Thị trường

Nợ ngập đầu vẫn có hơn 42.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, EVN nói gì?

29/04/2019, 19:35

Ngày 29/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng về số tiền hơn 42.000 tỷ đồng gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng.

img
Ngày 29/4, EVN đã lên tiếng về số tiền hơn 42.000 tỷ đồng gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng. Ảnh minh họa

Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN tại thời điểm 31/6/2018 là 42.796 tỷ đồng (số liệu này cuối 2017 là 32.363 tỷ đồng; năm 2015, 2016 khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2017 khoảng 20.000 tỷ đồng).

Như vậy, trong giai đoạn 2015-2018 tiền và tương đương tiền (chủ yếu là tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng) của EVN tăng rất nhanh.

Số tiền lớn nhưng lại để ở ngân hàng dưới hình thức không kỳ hạn với lãi suất gần như không đáng kể (0,1-0,2%/năm) khiến nhiều người băn khoăn. Nhất là trong bối cảnh Tập đoàn nợ ngập đầu và liên tục thua lỗ.

Thông tin về vấn đề này, ngày 29/4, EVN cho biết, đây là số dư tiền gửi được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.

Cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng.

“Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao”, lãnh đạo EVN lý giải.

Để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng số một là cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân, vì vậy mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.

Đơn cử, đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc thanh toán cho các đơn vị cung cấp trong nước.

Công ty mẹ EVN cũng cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện.

Hay trong lĩnh vực đầu tư, theo lãnh đạo EVN, mặc dù nhu cầu vốn đầu tư rất lớn nhưng EVN và các đơn vị thành viên phải cung cấp đủ vốn theo kế hoạch, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án nhằm đảm bảo mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

“Thủ tục hoàn tất các điều kiện để giải ngân của các Hợp đồng tín dụng thường bị kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng theo kế hoạch EVN và các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân vốn từ các Hợp đồng tín dụng nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra của các dự án nhất là các dự án cấp bách, trọng điểm”, EVN lý giải.

Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng cho rằng so với số dư nợ phải ngắn hạn tại cùng thời điểm (hơn 106 ngàn tỷ đồng) thì số dư tiền gửi không kỳ hạn nói trên là quá nhỏ, chưa đủ để sử dụng cho trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện…(55 ngàn tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn ( 22 ngàn tỷ đồng).

Lãnh đạo EVN cũng biết đã chỉ đạo các đơn vị cân đối dòng tiền để đảm bảo thanh toán kịp thời cho các nhà cung cấp theo quy định của hợp đồng đã ký đồng thời thực hiện các giải pháp thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của đơn vị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.