Chiều 13/10, thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình cho biết đã có công điện gửi các đơn vị liên quan và các địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó, phù hợp với diễn biến của cơn bão số 8.
Các địa phương Ninh Bình và Thanh Hóa đã yêu cầu các tàu thuyền vào nơi tránh trú bão số 8 an toàn
Theo đó, nghiêm cấm không cho tàu thuyền ra khơi, thông báo cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi tránh trú, tổ chức sắp xếp tàu thuyền ở nơi neo đậu vào nơi tránh trú an toàn. Riêng đối với huyện Kim Sơn phải triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III đến Cồn Nổi đảm bảo phòng dịch COVID-19. Đồng thời chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các lồng, bè, khu nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển. Thông báo cho các chủ đầu tư, các đơn vị thi công công trình xây dựng khu vực ven biển (từ Bình Minh III đến Cồn Nổi) dừng thi công, di chuyển người và phương tiện đến nơi an toàn. Mọi việc đều phải thực hiện xong trước 18h ngày 13/10/2021.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra đảm bảo an toàn cho các tuyến đò ngang, đò dọc và tạm dừng hoạt động các tuyến đò kể từ 20h ngày 13/10/2021 đến khi bão tan.
Bên cạnh đó, cần phải chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực nguy hiểm có nguy xảy ra lũ, sạt lở đất; Triển khai các phương án ứng phó với lũ trên các sông, đặc biệt là lũ trên sông Đáy, sông Hoàng Long.
Sở GTVT Ninh Bình chỉ đạo, phối hợp với UBND các huyện, thành phố bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Ngoài ra, Công an tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển qua vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở; Chỉ đạo, triển khai phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn đối với những người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Còn tại Thanh Hóa, theo thống kê, tính đến 10h00 ngày 12/10, toàn tỉnh có 6.673 phương tiện với trên 24.732 lao động, trong đó có 6.549 phương tiện với 23.873 lao động đã vào khu neo đậu tại bến. Hiện còn 124 phương tiện với 859 lao động đang hoạt động trên các vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị… Các phương tiện đều nắm được thông tin về bão và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương. Từ 18 giờ ngày 12/10 tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện cấm biển để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
Qua thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có 437.000 người với 2.900 hộ sống ở khu vực ngập lụt, có nguy cơ cao mất an toàn khi mưa lũ xảy ra. Tỉnh Thanh Hóa đã bố trí lực lượng sẵn sàng test COVID-19 để di dời các hộ dân khi có tình huống xảy ra.
Đối với khu vực miền núi, Thanh Hóa đã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét và đã chủ động lên phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Cũng trong chiều ngày 13/10, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ, đường thủy nội địa, Ban QLDA đang quản lý thi công các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh, khẩn trương triển khai ngay các phương án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, yêu cầu các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư, nhiên liệu dự phòng cần thiết để kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai và tham gia ứng cứu khi có lệnh điều động. Đối với các Ban QLDA công trình giao thông chỉ đạo các nhà thầu thi công, tổ chức di dời người, phương tiện, thiết bị, máy trên công trình đến nơi an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận