Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng hạn hán nặng nề nhất tại Ninh Thuận là xã Phước Nam (huyện Thuận Nam). Đây cũng là xã mà chính quyền và nhân dân vừa phải căng mình phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa đối mặt với tình trạng hạn hán khốc liệt trên địa bàn.
Ông Trần Quốc Hoàn, Phó Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện Thuận Nam cho biết, do ảnh hưởng của hạn hán nên bà con không thể sản xuất vụ đông xuân 2019 - 2020 với diện tích đất bỏ hoang là 1.800 ha đất trồng lúa và 1.000 ha cây rau màu khác.
“Hạn hán đã gây ra tình trạng thiếu thức ăn, nước uống cho đàn gia súc với trên 112.000 con trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung nhiều ở xã Phước Nam với trên 35.000 con. Thời điểm này, ao hồ trên địa bàn xã cạn nước trơ đáy, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài nguy cơ thiếu nước uống càng nghiêm trọng, chỉ còn phụ thuộc vào nguồn nước giếng...”, ông Hoàn than thở.
Theo các cơ quan chức năng tỉnh NInh Thuận, hiện nay dung tích nước ở một số hồ chứa lớn trên địa bàn huyện Thuận Nam đang ngấp nghé mực nước chết như: Hồ Tân Giang chỉ còn 1,08 triệu khối; hồ Núi Một, hồ Sông Biêu còn 1,36 triệu khối; hồ CK7 còn 0,66 triệu khối… còn lại các hồ khác đều đã cạn trơ đáy.
Ngày 8/4, PV ghi nhận thực tế dọc tuyến tỉnh lộ 709 và 709B đi các xã Nhị Hà, Phước Hà... Hàng chục hecta đất trồng lúa đã bị bỏ hoang, khô nứt nẻ trở thành đồng để người dân chăn thả gia súc. Chính quyền địa phương cho biết, trên 12ha diện tích cây trồng lâu năm của các xã Nhị Hà, Phước Hà đã chết khô.
Đưa tay bẻ ngang cành xoài gãy rụm vì chết khô do hạn hán, chị Bà Rá Thủy, ở xã Nhị Hà thở dài: Gần 1 năm nay trời không mưa nên 100 gốc xoài gần 5 năm tuổi của gia đình bà đang dần chết đứng vì không có nước tưới.
“Khoảng 2 tháng gần đây xoài bắt đầu chết dần dần, thời điểm này cũng đã chết khô gần một nữa diện tích. Thời gian tới nếu không mưa, thiệt hại sẽ còn nặng hơn nữa...”, chị Thủy chua xót.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc sở NN&PTNT Ninh Thuận, hiện tại mực nước của 21 hồ chứa ở Ninh Thuận chỉ còn 38,49 triệu mét khối, chiếm 19,8% tổng dung tích thiết kế (chỉ cao hơn đợt hạn kỷ lục năm 2015 là 7,9%). Nếu tình hình hạn hán tiếp tục xảy ra, nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng khô hạn, thiếu nước trên diện rộng.
“Những ngày qua mưa cũng đã xuất hiện rải rác, tuy nhiên lượng mưa đo được rất thấp. Trước mắt, ngành nông nghiệp đã báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đaọ các địa phương lên phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn hán.
Trong đó có ít nhất 320 hecta đất sản xuất nông nghiệp cần chuyển đổi, tập trung ở các huyện: Bác Ái 200ha, Ninh Sơn 55 ha, Ninh Phước 44 ha…, riêng diện tích sản xuất ở Thuận Nam đành bỏ hoang vì không có nước”, ông Cương thông tin thêm.
Một số hình ảnh PV ghi nhận về tình trạng hạn hán ở Ninh Thuận:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận