Y tế

Niềm vui có “gương mặt mới” từ phẫu thuật miễn phí

12/09/2019, 06:00

Năm học này, bé Hoài đến trường rạng rỡ hơn bởi em biết rằng mình sắp có “diện mạo mới” hoàn thiện hơn.

img
Gương mặt bé Hoài đẹp hơn sau mỗi lần phẫu thuật

“Con sẽ không còn phải cúi mặt khi gặp người lạ”

Đó là điều mà bé Tòng Thị Hoài (SN 2008, tại Mai Sơn, Sơn La, người dân tộc Thái) chia sẻ với cha mình sau lần phẫu thuật thứ 3 để xóa đi vết bớt sắc tố đen sẫm chiếm gần hết nửa khuôn mặt em. Điều mà Hoài vốn chỉ dám ước mơ nay đã thành hiện thực nhờ những cuộc phẫu thuật từ thiện của vị bác sĩ mà em vẫn âm thầm trìu mến gọi “mẹ Dung” (TS. BS. Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) cùng các đồng nghiệp của mình.

Anh Tòng Văn Bình (bố của bé Hoài) chia sẻ, sinh ra, bé Hoài đã có vết bớt đen bẩm sinh choán gần nửa khuôn mặt. “Thoáng giật mình vì quá bất ngờ, bởi những người anh em của Hoài không ai như vậy cả. Lại thương con hơn vì vẻ bề ngoài ấy”, anh Bình kể.

Ngày bé, bất kỳ đứa trẻ nào gặp Hoài trong những giây phút đầu đều hoảng hốt, thậm chí khóc òa vì sợ hãi khi đối diện với khuôn mặt loang bớt đen sẫm của cô bé. Dần lớn, Hoài càng ý thức về khiếm khuyết trên khuôn mặt của mình cũng như thái độ của mọi người trong lần đầu tiếp xúc với em. Điều đó khiến cô bé luôn cúi đầu mỗi khi gặp người lạ hay khi bước chân ra khỏi chòm xóm. Cho tới khi đi học, cô bé cũng không tránh khỏi tủi thân vì ánh mắt thiếu thiện cảm của bạn bè, thậm chí cả tiếng xì xào sau lưng bởi khuôn mặt “khác biệt” của mình.

“Thương con lắm, cũng đôi lần em đưa con lên bệnh viện tuyến huyện để khám, xem có bỏ vết bớt đen đúa đó đi được không nhưng các bác sĩ bảo rằng khó lắm, ở đây không làm được. Muốn chữa khỏi, phải về tuyến trung ương ở dưới xuôi, tốn kém lắm. Thu nhập gia đình chỉ trông vào ít cây xoài, cây nhãn thì chịu thôi, không đưa con đi được”, anh Bình nhớ lại.

Điều may mắn đến với Hoài, khi đoàn bác sĩ từ Hà Nội về Sơn La thực hiện các ca phẫu thuật tạo hình từ thiện năm 2017. Hoài là một trong nhiều trẻ được lựa chọn tư vấn và thực hiện phẫu thuật tạo hình xóa đi vết bớt trên mặt.

Chia sẻ về trường hợp của Hoài, chị Lê Thanh Thủy, điều dưỡng trưởng nơi đây vẫn nhớ như in một cô bé Hoài nhút nhát, mặt cúi gằm vì tự ti, ngay cả khi đối diện với bác sĩ khám. “Lần lượt trải qua 3 lần phẫu thuật từ năm 2017, sau mỗi lần vết bớt đen lại vơi đi một phần. Và với lần thứ 3, vào tháng 7/2019, toàn bộ vết bớt đen đã được xóa nhòa. Sang năm cô bé sẽ tiếp tục được xóa sẹo sau phẫu thuật nữa là có một gương mặt “mới” để hòa nhập với bạn bè và cuộc sống”, chị Thủy cho hay.

Chị Thủy cho biết thêm, trong lần gần đây nhất gặp Hoài, cô bé đã linh hoạt và tự tin hơn rất nhiều. “Trước khi chia tay về nhà sau lần phẫu thuật lần thứ 3, bé Hoài còn nói “năm sau con quay lại đây, mẹ Dung (người trực tiếp phẫu thuật cho Hoài) và các bác xóa sẹo là con xinh đẹp như nhiều bạn khác rồi cô nhỉ”, chị Thủy kể.

Còn anh Bình không giấu xúc động khi nhắc đến khuôn mặt hiện không còn tồn tại bớt đen của cô con gái: “Ngoài sự tưởng tượng cô ạ. Con và gia đình vui lắm”.

Không chỉ Hoài, Phạm Huy (Hải Phòng) cũng là một bệnh nhân mang vết bớt đen lớn trên khuôn mặt. Vết chàm đen đó đi theo suốt năm tháng trưởng thành khiến Huy sống khép mình với thế giới xung quanh. Những cuộc phẫu thuật được thực hiện khi Huy ngoài tuổi 20 đã thành công, mang lại cho em một diện mạo mới. Và chỉ sau chừng đôi năm, Huy đã ngỏ lời rồi lập gia đình với người con gái mình thầm thương, trộm nhớ bấy lâu.

"Phẫu thuật đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm"

TS. BS. Phạm Thị Việt Dung đã chia sẻ như vậy khi nói về những ca phẫu thuật “mang lại gương mặt mới, cuộc sống mới” cho những bác sĩ Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ trẻ về việc phẫu thuật điều trị cho những bệnh nhân mang trên cơ thể, khuôn mặt những vết chàm lớn.

“Có thể xử lý chỉ với 1 ca phẫu thuật với nhiều vết chàm đen lớn bằng việc lấy một vùng da khác trên cơ thể “đắp vào”. Tuy nhiên, điều đó có thể xóa đi vết chàm đen nhưng lại để một vùng da khác màu trên khuôn mặt của bệnh nhân. Với tôi, luôn cân nhắc lựa chọn kỹ thuật tối ưu mang lại hiệu quả thẩm mỹ tốt nhất. Chính vì vậy, bằng kỹ thuật, nuôi da, xoay chuyển các đảo da trên chính vùng da lành lân cận với tổn thương và phẫu thuật nhiều lần, bệnh nhân sẽ có được khuôn mặt hoàn chỉnh hơn, tự tin hơn”, BS. Dung chia sẻ.

Cũng theo lời BS. Dung, các vết chàm đen chính là các u sắc tố lành tính. Chúng được xem là bớt sắc tố bẩm sinh, có người sinh ra đã nhìn thấy rõ các vết tích đó, nhưng cũng có người bớt sắc tố chỉ xuất hiện khi bước vào tuổi trưởng thành. Các vết chàm đen thường xuất hiện ngay từ khi trẻ lọt lòng và tăng dần về kích thước theo năm tháng. Chúng có thể “lớn lên” nhưng rất chậm, tới một mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ cố định lại. Kích thước của các vết chàm có thể lớn bằng đầu ngón tay, bàn tay thậm chí là lan rộng trên 1 phần cơ thể.

“Mặc dù chàm đen không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng “sự có mặt” của chúng lại gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của trẻ, nhất là khi trẻ càng lớn”, BS. Dung nói.

Tuy nhiên, BS. Dung cũng cảnh báo, có một số trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của các vết chàm đen bẩm sinh. Nếu như thấy xuất hiện tình trạng vết chàm đột nhiên to hơn, biến dạng hoặc bị đau thì đây rất có thể là dấu hiệu của u sắc tố phát triển thành giai đoạn ác tính. Cha mẹ cần đưa con đi khám ngay lập tức nếu thấy các hiện tượng này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.