Ai có quyền trừ điểm bằng lái xe?
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bộ Công an vừa có nội dung chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Một trong những đề xuất đáng chú ý, dự thảo Luật này đã bổ sung mới nhiều nội dung về điểm của giấy phép lái xe (GPLX).
Cụ thể, điểm GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, gồm 12 điểm.
Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về TTATGT đường bộ bị trừ điểm GPLX theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.
Trước khi đưa ra những đề xuất trên, Ban soạn thảo đánh giá tình hình TTATGT vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm về TTATGT diễn ra rất phổ biến, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém, văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét.
Bộ Công an thống kê, trung bình mỗi năm cảnh sát giao thông xử lý trên 3 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, tước trên 500 nghìn bằng lái xe các loại. Thêm vào đó, tai nạn giao thông (TNGT) tuy giảm nhưng còn ở mức cao, xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành luật.
Quá trình bị trừ điểm, GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về TTATGT đường bộ do cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Đáng chú ý, GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của giấy phép trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
Ngoài ra, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX. Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định chi tiết những hành vi, trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX.
Những lỗi vi phạm nào bị trừ điểm?
Theo cơ quan soạn thảo, hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn nhiều bất cập, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép đang bị buông lỏng.
"Việc tước GPLX đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng chưa quản lý được quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe", Bộ Công an nhìn nhận.
Bên cạnh đó, điểm, trừ điểm GPLX được quy định trong dự thảo Luật là một biện pháp quản lý nhà nước (không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính), vừa có tính chất răn đe vừa để giáo dục, động viên người dân chấp hành luật giao thông.
Cũng theo Ban soạn thảo, Luật sẽ giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi GPLX theo hướng như sau:
Một là, quy định cụ thể các hành vi vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, người vi phạm sẽ bị trừ điểm GPLX, mức trừ điểm cụ thể trong một lần vi phạm được quy định cụ thể, đảm bảo không trùng chéo với các hình thức xử phạt vi phạm hành chính.
Hai là, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm sẽ đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người vi phạm, theo hướng ứng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu xử về sát hạch, cấp GPLX.
Ba là, khi có quyết định xử phạt đối với hành vi mà bị trừ điểm, người lái xe sẽ nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc GPLX bị trừ điểm. Sau đó, hệ thống cơ sở dữ liệu tự động trừ điểm.
Quy trình này không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm, nên không phát sinh tiêu cực.
Bốn là, sau một năm kể từ lần trừ điểm gần nhất nếu còn điểm hệ thống sẽ tự động phục hồi điểm cho người lái xe.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận