Xã hội

Ninh Bình: Khai thác đá phá rừng phòng hộ, không ai chịu trách nhiệm?

19/03/2020, 08:28

Công ty TNHH Duyên Hà nổ mìn khai thác đá trên đỉnh núi đã làm vùi lấp hàng chục nghìn m2 rừng phòng hộ.

img
Diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp trong quá trình khai thác đá của Công ty Duyên Hà

Mỏ đá cấp trên đỉnh núi

Báo Giao thông vừa nhận được phản ánh của người dân ở phường Tân Bình, TP Tam Điệp về việc Công ty TNHH Duyên Hà (sản xuất xi măng Duyên Hà) khai thác đá rầm rộ trên đỉnh núi Tam Điệp đã vùi lấp hàng chục nghìn m2 rừng phòng hộ; đá bay xuống ruộng lúa, nhà dân rất nguy hiểm.

Xác nhận thực trạng này, ông Đoàn Văn Thuận, Chủ tịch UBND phường Tân Bình cho biết, phường cũng đã nhận được thông tin sự việc này vào khoảng từ tháng 7, tháng 8/2019, sau đó đã báo cáo UBND thành phố và cùng đoàn công tác của tỉnh, của thành phố đi kiểm tra thực địa. Kết quả kiểm tra, có việc Công ty Duyên Hà khai thác đá làm sạt lở, vùi lấp một số diện tích rừng phòng hộ nằm dưới đỉnh núi Tam Điệp.

“Vị trí rừng phòng hộ bị vùi lấp do Ban quản lý rừng phòng hộ giao cho 2 hộ thuộc phường Tân Bình chăm nom. Trách nhiệm quản lý là của phường nhưng do địa hình hiểm trở, không có đường lên (ngoại trừ đường duy nhất từ nhà máy xi măng lên đỉnh núi) nên chỉ khi người dân thông tin, chúng tôi mới nắm được sự việc”, ông Thuận nói.

Việc Công ty xi măng Duyên Hà khai thác đá làm vùi lấp rừng phòng hộ cũng được Hạt Kiểm lâm Tam Điệp xác nhận. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Tam Điệp, diện tích rừng phòng hộ bị vùi lấp được đo đếm lần 1 ngày 12/10/2018 là 19.808m2; đo đếm lần 2 ngày 25/12/2019 là 12.574m2. Tổng diện tích rừng bị vùi lấp sau 2 lần kiểm tra là 32.m2.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Tìm hiểu được biết, Công ty TNHH Duyên Hà được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ngày 11/6/2015, cho phép khai thác đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Yên Bình, phường Tân Bình và xã Yên Sơn, thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp). Diện tích khai thác là 51,13ha, mức sâu khai thác +50m; trữ lượng khai thác 60.500.166 tấn đá vôi, công suất khai thác 2.053.800 tấn đá vôi/năm, thời gian khai thác 30 năm.


Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Tống Thị Thanh Ngân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Tam Điệp cho rằng, việc khai thác mỏ đá vôi của Công ty TNHH Duyên Hà vùi lấp rừng phòng hộ mới diễn ra. Về diện tích cụ thể, ranh giới khu vực rừng phòng hộ bị vùi lấp, vị Trưởng phòng cho biết “không nắm rõ”. Khi PV đề nghị được tiếp cận các hồ sơ, cũng như biên bản kiểm tra về vụ việc trên thì bà Ngân cho biết “cán bộ giữ hồ sơ đi vắng”.

Còn ông Bùi Xuân Diệu, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho hay, việc rừng phòng hộ bị vùi lấp do khai thác đá của Công ty TNHH Duyên Hà chỉ mới diễn ra từ tháng 2/2020, chưa xác định được diện tích. Nếu đo, đếm phát hiện ra vi phạm thì xử lý theo quy định, thẩm quyền của cơ quan nào thì cơ quan đó xử lý, nhưng để xử lý dứt điểm thì “phải xem lại cách khai thác mỏ”.

Còn về diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng vùi lấp là 32.m2 như Hạt Kiểm lâm Tam Điệp báo cáo, theo ông Diệu cần phải xác định lại, “có thể đó là dự kiến vì chưa xác định được tọa độ, Công ty chưa ký biên bản kiểm tra hiện trường”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình cho biết, trước kia, Công ty Duyên Hà cũng đã có vi phạm và bị UBND TP Tam Điệp xử phạt hành chính vì khai thác mỏ không đúng vị trí. “Việc cấp phép cho mỏ đá khai thác ở vị trí hiện tại là bất cập vì phía trên khai thác đá, phía dưới là rừng thì sẽ khó tránh khỏi việc gây sạt lở. Hiện chúng tôi đang xác định Công ty Duyên Hà cố ý hay không cố ý làm vùi lấp diện tích rừng phòng hộ. Đồng thời, Sở TN&MT cùng các ngành vẫn đang đo đạc, kiểm tra cụ thể lại diện tích rừng ảnh hưởng, từ đó mới ra quyết định xử lý”, ông Dương nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.