Nhà siêu méo trên phố Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Lê Tươi |
Việc UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý, thu hồi phục vụ mục đích công cộng với các công trình nhà đất siêu nhỏ, siêu mỏng, siêu méo, không đủ điều kiện tồn tại được đa phần người dân Thủ đô đồng tình, ủng hộ.
Bởi những căn nhà “chẳng giống ai” đó không những làm mất mỹ quan, phá vỡ quy hoạch mà còn không đảm bảo an toàn cho chính những chủ nhân đang hàng ngày, hàng giờ sinh sống ở đó.
Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi, liệu lần này Hà Nội làm thật hay chỉ “khua chiêng, gióng trống”... rồi thôi. Bởi ngược dòng thời gian, từ thời điểm Quyết định số 39/2005 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Điều 21 của Luật Xây dựng có hiệu lực, đã rất nhiều lần Hà Nội chỉ đạo và ra thời hạn chót xóa nhà siêu mỏng, siêu méo còn tồn đọng. Dư luận những lúc đó cũng đặt nhiều kỳ vọng vào sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, nhưng sự kỳ vọng nhanh chóng thành thất vọng vì những căn nhà siêu mỏng, siêu méo không những mặc nhiên tồn tại mà còn ngày càng mọc lên với số lượng dày thêm.
Hà Nội vốn nổi tiếng với những con đường đắt nhất hành tinh. Dù chỉ vài cây số, hay vài trăm mét cũng phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư. Nhưng khi đưa vào khai thác, những con đường nghìn tỷ ấy vẫn không toát lên được vẻ khang trang, hiện đại tương xứng số tiền bỏ ra đầu tư mà lộ rõ sự lộn xộn, nhem nhuốc bởi đủ loại nhà, căn hộ xây dựng không theo quy hoạch, quy chuẩn nào. Thậm chí, những tuyến đường mới mở, mật độ các căn nhà siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu méo còn có mật độ lớn hơn nhiều các tuyến đường cũ. Không chỉ mất mỹ quan đô thị, đây rõ ràng là bất cập và là sự lãng phí lớn về nguồn lực đầu tư.
Theo một chuyên gia giao thông đô thị, chủ trương thu hồi các căn nhà siêu mỏng, siêu méo của TP Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn. Bởi những ngôi nhà có diện tích dưới 15m2 sẽ rất khó có thể tổ chức được một không gian sử dụng cho phù hợp, gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, điều đáng bàn chính là cách làm của thành phố trong thời gian qua không quyết liệt và nhất quán. Xử lý, thu hồi hiện này chỉ là hệ quả của việc làm sai quy hoạch ngay từ đầu.
Mỗi khi mở rộng, làm mới đường luôn xuất hiện những diện tích thừa nhỏ, không phù hợp với kiến trúc đô thị, nhưng các cơ quan chức năng hoặc cố tình, hoặc vô ý không tính đến và mạnh tay thu hồi. Còn tâm lý của người dân là luôn cố giữ đất bằng mọi giá, vì đất mặt đường dù nhỏ nhưng vẫn là “tấc đất, tấc vàng”.
Ở một số nước như: Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc… khi mở đường, họ sẽ lấy sâu vào hơn một chút để xây dựng những công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Ngay cả ở Việt Nam, Đà Nẵng khoảng chục năm trước cũng từng áp dụng cách làm này và đạt được nhiều kết quả tích cực. Những tuyến đường ở Đà Nẵng được quy hoạch, xây dựng rất khang trang và rất ít gặp phải các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo như ở Hà Nội. Để không lặp lại tình cảnh tương tự, Hà Nội cũng nên sớm học theo cách làm này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận