Vận tải

Nở rộ xe khách trá hình, né thuế

28/12/2016, 06:54
image

Theo khảo sát của Báo Giao thông, tình trạng xe khách trá hình, bỏ bến, nhất là loại xe Limousine ngày càng nở rộ...

1

Tổ TTKS, Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) kiểm tra, xử lý xe trá hình HAV Travel vi phạm đón khách lẻ - Ảnh: Xuân Huy

Theo khảo sát của Báo Giao thông, tình trạng xe khách trá hình, bỏ bến, nhất là loại xe Limousine ngày càng nở rộ, hoạt động tấp nập gây mất trật tự ATGT ở các đô thị. Tình trạng này đang đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị cạnh tranh không lành mạnh, trong khi Nhà nước thì thất thu thuế.

Kỳ 1: Vô tư bỏ bến chạy dù né thuế, phí

Loại xe 9 chỗ được cải tạo từ 16 chỗ hoạt động dưới danh nghĩa chạy hợp đồng, thậm chí “núp danh” xe cá nhân, xe gia đình nhưng thực chất tham gia kinh doanh chở khách liên tỉnh, đến tận nhà hoặc địa điểm bất kỳ để đón, trả khách mà không vào bến để trốn các loại thuế, phí...

Từ Limousine tung hoành...

Liên lạc qua số điện thoại 033.7827 của nhà xe Phúc Xuyên (địa chỉ tổ 7, khu 1, phường Yên Thanh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh), PV Báo Giao thông được nhân viên trực tổng đài cho biết, hàng ngày nhà xe có hai loại xe Limousine 9 chỗ chạy Quảng Ninh - Hà Nội và ngược lại. Giá vé đi xe Limousine tuyến Hà Nội - Quảng Ninh là 180 nghìn đồng 2 ghế trên, 240 nghìn đồng cho 4 ghế giữa và 220 nghìn đồng cho 3 ghế sau cùng. Khi PV đề cập đến việc lấy cuống vé để về thanh toán, nhân viên cho biết, nhà xe không xuất vé cho khách, tiền vé sẽ được lái xe thu trên đường và chỉ cần xác nhận qua điện thoại là đặt chỗ thành công, không cần phải qua văn phòng mua vé.

“Anh chỉ cần đặt qua điện thoại, xe bên em có liên tục từ sáng sớm đến cuối giờ chiều. Trong khung giờ sáng, khoảng một tiếng có một chuyến. Xe sẽ đón khách ở: Lương Yên, Bệnh viện 108, Nhà hát Lớn, Big C Thăng Long, Aeon Long Biên (Hà Nội)”, nhân viên này cho hay.

Tương tự, PV liên hệ với nhà xe Long Giang để hỏi dịch vụ xe Limousine tuyến Hà Nội - Nam Định. Nhân viên nhà xe cho biết, hàng ngày có gần 20 chuyến xe Hà Nội - Nam Định và ngược lại. Giá vé hiện tại là 100 nghìn đồng/lượt không phân biệt chỗ ngồi. Xe đón tại các điểm trên phố: Kim Mã, Tràng Thi, Quang Trung, Bệnh viện 108, Lê Duẩn...

Chọn một chuyến xe Limousine của nhà xe Phúc Xuyên, sáng 24/12, PV được lái xe đón tại đường Cổ Linh (Long Biên, Hà Nội). Đúng 7h sáng, xe có mặt tại điểm đón. Chạy được vài km, lái xe đưa cho hành khách một bản danh sách để khách tự điền tên tuổi, dưới danh sách là chữ ký và con dấu đã được nhà xe đóng sẵn. PV hỏi có vé hay biên lai gì không, lái xe cho biết: “Nếu anh đi nhiều thì lên công ty lấy biên nhận hoặc hóa đơn. Còn ở đây không có vé đâu”.

Nhà xe Phúc Xuyên hiện có khoảng 20 xe Limousine chạy tuyến Cẩm Phả - Hà Nội. Mỗi chuyến xe chở 9 khách, giá vé trung bình khoảng 240 nghìn đồng/người và không phát vé. Ngoài ra, nhà xe này còn có dịch vụ xe hợp đồng cao cấp chuyên tuyến Hạ Long - Hà Nội bằng xe Toyota Future 7 chỗ với giá vé trung bình khoảng 250 nghìn đồng/lượt.

Trung tuần tháng 12, trong vai hành khách, PV gọi đến số tổng đài 05113.525… của nhà xe Hạnh Cafe đặt vé đi Huế. Nữ nhân viên niềm nở thông báo chuyến 8h30 và mời khách đến trụ sở văn phòng trên đường 3/2 ở trung tâm Đà Nẵng lấy phiếu đặt chỗ và lên xe. Tương tự, hành khách không khó để đặt vé lẻ của nhà xe The Sinh tourist qua số tổng đài 054.384… Đúng hẹn trước giờ xe chạy 15 phút, PV đến 37 Nguyễn Thái Học (TP Huế) nhận một vé đặt chỗ, trả 120 nghìn đồng và lên xe BKS 86B-004.96. Lúc này, ngoài một số khách nước ngoài, trên xe chở nhiều khách Việt nhưng hầu hết đi khách lẻ, đón chuyến vào Đà Nẵng.

Xem thêm video:

2

Xe Limousine Phúc Xuyên đón trả khách trước cửa khách sạn Mường Thanh (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh)

...đến xe khách bỏ bến chạy dù

Không chỉ có xe Limousine, việc rất nhiều xe khách bỏ bến ra ngoài chạy dù, núp bóng xe hợp đồng. Ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, thực tế tại bến xe Mỹ Đình, với một số tuyến, trong khung giờ thấp điểm vẫn có những HTX, doanh nghiệp vận tải bỏ bến. “Nhiều HTX, doanh nghiệp xin giảm số chuyến rồi ra ngoài chạy xe hợp đồng, chạy xe Limousine rất nhiều. Điều này khiến Nhà nước không quản lý, giám sát được nguồn thu của doanh nghiệp. Hơn nữa, xe chạy núp bóng hợp đồng, chạy dù cũng không cần mua bảo hiểm nên doanh nghiệp hưởng lợi rất lớn, trong khi nếu có gì xảy ra, hành khách đi xe là người phải chịu thiệt”, ông Trúc nói.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát thông tin, trên sổ sách, có hơn 1.100 phương tiện đăng ký tại bến nhưng thực tế bình quân chỉ có 950 phương tiện hoạt động. Các HTX, doanh nghiệp vận tải bỏ bến rải rác tất cả các tuyến. “Trong đó, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các nhà xe bỏ tuyến như: Ngày lẻ không có khách, bỏ ra ngoài chạy hợp đồng… dẫn đến thất thu thuế, phí”, ông Thành nói.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Vui, Giám đốc bến xe Gia Lâm cho biết, thực tế tại bến xe Gia Lâm một số tuyến cũng xuất hiện nhiều đơn vị có văn bản xin tạm dừng hoạt động với lý do thay xe hoặc điều xe đi chở khách hợp đồng. “Trên thực tế, không dại gì họ xin nghỉ hẳn mà cứ làm văn bản như vậy, nếu ra ngoài hoạt động hiệu quả, có thể bỏ tuyến luôn, còn không thì quay lại tiếp tục khai thác trở lại tại bến xe”, ông Vui thông tin.

Lãnh đạo một đơn vị vận tải thì cho biết: “Ở địa phương người ta khoán doanh thu của một xe khách 1 năm khoảng 100 triệu đồng, đơn vị đó phải nộp thuế cho Nhà nước khoảng 15%/năm. Có nghĩa là đơn vị vận tải đăng kí kinh doanh phải nộp thuế hàng tháng theo quy định. Trường hợp nếu đơn vị không chạy xe, không báo cáo thì không nộp thuế. Chính điều này khiến rất nhiều doanh nghiệp có văn bản xin cho xe nghỉ hoạt động, nhưng thực chất là ra ngoài chạy núp bóng xe hợp đồng”.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Nguyễn Đức Huấn, Đội phó Đội CSGT số 4, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, đơn vị tiếp thu nhiều phản ánh liên quan đến xe Limousine trá hình dừng, đỗ bắt khách trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý gặp nhiều khó khăn do tại thời điểm kiểm tra, đa phần lái xe đều xuất trình được đầy đủ hợp đồng và các giấy tờ theo quy định nên không thể xử lý. Đại úy Đặng Hồng Giang, Đội phó Đội CSGT số 5 cũng cho biết, chính hành khách cũng tạo điều kiện cho nhà xe, xác nhận có ký kết hợp đồng khi CSGT kiểm tra.

Theo ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, xe hợp đồng (dạng xe Limousine) núp bóng chở khách hoạt động ngày càng tăng, gây ùn tắc giao thông nhưng để xử lý rất khó. Lực lượng thanh tra không được dừng xe khi đang chạy, chỉ có thể kiểm tra, xử lý khi xe dừng đỗ sai quy định, đón trả khách dọc đường. “Ngay cả khi chúng tôi kiểm tra xe, các tài xế cũng xuất trình được giấy tờ dạng hợp đồng, danh sách hành khách trên xe, phù hiệu và nhiều giấy tờ liên quan khác nên cũng không xử lý được”, ông Hải nói và cho biết, đến hết tháng 11, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã  lập biên bản VPHC gần 900 trường hợp xe hợp đồng nói chung, tuy nhiên chưa có số liệu cụ thể xử lý xe hợp đồng dạng Limousine.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.