Nhân kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Giao thông xin điểm lại những sự kiện nổi bật về những “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Ngày 15/4/1865, Gia Định Báo ra đời tại Sài Gòn |
Tờ báo quốc ngữ đầu tiên
Ngày 15/4/1865, Gia Định Báo ra đời tại Sài Gòn. Ban đầu Gia Định Báo phát hành ở 3 tỉnh miền Đông Nam bộ - vùng chiếm đóng của Pháp, phát hành 1 kỳ/ tuần. Tờ báo này có 2 phần: Phần Công vụ chuyên đăng tải các công văn, nghị định, thông tư của Chính phủ Pháp; Phần Tạp vụ, ngoài tin tức trong nước còn đăng tải văn xuôi bằng chữ quốc ngữ, cổ động học chữ quốc ngữ, những bài khảo cứu, nghị luận, thơ ca…
Các nhà nghiên cứu sau này đã nhận định, “khách quan mà xét thì Gia Định Báo đã mở đường cho việc phổ biến chữ Quốc ngữ, để khi các nhà nho yêu nước giành lấy vũ khí này thì nó đã có tác động thật to lớn”. Ngày 1/1/1910, Gia Định Báo đóng cửa.
Tờ báo kinh tế đầu tiên
Nông Cổ Mín Đàm (uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) là tờ báo tiếng Việt do Paul Canavaggio - một chủ đồn điền và thương gia người đảo Corsica, hội viên Hội đồng Thuộc địa Nam Kỳ làm chủ nhiệm. Tờ báo này bàn về nông nghiệp và thương nghiệp, phát hành tuần một kỳ vào thứ năm, sau này tăng lên 3 kỳ/tuần, khổ 20x30cm, 8 trang. Số đầu tiên ra ngày 1/8/1901, số cuối cùng phát hành ngày 4/11/1921.
Nội dung của báo ngoài chuyện nông nghiệp và thương nghiệp còn đăng các tiểu thuyết dài kỳ, truyện ngắn, truyện dịch. Hai trang cuối của tờ báo này dành cho quảng cáo, rao vặt. Nông Cổ Mín Đàm là tờ báo đầu tiên tổ chức cuộc thi truyện ngắn trong lịch sử Văn học Việt Nam hiện đại. Bộ Tam Quốc diễn nghĩa được dịch ra tiếng Việt và đăng tải lần đầu tiên cũng trên tờ báo này.
Nguyễn Thị Khuê (1864 - 1922) có bút danh là Sương Nguyệt Anh là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam |
Tờ báo cách mạng đầu tiên
Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của tổng bộ Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam. Ngày này đã được chọn là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Mới ra đời, báo Thanh Niên in trên giấy sáp, tên báo viết bằng chữ Việt và chữ Hán, đầu trang 1 bên trái có hình ngôi sao 5 cánh, giữa ngôi sao có chữ số là số kỳ của tờ báo phát hành. Báo phát hành 200 - 300 bản/kỳ trong bí mật, mỗi kỳ 2 trang, có lúc 4 trang, khổ giấy 13 x 19cm. Thời gian đầu phát hành 1 kỳ/tuần, về sau do khó khăn về điều kiện in nên có thời kỳ số trước cách số sau từ 3 - 5 tuần.
Thời kỳ ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc kiêm Tổng biên tập, viết những bài quan trọng, vẽ tranh, sửa hoặc viết những bài khác và tin tức. Báo được chuyển phần lớn bằng đường bí mật về các cơ sở trong nước; số còn lại được gửi đi các cơ sở của Hội ở nước ngoài như: Trung Quốc, Thái Lan, Pháp. Báo Thanh niên đã giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Mác - Lênin; góp phần tích cực chuẩn bị tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tờ báo đầu tiên bị cấm vì yêu nước
Tuần báo Phan Yên Báo phát hành số đầu tháng 12/1898 nhưng chỉ được 8 số, đến tháng 2/1899 thì bị Toàn quyền Đông Dương P. Doumer cấm bởi đã cho đăng loạt bài viết cổ súy tinh thần yêu nước, những bài viết biểu hiện tinh thần dân tộc chống thực dân Pháp. Đây là tờ báo quốc ngữ đầu tiên bị cấm ở Nam Kỳ do Diệp Văn Cương lập ra, tên báo lấy theo cổ danh của thành Gia Định là Phan Yên Trấn.
Nhà báo Việt Nam đầu tiên
Nhà bác học Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) người Vĩnh Thanh, Tân Minh, Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre) là người sáng lập, Tổng biên tập đầu tiên của tờ Gia Định Báo. Ông được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới, thông thạo 26 thứ tiếng; được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
Nhà báo nữ đầu tiên
Con gái thứ tư của cụ Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Thị Khuê (1864 - 1922) có bút danh là Sương Nguyệt Anh là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. Năm 1917, Sương Nguyệt Anh được một nhóm chí sĩ ái quốc mời làm chủ bút tờ Nữ Giới Chung (tiếng chuông của nữ giới). Tờ báo ra số đầu tiên ngày 1/2/1918 với chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và nhất là đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Nhưng dù ngòi bút của Sương Nguyệt Anh có khéo léo đến đâu, tầm ảnh hưởng của tờ báo này vẫn khiến mật thám Pháp e ngại, đến tháng 7/1918 tờ Nữ Giới Chung bị đình bản.
Quang Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận