Dù cầu đã xây... |
Một cây cầu được xây dựng trị giá 9,9 tỷ đồng chạy thẳng vào mỏ khai thác, chế biến đá, hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải ra - vào. Trong khi người dân sinh sống gần đó vẫn chủ yếu chèo đò để sang sông.
Dân không được hưởng lợi từ cây cầu gần 10 tỷ đồng
Đã từ lâu, người dân 2 thôn Nhân Phẩm và Hảo Nho (xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, Ninh Bình) mong có một cây cầu bắc qua sông Bút (người dân còn gọi là sông nhà Lê hay kênh Yên Mô) để thoát cảnh phải chèo đò qua sông đi làm, đưa con em đi học. Đến năm 2013, cây cầu được xây dựng với tổng vốn đầu tư 9,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, niềm vui chẳng thấy đâu khi nhiều người dân hàng ngày vẫn tiếp tục phải chèo đò qua sông đi cấy, đi gặt, ra chợ, bởi nếu muốn qua cầu, họ phải di chuyển thêm 1km nữa mới tới nơi. Hầu hết, mỗi gia đình đều tự trang bị một con đò bằng xi-măng hoặc gỗ để tiện cho việc đi lại.
Ông Đỗ Văn Ao (62 tuổi, trú thôn Nhân Phẩm) cho biết: “Tôi thường xuyên chống đò chở người dân qua lại bên sông, vì bên này có chùa chiền nên bà con Phật tử cũng thường qua lại. Cầu xây xong nhưng lại chạy thẳng vào mỏ đá của DN tư nhân khai thác đá Nhật Dung. Ngoài việc đưa con cháu đi học thì phải đi qua cầu để tránh nguy hiểm, còn lại hầu như người dân hàng ngày vẫn dùng đò qua sông để ra đồng cấy hái”.
Nhiều người dân cho hay, dù biết qua sông bằng đò nguy hiểm, nhưng họ buộc phải làm vậy vì không muốn mất quá nhiều thời gian di chuyển tới điểm cầu. Năm 2014, tại đoạn sông chảy qua thôn Nhân Phẩm cách chân cầu mới xây gần 1km đã xảy ra 1 vụ đắm đò, khiến 8 người phụ nữ rơi xuống nước. Rất may, do lòng sông hẹp nên cả 8 người may mắn thoát nạn.
... nhưng người dân thôn Nhân Phẩm vẫn phải dùng đò qua sông. |
Phục vụ dân hay doanh nghiệp?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Chiến, quản lý DN tư nhân Nhật Dung cho hay: “Cây cầu này trước kia được công ty thực hiện thi công. Dự án này đã có sự điều chỉnh cho phù hợp vì ban đầu vị trí cầu nằm tại khu vực vườn Thánh (nghĩa trang của những người theo đạo - PV) và mỏm đá nhô ra không xây dựng được, nên mới khảo sát và di chuyển ra bên ngoài vào khu mỏ đá này”. Khi được hỏi, liệu việc xây cầu tại vị trí hiện tại có phải chủ yếu phục vụ Công ty Nhật Dung hay không? Ông Chiến cho biết: “Cầu phục vụ cho dân sinh và cho cả doanh nghiệp. Khi thực hiện GPMB, nhà thầu cùng với chủ đầu tư đã đền bù cho khoảng 3-4 hộ dân”.
Theo ông Trần Quang Duẩn, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, huyện Yên Mô, việc xây dựng cầu không phải là xây cho doanh nghiệp, mà là hướng tới việc khai thác đá vì trữ lượng đá xung quanh khu vực đó rất lớn”. |
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, trong khi hàng ngày có tới cả trăm lượt xe tải chở đầy đá sơ chế qua cây cầu để ra - vào mỏ đá, thì rất hiếm khi bắt gặp một người dân lưu thông qua cầu.
Theo ông Nguyễn Đức Thận, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm, ban đầu theo thiết kế, cầu Hảo Nho sẽ đi trên trục đường chính qua UBND xuống sông nhà Lê. Nhưng do vướng núi Trụi nhô ra, cộng với đi vào vườn Thánh nên chủ đầu tư mới điều chỉnh quy hoạch, đưa vị trí của cầu ra phía ngoài. Cũng theo ông Thận, việc xây dựng cầu Hảo Nho chủ yếu phục vụ dân sinh, kết hợp việc khai thác, phát triển kinh tế khu vực mỏ đá, thu hút nguồn lao động địa phương. “Chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên phê duyệt xây dựng khu tái định cư gần trung tâm xã, chuyển những hộ dân sinh sống tại thôn Nhân Phẩm và Hảo Nho ra, để chỉ hướng tới việc phát triển khai thác đá”, ông Thận nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận