm cấp xác nhận thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số, số định danh cá nhân.
Trường hợp thông tin số chứng minh nhân dân 9 số chưa được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan công an có trách nhiệm tra cứu, xác minh để cấp xác nhận thông tin về số chứng minh nhân dân 9 số, số định danh cá nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận