Pháp đình

Nỗi đau hai cụ già bị con dâu khai tử, chiếm nhà

03/10/2020, 19:08

Để bán được mảnh đất, bà Viễn đã kê khai thừa kế tại Phòng công chứng số 3 (TP Hà Nội) với nội dung “cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”.

img
Vợ chồng cụ Hợp buồn bã không chỉ vì mất nhà, đất mà còn vì cách hành xử của người con dâu trưởng

Ở tuổi gần 90, hai vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp và Nguyễn Thị An (cùng SN 1932) vẫn lọ mọ đến toà, đánh vật với mớ hồ sơ giấy tờ kiện tụng. Nhưng việc ấy cũng chẳng là gì so với nỗi đau mà hai cụ đã phải chịu đựng suốt bao năm nay: bị con dâu khai tử để chiếm nhà đất.

Bỗng nhiên phát hiện mình “đã chết”

Ngày 29/9, PV Báo Giao thông có mặt tại mảnh đất đang xảy ra khiếu kiện trong ngõ 399 đường Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Tại đây, có một căn nhà đã khoá trái cửa, còn hai vợ chồng cụ Hợp, cụ An hiện đang ở nhà con trai út của mình.

Cụ Hợp cho biết, cụ bị cháu gái nội là con bà Vũ Thị Viễn (64 tuổi - con dâu cụ) đuổi ra khỏi nhà, khoá cửa cổng lại không cho vào (ngôi nhà trong ngõ trên đường Âu Cơ - PV).

“Chuyện nhà tôi éo le và buồn lắm”, cụ Hợp bắt đầu câu chuyện. Theo đó, năm 1998, cụ giao cho anh Tiến, chị Viễn (là con trai và con dâu trưởng) của cụ mảnh đất rộng khoảng 180m2 trong thửa đất chung của gia đình.

Năm 2005, ông Tiến không may qua đời, cụ Hợp và cụ An vẫn sống ở ngôi nhà của ông Tiến. Đến năm 2015, hai cụ bàng hoàng khi nghe cháu nội là con gái cả của bà Viễn thông báo bà Viễn đã làm thủ tục nhận di sản thừa kế, sau đó làm sổ đỏ nhà đất và bán toàn bộ tài sản cho người khác.

“Đất này vẫn của vợ chồng tôi, tôi chỉ giao cho các con, chưa chia thừa kế cho con nào. Nhưng con dâu trưởng đã làm sổ đỏ, sang nhượng cho anh Nghĩa và chị Linh”, cụ Hợp buồn bã kể.

Sốc hơn, khi ra UBND phường để hỏi nguồn cơn, cụ Hợp mới biết, để bán được mảnh đất, bà Viễn đã kê khai thừa kế tại Phòng công chứng số 3 (TP Hà Nội) với nội dung “cha mẹ đẻ của ông Đỗ Mạnh Tiến đã chết”.

“Chúng tôi vẫn sống khoẻ mạnh ở đây, vẫn đều nhận được các khoản trợ cấp của người cao tuổi, thế mà hàng chục năm qua đã bị “khai tử”.

Bức xúc và đau lòng lắm, khi con dâu chỉ vì đồng tiền mà dám chiếm tài sản nhà chồng, cho bố mẹ chồng “đã chết”. Sau khi việc vỡ lở, bà Viễn đã bỏ đi không quay trở lại giải quyết vụ việc”, cụ Hợp kể.

Nhiều khuất tất cần làm rõ

Đến giữa năm 2015, vợ chồng chị Linh - người đã trả tiền cho bà Viễn để mua nhà đất đến nhận nhà thì bị cụ Hợp và người thân ngăn cản vì cho rằng việc bán nhà đất này là trái phép khi chưa có sự đồng ý của vợ chồng cụ.

Toà đã xác định vụ việc có gian dối chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu hình sự nên đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Nếu cơ quan điều tra làm rõ việc cấp sổ đỏ cho bà Viễn và ông Tiến không đúng pháp luật, có gian dối trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giấy tờ nhà đất sang tên bà Viễn, hợp đồng giao dịch giữa bà Viễn và chị Linh sẽ bị huỷ, bà Viễn phải trả lại số tiền đã giao dịch cầm của bà Linh.
Theo quy định thủ tục cấp sổ đỏ, người thừa kế khai bố mẹ đã chết thì người đi làm thủ tục thừa kế phải xuất trình kèm theo giấy chứng tử. Theo đó, công an sẽ làm rõ có hay không việc cán bộ tiếp nhận hồ sơ của bà Viễn đã không xem xét kĩ, vô ý hay cố ý, hậu quả ảnh hưởng thế nào đến quyền lợi của các bên, từ đó sẽ có căn cứ xử lý.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)


Tháng 4/2017, vợ chồng chị Linh làm thủ tục khởi kiện vụ án tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ và yêu cầu hủy sổ đỏ trong giao dịch với bà Viễn ra TAND TP Hà Nội.

Với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cụ Hợp và vợ cũng ủy quyền cho con gái là Đỗ Thị Huyền (67 tuổi) tham gia tố tụng.

Theo bà Huyền, từ đầu năm 2017 đến nay, 25 phiên tòa dân sự tại các cấp được mở, nhưng đều bị hoãn vì nhiều lý do khác nhau.

“Giờ bố mẹ tôi đã gần 90 tuổi vẫn liên tục phải đến dự tòa. Bố mẹ tôi chỉ mong muốn tòa tuyên hủy mọi giấy tờ do bà Viễn lập ra để hưởng thừa kế khu đất, đồng thời trả lại toàn bộ nhà và đất cho các cụ”, bà Huyền nói.

Ngoài ra, bà Huyền cũng mong muốn làm rõ những khuất tất trong việc lập di sản thừa kế mảnh đất cho bà Viễn, cũng như việc ai chịu trách nhiệm khi “khai tử” người còn sống.

Bà Huyền nhắc đến văn bản nhường quyền di sản thừa kế và khai nhận di sản thừa kế mảnh đất cho bà Viễn được lập và công chứng ngày 11/8/2008; nhưng lại thông báo niêm yết công khai tại phường Nhật Tân từ ngày 4/7 - 4/8/2006?

Được biết, sau hơn 3 năm chờ đợi, tại phiên tòa gần đây nhất được TAND TP Hà Nội mở vào sáng 18/9, HĐXX tiếp tục xét xử dù vắng mặt nhiều người có quyền lợi, trách nhiệm liên quan.

Trong phiên tòa này, nguyên đơn là chị Linh cho biết khi chị mua đất, bà Viễn cung cấp các loại giấy tờ có chứng nhận của cơ quan chức năng như sổ đỏ khu đất đứng tên vợ chồng bà Viễn, di chúc của chồng bà Viễn thừa kế lại tài sản cho vợ và 2 con gái, mọi việc mua bán đều hợp pháp.

Về phía bà Viễn dù vắng mặt nhưng có văn bản lời khai gửi HĐXX. Theo văn bản bà Viễn gửi tới, thì mảnh đất đó là bố mẹ chồng đã chia cho vợ chồng bà sau 4 năm kết hôn. Mảnh đất đã được cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Viễn năm 2020.

Năm 2005, ông Tiến qua đời nên bà Viễn đến Phòng Công chứng số 3 Hà Nội để làm thủ tục kê khai thừa hưởng quyền thừa kế tài sản.

Bà Viễn thừa nhận khi làm thủ tục kê khai ở Phòng công chứng số 3 TP Hà Nội, bà đã khai “cha, mẹ đẻ của ông Tiến đã chết”. Lý giải về sự việc trên, bà Viễn khai “làm theo lời chồng dặn”, kê khai là bố mẹ chồng chết cả rồi.

Trong biên bản ghi lời khai, bà Viễn cũng cho rằng các thủ tục mua bán nhà, đất cho vợ chồng chị Linh là hợp pháp.

Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, HĐXX và các luật sư bảo vệ quyền lợi cho các bên đều nhận định, trong vụ việc này hành vi gian dối của bà Viễn trong việc khai tử bố mẹ chồng là rất rõ ràng.

Vì vậy, bà Viễn phải chịu trách nhiệm đối với những hậu quả do hành vi của mình gây ra. Đồng thời, HĐXX cũng cho rằng có sai phạm của cán bộ UBND phường Nhật Tân cùng cán bộ phòng công chứng trong vụ việc này.

Sau khi hội ý, HĐXX đã yêu cầu chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để làm rõ hành vi gian dối đó có mục đích chiếm đoạt tài sản hay không, có thể làm mất tài sản của bố mẹ chồng hay không.

Nếu có căn cứ cho thấy hành vi gian dối này nhằm chiếm đoạt tài sản, gây mất tài sản của vợ chồng cụ Hợp thì có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.