Việc Iran triển khai số lượng lớn UAV và tên lửa tấn công Israel đêm 13/4 được đánh giá là mang lại những ưu thế chính trị và quân sự chưa từng có.
Đáng chú ý, đây là vụ tấn công bằng UAV do một nước thực hiện nhằm vào một nước khác lớn nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên Iran tấn công kẻ thù lớn nhất sau gần 50 năm.
Bản thân việc đặt tên cho chiến dịch trả đũa của Iran là True Promise [Lời hứa thực sự - ND] đã cho thấy giới chức Iran, đặc biệt là lãnh tụ tinh thần tối cao Ayatollah Ali Khamenei, muốn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế rằng họ rất nghiêm túc trong việc thực thi cam kết "trừng phạt thích đáng" Israel và các đồng minh.
Bên cạnh đó, quy mô cực lớn của đợt tấn công lần này cho thấy Iran muốn thể hiện khả năng răn đe chiến lược sau rất nhiều lần nhượng bộ trước những chính sách đối đầu ngày càng gia tăng cùng với các cuộc tấn công quân sự của Mỹ và các đồng minh trong khu vực, đặc biệt là sau vụ Mỹ phóng tên lửa tiêu diệt tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khi ông này đang có mặt tại Iraq hồi tháng 1/2020.
Trong suốt thời gian đó, Iran dường như đã thực thi chính sách "kiên nhẫn chiến lược". Báo Al Jazeera cho rằng việc ẩn nhẫn chờ thời, chỉ tiến hành các vụ tấn công quy mô nhỏ lẻ dường như khiến Iran mất nhiều hơn được trên cả bình diện khu vực và trên thế giới.
Hơn nữa, Iran hoàn toàn có thể viện cớ Israel đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Vienna khi Tehran cáo buộc nước này phát động tấn công Đại sứ quán Iran ở Syria, trích dẫn Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc để bảo vệ "quyền tự vệ hợp pháp" – điều mà chính Israel cũng lôi ra làm cớ khi tấn công vào Dải Gaza.
Về mặt quân sự, vụ tấn công Israel được đánh giá là lần thử nghiệm khả năng tác chiến thực tế lớn nhất của các loại UAV và tên lửa của Iran bao gồm UAV cảm tử Shahed, tên lửa đạn đạo tầm xa Emad và tên lửa hành trình Paveh.
Theo Tư lệnh IRGC Hossein Salami: "Chiến dịch tấn công của chúng tôi đã đạt được thành công ngoài mong đợi" và mục tiêu mà Iran nhắm đến là các căn cứ quân sự như căn cứ không quân Nevatim ở sa mạc Negev nơi Israel dùng để phóng vú khí tấn công Đại sứ quán Iran.
Về mặt kinh tế, vụ tấn công đáp trả Israel của Iran đã khiến thị trường khu vực chịu nhiều tác động khi đồng ngoại tệ leo thang do lo ngại khả năng xung đột có thể bùng phát thành chiến tranh.
Cụ thể, đồng rial của Iran đã rơi xuống mức kỷ lục là 670.000 rial đổi 1 USD trong ngày 14/4 trước khi phục hồi đôi chút. Tờ Tasnim của Iran cũng ghi nhận rất ít giao dịch đổi ngoại tệ và mua bán vàng diễn ra ở Tehran và các thị trường khác do bầu không khí căng thẳng sau vụ tấn công nói trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận